- Từ năm học 2015 - 2016 học phí đại học sẽ có biến động tăng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ vừa ban hành. Sinh viên và các trường đón nhận thông tin này thế nào?

Theo quy định mới, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối, ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động).

Cụ thể:

Từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2017 – 2018, học phí đối với khối ngành Khoa học Xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản ở mức 1.750.000 đồng/tháng/sinh viên; khối Khoa học Tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn du lịch ở mức 2.050.000 đồng/tháng/sinh viên; khối ngành y dược ở mức 4.400.000 đồng/tháng/sinh viên.

Từ năm học 2018 – 2019 đến năm học 2019 – 2020, học phí tương ứng 3 khối nói trên tăng lần lượt 1.850.000 đồng, 2.200.000 đồng và 4.600.000 đồng.

Cuối cùng, từ năm học 2020 – 2021, học phí của 3 khối này tăng tương ứng 2.050.000 đồng, 2.400.000 đồng và 5.050.000 đồng. 

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động).

Cụ thể:

Năm học 2015 – 2016, học phí 3 khối ngành nói trên ở mức lần lượt 610.000 đồng/tháng/ sinh viên, 720.000 đồng/tháng/sinh viên và 880.000 đồng/tháng/sinh viên.

Năm học 2016 – 2017, mức học phí tăng lên lần lượt, 670.000 đồng, 790.000 đồng và 970.000 đồng

Năm học 2017 – 2018, mức học phí tăng lần lượt 740.000 đồng, 870.000 đồng và 1.070.000 đồng.

Năm học 2018 – 2019, mức học phí tăng lần lượt 890.000 đồng, 1.060.000 đồng và1.180.000 đồng.

Năm học 2019 – 2020, mức học phí tăng lần lượt 890.000 đồng, 1.060.000 đồng và 1.300.000 đồng.

Và cuối cùng, năm học 2020 – 2021, mức học phí tăng lần lượt 980.000 đồng, 1.170.000 đồng và 1.430.000 đồng.  

Sinh viên lo nhiều

“Từ đầu năm em đã nghe thông tin có thể tăng học phí, nhưng vào năm học mới nhà trường vẫn thu học phí học kỳ 1 theo mức cũ. Em học ngành Kinh tế, nên nếu có tăng cũng chỉ tăng khoảng 50 nghìn đồng so với mức cũ, em không cho rằng sinh viên chúng em bị ảnh hưởng quá nhiều” – Nguyễn Thu Hương, sinh viên Trường ĐH Công đoàn cho biết.

{keywords}
Ảnh Lao động

Cũng là sinh viên khối ngành Kinh tế, nhưng Đoàn Hoài Thu lại tỏ ra khá lo lắng: “Năm nay em mới là sinh viên năm thứ nhất. Nếu hàng năm trường tăng học phí 10% thì tới năm thứ tư em phải đóng hơn 800 nghìn đồng/ tháng, em cũng thấy lo. Đây là số tiền không nhỏ với gia đình làm nông như gia đình em. Em sẽ phải nhanh chóng làm thủ tục xin vay vốn tín dụng sinh viên và tìm công việc làm thêm để phần nào đỡ gánh nặng cho bố mẹ”.

Nguyễn Thị Thảo, sinh viên trường sư phạm đến từ Lạng Sơn cũng cho rằng việc tăng học phí ở năm học này sẽ chưa ảnh hưởng nhiều tới em. Nhưng nếu những năm tới học phí tiếp tục tăng như vậy, em mong muốn mức cho vay vốn cho sinh viên được tăng thêm, vì gia đình em và nhiều bạn trong lớp hiện nay đã phải khá vất vả khi lo tiền mỗi lần chúng em phải đóng học phí”.   

Cam kết từ nhà trường

Ông Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, học kì 1 này trường vẫn thu học phí theo mức học phí năm 2014 - 2015.

Mức học phí học kì 1 năm 2015 - 2016 vẫn ở mức trần từ 550.000 - 800.000 đồng/ tháng, tùy nhóm ngành nghề đào tạo. Nếu theo quy định của Nghị định mỗi năm tăng thêm 10%, mức học phí năm 2021 của trường sẽ ở múc 9,7 đến trên 14 triệu đồng/ sinh viên/ năm.

Theo ông Hùng, học phí của các trường công lập chưa tự chủ còn thấp. “Không phải trường tự chủ tài chính, có thêm nguồn thu đương nhiên trường sẽ đỡ hơn, nhưng trách nhiệm với sinh viên cũng tăng thêm. Sinh viên của trường đa phần xuất phát từ nông thôn, nhiều sinh viên thuộc đối tượng nghèo. Hàng năm chúng tôi vẫn đi vận động doanh nghiệp được khoảng 2 tỉ đồng để cấp học bổng cho các em”.

Ông Hùng tính: Hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.300 sinh viên/ năm. Quy mô đào tạo là hơn 20 nghìn sinh viên. Như vậy, mỗi năm trường tăng thu trên 1 tỷ đồng từ học phí. Mức độ tăng này không bù đắp đủ chi phí, vì hiện nay mọi thứ đều tăng.

“Tính riêng tiền điện, nước mỗi tháng trường đã hết khoảng 1,5 tỉ đồng. Nhưng trường vẫn cố gắng. Có thêm nguồn thu từ học phí, nhà trường có thêm chi phí đưa sinh viên đi thực hành, thực tập, chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn lên” - ông Hùng nói.

Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương Cao Văn cho rằng, việc tăng học phí - nhà trường có thêm chi phí để chi cho các hoạt động đào tạo trong trường.

Còn ông Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ thì nhận xét “Tất nhiên nếu xét tới sinh viên nghèo thì không nên tăng gì cả. Nhưng khi quyết định mức tăng học phí, Chính phủ đã cân nhắc kỹ. Việc đưa ra khung học phí như vậy cũng giúp cho sinh viên các năm học tới lường trước và lựa chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình”.

Còn “Học phí tăng chất lượng có tăng không? – thì đó là câu hỏi muôn thủa. Đương nhiên nhà trường phải có trách nhiệm. Có thêm tiền, trường có thêm kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị giảng dạy. Nhưng mọi việc thu chi đều phải theo quy định của Nhà nước. Các trường công lập không phải là trường tư, nên không thể tùy tiện sử dụng học phí” – ông Xê khẳng định.

Ông Vũ Tuấn Lâm, phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết hiện tại trường đang thu ở mức 9,6 triệu đồng/ sinh viên/ năm.

Nhận xét về khung học phí mới, ông Lâm cho rằng “mức tăng 10%/ năm là khá cao”, nhưng Nghị định cũng là hướng rất mở của Chính phủ khi cho phép các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư có mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học lên tới 17,5 triệu đồng ngay trong năm học này.

“Học viện đang xây dựng đề án đổi mới theo hướng này. Trong khi chờ đợi, chúng tôi vẫn thu theo mức cũ. Nếu đề án được phê duyệt sớm, có khả năng chúng tôi sẽ áp dụng mức học phí mới ngay từ học kỳ 2. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ phải cân nhắc mức độ tăng, có thể không tăng tới mức trần được phép. Chúng tôi sẽ tăng hợp lý để đủ cân bằng thu chi và có thể đầu tư. Bởi vì nếu tăng cao quá, sinh viên sẽ gặp khó khăn, mà trường chúng tôi cũng như các trường khác hiện nay cũng chịu áp lực cạnh tranh sinh viên khá quyết liệt."

  • Ngân Anh