- Kết quả đánh giá kĩ năng đọc của học sinh đầu cấp tiểu học vừa được công bố cho thấy việc đọc từ quen thuộcđọc thành tiếng của học sinh cao hơn so với chuẩn Bộ GD-ĐT đã đề ra cho mỗi lớp

Kết quả công bố tại hội nghị tổng kết 2 lần đánh giá kĩ năng đọc đầu cấp của học sinh tiểu học (EGRA) năm 2013 và 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 11/1. 

Việc tổ chức khảo sát được thực hiện ở học sinh các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 dưới hình thức phỏng vấn trực tiếp giữa 1 khảo sát viên và 1 học sinh tiểu học được lựa chọn ngẫu nhiên. Mỗi HS sẽ cần khoảng từ 10-15 phút để thực hiện bài đánh giá EGRA.

{keywords}
Bảng kết quả đánh giá khả năng đọc của học sinh tiểu học các lớp 1, 2, 3 qua các năm 2013 và 2014.

Cuối năm học 2012 – 2013, đánh giá được thực hiện trên1200 HS lớp 1 và lớp 3 của 40 trường thuộc 4 tỉnh: Điên Biên, Nghệ An, Gia Lai, Vĩnh Long. Năm học 2013 – 2014, là 2160 HS lớp 1 và lớp 2 của 72 trường thuộc 4 tỉnh trên và thêm 2 tỉnh:  Lào Cai, Quảng Trị.     

Theo ông Trần Đình Thuận, Phó Vụ trưởng, Giám đốc ban quản lí SEQAP: Hai kì khảo sát được tiến hành với số lượng HS không lớn nhưng nhờ thực hiện nguyên tắc chọn mẫu đáng tin cậy được các chuyên gia quốc tế công nhận, kết quả thu được bước đầu cho thấy thực trạng kĩ năng đọc của HS các lớp 1, 2, 3 và một số nhân tố chi phối sự phát triển các kĩ năng đọc ban đầu của HS đầu cấp tiểu học Việt Nam.

Theo đó, so với kết quả của các nước khác trên thế giới cũng sử dụng công cụ đánh giá này, HS Việt Nam có tỉ lệ phải “dừng sớm” (đồng nghĩa với việc chưa có kĩ năng đọc) rất thấp.

So sánh kết quả đọc của HS ở các lớp 1, 2, 3 cho thấy: nhìn chung HS có tiến bộ đều về tất cả các kĩ năng đọc nhưng mức độ tiến bộ ít nhiều không đều ở các kĩ năng khác nhau....

{keywords}
Các khảo sát viên thực hiện đánh giá khả năng đọc của học sinh qua phỏng vấn trực tiếp, có giám sát viên bên cạnh. (Ảnh: BTC)

Cũng theo ông Thuận, điều ngạc nhiên và vui mừng là: kết quả Đọc từ quen thuộcĐọc thành tiếng của HS cao hơn so với chuẩn kiến thức, kĩ năng của Bộ đã đề ra cho mỗi lớp.

Cụ thể, lớp 1 vào năm 2013 kết quả của học sinh trung bình 53,9 tiếng/phút; năm 2014 55,2 tiếng/phút. Trong khi  chuẩn hiện hành : 30 tiếng/phút. Kết quả ở lớp 2 năm 2014 89,5 tiếng/phút  trong khi chuẩn hiện hành  50 tiếng/phút; Lớp 3 (2013: trung bình95,5 tiếng/phút trong khi chuẩn hiện hành 70 tiếng/phút.

Tuy nhiên, kết quả các phần Đọc hiểu, Nghe hiểuNghe - viết (Chính tả) vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt thấp đối với HS lớp 1.

Trên cơ sở kết quả trên, đánh giá EGRA đã đưa ra những khuyến nghị đối với đổi mới chương trình SGK tiếng Việt các lớp đầu cấp...

Theo đó, để học sinh nâng cao khả năng đọc các em cần được tạo môi trường, tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động đọc, chú trọng giảng dạy tiếng Việt xen lẫn tiếng dân tộc ít người.

Nhà trường có thể xem xét việc sử dụng sách tiếng Việt 1 (tập một) Công nghệ giáo dục để dạy lớp 1.

{keywords}
Ông Trần Đức Thuận, Phó Vụ trưởng, Giám đốc chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, Bộ GD-ĐT trao đổi với PV sáng 11/1

Vẫn theo ông Thuận, giáo viên nếu thường xuyên sử dụng phương pháp đánh giá này một cách sáng tạo trên lớp học sẽ theo dõi được cụ thể và kịp thời sự phát triển các kĩ năng đọc bộ phận của từng cá nhân HS, từ đó có những can thiệp kịp thời nhằm nâng cao năng lực đọc cho HS các lớp đầu cấp tiểu học.

Đối với lãnh đạo ngành giáo dục, kiến nghị nêu cần xem xét để điều chỉnh yêu cầu cần đạt (“Chuẩn kiến thức, kĩ năng”) đối với kĩ năng đọc trơn của HS các lớp 1, 2, 3 trong Chương trình GDPT cấp tiểu học.

Đồng thời, cần nghiên cứu đề xuất chuẩn cần đạt cho tất cả các kĩ năng đọc bộ phận khác chưa có trong chương trình.

  • Văn Chung