- Học sinh học giỏi, vượt trội có thể học vượt lớp; những em giỏi có thể theo học ở từng chuyên đề cùng sinh viên ở trường đại học để tích lũy tín chỉ.  Theo tiếp lên đại học, các em có thể lấy bằng ở tuổi 20, hoặc sớm hơn.

Những thay đổi trong chương trình, phương pháp dạy-học theo hướng liên môn, tích hợp nhằm phát triển năng lực của học sinh đã được thực hiện tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội.

Theo đề án của nhà trường, nếu học sinh có năng lực, sẽ được vừa học phổ thông vừa học ĐH.

  {keywords}
Ảnh Lê Huyền

Học xuất sắc: Vượt lớp

Với sự hỗ trợ từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là đơn vị quản lí nhà trường cùng việc “bật đèn xanh” bằng công văn 791 của Bộ GD-ĐT về thực hiện chương trình nhà trường, sau 1 năm triển khai Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã mạnh dạn thiết kế một chương trình giáo dục riêng cho mình, tạo cơ hội rộng mở cho thầy, trò chủ động, sáng tạo.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, Bộ GD-ĐT đã chấp thuận để nhà trường có thể chọn lọc những học sinh xuất sắc của từng môn học được học “vượt lớp”.

Theo đó, một học sinh có năng lực đặc biệt nổi trội về một môn học nếu qua được bài kiểm tra đặc biệt, có thể “nhảy” từ lớp 7 lên lớp 8, lớp 8 lên lớp 9... bằng cách học vượt khung chương trình với lớp cao hơn ở môn học sở trường.

Với những trường hợp xuất sắc, thậm chí nhà trường có thể tiến hành đánh giá, kiểm tra để xét cho một học sinh phổ thông được theo học các chuyên đề cụ thể cùng lớp với sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nội dung, cách thức kiểm tra thẩm định năng lực đặc biệt của học sinh để xét “vượt lớp” sẽ được thiết kế, xây dựng bởi đội ngũ giảng viên các khoa chuyên môn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Về nguyên tắc, học sinh xuất sắc vượt trội có thể tích lũy các tín chỉ đã học cùng học với sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp THPT các em có thể học tiếp tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, được miễn các tín chỉ đã học.

Về lý thuyết, các em hoàn toàn có thể lấy bằng ĐH ở tuổi 20, thậm chí sớm hơn, rút ngắn hơn nhiều so với học đại học bình thường.

Những thay đổi....

Suốt 1 năm qua, toàn bộ nội dung chương trình học ở lớp 6 và lớp 10 của nhà trường được thiết kế lại và thiết kế mới trên cơ sở chuẩn kiến thức - kỹ năng do Bộ GD-ĐT quy định.

Những nội dung trùng lặp, thông tin đã cũ, kiến thức lý thuyết, xa rời, chuyển từ những bài học cứng trong chương trình - SGK sang các chủ đề có tính tích hợp liên môn, bổ sung các kiến thức có tính thực tiễn, các giờ học thực hành, trải nghiệm, rèn luyện năng lực cho học sinh.

Những thay đổi này sẽ triển khai tiếp ở lớp 7, lớp 10 và lớp 11 ở năm học này.

Theo hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thu Anh, để thiết kế chương trình học theo hướng phát triển năng lực, tư duy sáng tạo của học sinh thì 100% giáo viên của các tổ bộ môn được huy động, không chỉ xây dựng chương trình của môn học riêng rẽ, các tổ bộ môn phải ngồi với nhau cùng tìm ra những phần kiến thức liên quan giữa các môn học, trên cơ sở các bài học trong chương trình - SGKcủa Bộ GD-ĐT.

Một số môn như giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất, trường đã tuyển từ 7-10 giáo viên/môn. Không phải một hoặc hai giáo viên thể dục, nghệ thuật đảm nhiệm dạy tất cả các môn thể dục thể thao hay nghệ thuật mà có giáo viên riêng dạy cầu lông, bóng bàn, bóng rổ, yoga, võ thuật, dạy ghita, hội họa tạo hình, dance sport...Trò có thể tự do lựa chọn các môn, sinh hoạt theo nhu cầu. Phụ huynh cũng có thể tham gia hỗ trợ, hướng dẫn cùng giáo viên trong dạy học sinh.

Dù phải “chập chững, có chỗ mò mẫm” nhưng đã có những kết quả ban đầu. Với việc tích hợp, liên môn cho phép học sinh chủ động học tập, trải nghiệm, tự đúc kết, nhận xét...

Có thể nhân rộng?

Đánh giá cao mô hình phát triển của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, đây là cách làm hay có thể triển khai rộng rãi ở nhiều trường phổ thông.

Tuy nhiên, với “chương trình nhà trường”, không phải trường nào cũng áp dụng cứng nhắc một cách làm mà tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên đối tượng người học của mỗi trường, có thể thiết kế chương trình riêng phù hợp.

Học sinh phổ thông được tích lũy kiến thức đại học

Chiều 21/8, ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQG Hà Nội công bố một số chính sách đặc thù cho 2 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và THPT chuyên Ngoại ngữ.

Đáng chú ý nhất là các học sinh của 2 trường sẽ được học và tích luỹ trước tín chỉ một số môn ở bậc đại học.

Ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo giải thích: Các trường, khoa thành viên của ĐHQG  Hà Nội hiện nay đang đào tạo theo hình thức tín chỉ. Những học sinh của 2 trường chuyên nếu theo tiếp bậc đại học, có một số kiến thức sẽ không phải học lại bởi các em đã hoàn thành ở bậc phổ thông, như kiến thức ngoại ngữ của HS chuyên ngữ, hay tin học của HS chuyên tin. Do đó, các em có thể rút ngắn thời gian học đại học.

  • Hạ Anh

  • Văn Chung