- Dự thảo mới nhất về Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 vừa hoàn thành tháng 1/2014 nhấn mạnh việc SGK không phải là tài liệu duy nhất mà có thể có nhiều SGK khác nhau cho một môn học.

Quan điểm được Bộ GD-ĐT đưa ra trong dự thảo: “Sách giáo khoa (SGK) là một loại tài liệu dạy học quan trọng, nhưng không phải là tài liệu duy nhất mà có thể có nhiều sách giáo khoa khác nhau cho một môn học; giáo viên và học sinh có thể tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau”. Nhưng tất cả đều phải căn cứ vào và đáp ứng được mục tiêu giáo dục và chuẩn kết quả cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Bất cập vì không có “tổng chủ biên”

Dù có một số ưu điểm nhưng theo Bộ GD-ĐT chương trình, SGK hiện hành còn nhiều bất cập, đặc biệt là không có tổng chủ biên chương trình,SGK môn học từ lớp 1 đến lớp 12.

Việc xây dựng chương trình còn làm theo kiểu cắt khúc: cấp Tiểu học được tiến hành năm 1996, tiếp đến cấp Trung học cơ sở năm 1998, nhưng đến năm 2000 mới xây dựng Đề án tổng thể về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

{keywords}

Sau 2015, phụ huynh và người học sẽ có nhiều lựa chọn sách giáo khoa. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung).

Việc xin ý kiến, triển khai thí điểm còn chưa đồng bộ, kịp thời, chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tổ chức, dạy thí điểm chưa hợp lí; Thiếu quy hoạch phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, do đó, đội ngũ này vừa thừa, vừa thiếu.

Phương thức đào tạo trong các nhà trường sư phạm chậm đổi mới, chất lượng đào tạo còn thấp. Nhìn chung, giáo viên chưa được đào tạo ở mức độ cần thiết về năng lực chủ yếu để có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Các trường học chưa khắc phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều”. Phương thức kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu và chưa được xác định rõ ràng trong chương trình.

Số môn học bắt buộc của mỗi lớp học, cấp học còn khá nhiều. Chương trình chưa thực sự chú trọng đến tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để góp phần thực hiện tốt việc phân luồng sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông.

Nhìn chung, SGK chưa cân đối giữa yêu cầu khoa học và yêu cầu sư phạm: còn có những thuật ngữ tương đối trừu tượng, đôi chỗ quá cầu toàn về tính hệ thống và logic khoa học khiến nội dung có phần ôm đồm, nặng nề với đa số học sinh.

Không triển khai đồng loạt

Theo dự thảo việc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ chia thành hai giai đoạn: thử nghiệm (từ năm 2014 đến tháng 6/2016) và hoàn thiện (từ tháng 07/2016 đến năm 2022).

Trong giai đoạn thử nghiệm có 13 công việc cụ thể được vạch ra. Bộ GD-ĐT dự kiến hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể, các môn học (thử nghiệm); Hoàn thành việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn học lớp 1, lớp 6 và lớp 10,…

Giai đoạn từ tháng 07/2016 đến năm 2022, Bộ GD-ĐT dự kiến phải hoàn thành việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn học các lớp 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11 và 12;

Hoàn thành việc thử nghiệm và đánh giá chương trình, SGK thử nghiệm; Hoàn thành việc chỉnh sửa, hoàn thiện, ban hành chương trình, SGK mới; Tổ chức từng bước triển khai thực hiện chương trình, SGK mới phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhà trường.

Mỗi vùng kinh tế - xã hội (được xác định bởi quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ Việt Nam) chọn một số tỉnh/ thành đại diện; mỗi tỉnh/ thành đại diện chọn một số trường phổ thông đại diện cho các vùng thành thị - nông thôn tham gia thử nghiệm. Mẫu thử nghiệm có khoảng 2% số trường phổ thông của cả nước.

Căn cứ vào kết quả thử nghiệm, Bộ GD&ĐT sẽ cho phép triển khai thực hiện chương trình, SGK mới. Cũng trên quan điểm “linh hoạt”, sau khi chương trình tổng thể cũng như chương trình từng môn học được phê duyệt và SGK được thẩm định, việc chính thức triển khai chương trình mới sẽ không thực hiện đại trà đồng thời trên toàn quốc như chương trình hiện hành.

Việc tổ chức triển khai chương trình – SGK được làm từng bước phù hợp với điều kiện thực tế. Chỉ những trường đã có đủ điều kiện mới triển khai từng phần hoặc toàn bộ chương trình – SGK mới.

  • Văn Chung