- "Học trò bây giờ là thế, sẵn sàng tẩy chay thậm chí phản kháng ngay nếu thầy cô không thành thật hay truyền đạt kiểu áp đặt. Muốn tiếp cận các em chỉ có cách là phải gần gũi, thật lòng"- thầy giáo Bùi Gia Nội giáo viên dạy Vật lý có bức thư cảnh tỉnh thói quen ăn uống gây sốt trên Facebook chia sẻ.

Bức thư của thầy Bùi Gia Nội, Trường THPT Vũ Thế Lang, Việt Trì, Phú Thọ gửi các học sinh về thói quen ăn uống không tốt viết từ 11/11 đến nay đã nhận được hơn 30.000 lượt like (thích) và hơn 37.000 lượt chia sẻ.

Nhờ Facebook, tôi gần trò hơn

Chiều 13/11, chia sẻ với VietNamNet, thầy cho biết:

Nếu nói về chuyện ăn uống, tôi quan sát ở những buổi chiều muộn hay buổi sáng sớm các em toàn ăn đồ ăn nhanh trước cổng trường ở trên các xe lăn bán dạo. Có lần tôi nhìn thấy em học sinh để quên cốc trà sữa chân trâu, chỉ sau mấy tiếng là thứ đồ uống ấy đã bốc mùi. Tìm hiểu mới thấy ghê sợ với những loại đồ ăn đó.

Tôi viết dòng thư trên Facebook như để chia sẻ cảm xúc, những điều tôi quan sát, tôi đọc, tôi thấy với các học sinh của tôi, mong các em ý thức hơn chuyện ăn uống của mình.

{keywords}
Bức thư gây sốt của thầy Bùi Gia Nội trên Facebook.

Thầy có ngạc nhiên không khi rất nhiều người quan tâm tới lá thư đó?

Tôi nghĩ đây vấn đề chung ở đâu cũng có nên mọi người mới quan tâm, chia sẻ thôi. Trên VietNamNet cũng đã có nhiều bài viết cảnh tỉnh về chuyện này rồi. Bây giờ không giống ngày trước, những cửa hàng họ sẵn sàng chế biến ngay trước mặt khách, một cách rất sơ sài và không vệ sinh.

Thử nhẩm tính nếu một trường có 1000 học sinh, chỉ cần 200 em ăn lang thang như vậy thì hậu quả sau này sẽ thế nào. Nói, dặn mãi mà các em không nghe. Vậy nên tôi viết lên Facebook vì biết nhiều bạn bè là học sinh của tôi vẫn thường xuyên có kết nối với thầy.

Cũng có một số rất ít người có lẽ làm ăn chân chính vào phản ứng. Nhưng điều tích cực là những ủng hộ, chia sẻ tôi nhận được từ học sinh, phụ huynh.

Hiệu quả đến ngay khi tới trường tôi thấy nhiều em chia sẻ đã ăn sữa chua hoặc ăn cơm ở nhà cho đảm bảo.

Nếu là một buổi sinh hoạt lớp, một bài giảng trên lớp liệu học trò có sẵn sàng nghe thầy nói dài như thế không?


{keywords}
Thầy giáo Bùi Gia Nội

Tôi nghĩ là khó. Học sinh bây giờ không mấy em đủ kiên nhẫn đọc, nghe những lời dài dòng thế đâu.

Còn trên lớp tôi chỉ là một giáo viên Vật lí, không phải thầy chủ nhiệm nên nếu dành 5-10 phút nói thêm e không hiệu quả, nói dài sợ không phù hợp với quản lí hành chính nhà nước.

Facebook thì khác, em nào bây giờ cũng có. Các em cũng rất quan tâm thầy. Hiệu quả lan tỏa của hình thức này cũng nhanh chóng. Nếu mình biết định hướng cho học trò thì rất tốt. Trên lớp, trước mặt thầy cô và các bạn có thể các em ngại nhưng Facebook hay tin nhắn có sự riêng tư. Học sinh có thể sẵn sàng chia sẻ với thầy cô nếu mình tin tưởng, được trò hiểu mình.

Làm thầy cần chân thành

Bây giờ người thầy muốn nói cho học trò nghe mình, hiểu mình có khó không, thưa thầy?

Nghề dạy học bây giờ nếu thầy cô không có uy tín các em không nghe đâu. Nếu mình nói dối-không thật lòng với 1 em có thể em sẽ nghe, 5 em sẽ nghi ngờ, cả lớp các em sẽ không nghe, thậm chí chống đối.

{keywords}
Thầy Nội hạnh phúc bên các con của mình.

Vậy làm sao người thầy đứng lớp thuyết phục học sinh nghe mình được, thưa thầy?

Thứ nhất phải thành thật, giản dị một chút, câu từ với học sinh như anh em, như người nhà chứ giờ không áp đặt các em được. Muốn trò quý trọng thì thầy cô phản gần gũi, chân thành, đừng hơi chút là đưa ra kỉ luật học sinh.

Đã bao giờ thầy bị trò phản kháng và thầy xử lí thế nào?

Có không ít lần trò hỏi thẳng tôi học kiến thức này để làm gì. Ví dụ học môn Vật lí, phần điện sao toàn kiến thức toán chả để làm gì. Tôi phải giải thích với các em chúng ta học không chỉ kiến thức mà học  phương pháp tư duy, lần sau gặp vấn đề gần như vậy thì lối tư duy của mình cần gì. Với tiết học Vật lí của mình, tôi cố gắng lấy các ví dụ, câu chuyện, hiện tượng trong cuộc sống, chia sẻ với các em rồi mới đi vào bài học chính, nói học sinh sẽ giải quyết được vấn đề gì sau khi học tiết học này để khơi gợi trí tò mò của các em.

Còn về phản kháng kiểu hỗn hào thì tôi chưa gặp

Phải chăng là do thầy không phải chủ nhiệm lớp nên ít va chạm với học sinh hơn?

Tôi nghĩ trò quan tâm mình hay không là do mình cả. Đứng trước lớp mà thầy chỉ thẳng mặt học sinh này đang có tâm trạng bất thường, lơ đãng với bài học hay nói chuyện riêng, yêu cầu đứng lên rồi xỉ vả thì khó gần gũi các em được. Trò phản ứng thì thầy nói em cá biệt, điều đó càng không đúng. Thầy chỉ cần đến hoặc hỏi nhẹ nhàng em có vấn đề gì khó khăn, có cần giúp đỡ gì không,..thì học trò sẽ hợp tác ngay.  Dạy học sinh khó khăn nhưng nếu có cái tâm tôi tin các em sẽ nhớ mình.

Có những em từng có tâm trạng bất cần, không nghe lời bố mẹ nhưng sau khi gặp thầy, được chia sẻ, động viên thì thay đổi ngay. Khi trò đã quý gần như thần tượng mình rồi thì các em lại rất tuyệt vời. Tôi thấy nhiều em như vậy sau khi ra trường lại sống rất tình cảm và có nhiều thành công.

Cảm ơn thầy! Chúc thầy sức khỏe, hạnh phúc!

  • Văn Chung (thực hiện) Ảnh: NVCC