- "Vai trò vị thế của môn học Lịch sử nói riêng, các môn Khoa học xã hội nói chung hiện chưa được đề cao. Học sinh ít học môn này mà chạy theo thực dụng khi đồng tiền lên ngôi" - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi Tự hào Việt Nam sáng 8/11.

Sân chơi Tự hào Việt Nam do TƯ Đoàn TNCSHCM cùng Bộ GD-ĐT tổ chức xoay quanh các chủ đề thuộc kiến thức lịch sử, văn hóa nằm trong chương trình dạy và học trong hệ thống các trường THPT với tổng giải thưởng 450 triệu đồng. Cuộc thi với hai phần thi: trực tuyến cá nhân và video clip.

{keywords}

Ông Nghiêm Đình Vỳ (đứng giữa) cùng đại diện ban tổ chức chia sẻ cảm xúc với các học sinh trong phần thi trực tuyến tại cuộc thi Tự hào Việt Nam sáng 8/11. (Ảnh: Văn Chung)

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - thành viên hội đồng cố vấn cuộc thi cho rằng: "Trong điều kiện hiện nay môn Lịch sử có vai trò quan trọng trong giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, dân tộc đối với thế hệ trẻ Việt Nam. 70 năm qua đất nước ngày càng phát triển với nhiều thành tựu về kinh tế xã hội nhưng tình hình mới với nhiều mối đe dọa. Hơn bao giờ học sinh phải am hiểu tường tận lịch sự như Bác Hồ đã dạy "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Dù vậy, ông Vỳ cũng thừa nhận: "Vai trò vị thế của môn Lịch sử nói riêng, các môn Khoa học xã hội nói chung hiện chưa được đề cao. Học sinh ít học môn này mà chạy theo thực dụng khi đồng tiền lên ngôi".

Bên cạnh việc đổi mới chương trình - SGK mà Bộ GD-ĐT đang tiến hành, những sân chơi tìm hiểu lịch sử khá hiếm hoi như Tự hào Việt Nam theo ông Vỳ là "rất bổ ích và cần thiết".

Ông Phạm Ngọc Thập - đại diện đơn vị đồng hành cùng sân chơi này cho rằng: "Trong thời đại bùng nổ Internet, phương pháp học tập môn Lịch sử theo hướng mở và gần gũi với đời sống học sinh cực kỳ quan trọng để tạo hứng thú, kích thích đam mê tìm tòi ở mỗi học sinh".

"Nếu dạy và học môn Lịch sử vẫn như hiện nay thì học sinh không hứng thú và coi đây là môn học phụ" - em Ngô Minh Phúc, học sinh lớp 11A2 Trường THPT Trần Phú - Hà Nội chia sẻ. Chúng em rất cần học kết hợp với trải nghiệm, tham quan thực tế. Giáo viên sẽ trở thành người gợi mở, hướng dẫn khám phá thay vì đọc chép.

  • Văn Chung