Đầu những năm 1960, một nhà nghiên cứu trẻ đã thuyết phục thành công các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng một khu đất gần thủ đô Hà Nội trở thành công viên quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

“Họ lắng nghe người đàn ông đã đi ra ngoài và tìm hiểu về các loài chim” – Pamela McElwee – trợ lý giáo sư tại ĐH Rutgers, một chuyên gia về lịch sử môi trường Việt Nam cho hay.

“Tôi cho rằng, đó là một dấu hiệu về tầm quan trọng của ông ấy”.

{keywords}

Tiến sĩ Võ Qúy (ở giữa) đang kiểm tra các mẫu cây trồng ở Việt Nam năm 1996. Ông nổi tiếng với những nghiên cứu tiên phong về động vật hoang dã ở Việt Nam. Ảnh: Kathy Wilhelm/ AP

Tên ông là Võ Qúy. Ông vừa qua đời hôm 10/1 tại Hà Nội ở tuổi 87.

Trong suốt 50 năm nghiên cứu, tiến sĩ Qúy nổi tiếng về những nghiên cứu tiên phong về các loài động vật hoang dã ở Việt Nam cũng như những nỗ lực của ông trong việc khôi phục lại môi trường sống nhiệt đới đã bị phá hủy bởi chất làm rụng lá trong chiến tranh.

“Bạn thực sự có thể gọi ông ấy là cha đẻ của bảo tồn ở Việt Nam” – David Hulse, trưởng văn phòng của nhóm môi trường thế giới WWF ở Hà Nội từ năm 1992 đến năm 1999 nói.

Giáo sư McElwee nhận định, nghiên cứu “Các loài chim ở Việt Nam” của Tiến sĩ Qúy vẫn còn mới mẻ trong lĩnh vực này. Ông đã tiến hành nghiên cứu thực địa của mình trong suốt chiến tranh và cho xuất bản cuốn sách đầu tiên vào năm 1975.

Tuy vậy, những nghiên cứu của ông không giới hạn ở lĩnh vực này hay chỉ trong phòng thí nghiệm.

Ông thường sử dụng vị thế của mình như một trong những nhà tự nhiên học hàng đầu Việt Nam để vận động chính sách, trong đó có kế hoạch hành động về đa dạng sinh học đầu tiên của Việt Nam, nhằm tìm cách cân bằng giữa sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Hulse từng đánh giá Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường do Tiến sĩ Qúy thành lập vào năm 1985 là cây cầu đầu tiên kết nối các nhà khoa học Việt Nam và cộng đồng nhà khoa học quốc tế.

Tiến sĩ Qúy cũng là người đi đầu trong những nỗ lực nhằm thay lá các khu rừng ở Việt Nam, đặc biệt là rừng ngập mặn đã bị phá hủy bởi chất độc màu da cam – chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong chiến tranh.

Cách đây khoảng một thập kỷ, Tiến sĩ Qúy từng là người kết nối giữa Việt Nam và Mỹ khi hai nước tranh luận để cùng nhau giải quyết vấn đề dioxin.

Các cuộc đàm phán diễn ra rất phức tạp, một phần bởi vì từ lâu Mỹ đã khẳng định mối liên hệ giữa vấn đề phơi nhiễm dioxin và các vấn đề sức khỏe chưa được chứng minh khoa học – ngay cả khi Mỹ từng tài trợ cho các dự án y tế mà Việt Nam gọi là “nạn nhân” dioxin.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Qúy đã giúp cải thiện các cuộc đàm phán này, một phần là nhờ tập trung vào thảo luận về vấn đề môi trường sau chiến tranh thay vì vấn đề con người – theo Susan Hammond, giám đốc Dự án Di sản chiến tranh, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vermont chuyên giải quyết các hậu quả về môi trường và sức khỏe sau chiến tranh ở Việt Nam và Lào, cho hay.

“Ông thực sự có nhiều ảnh hưởng trong việc kết nối Mỹ và Việt Nam trong vấn đề này, nhưng rất thầm lặng và ở phía sau ánh hào quang theo cách của Võ Qúy” – bà nói.

Tiến sĩ Võ Qúy sinh ngày 31/12/1929 ở Hà Tĩnh. Ông nghiên cứu ở Trung Quốc trong suốt cuộc chiến giành độc lập từ Pháp – giáo sư McElwee cho biết. Sau đó, ông lấy bằng Tiến sĩ ở ĐH Moscow.

Cuối sự nghiệp của mình, Tiến sĩ Qúy từng tổ chức một chương trình nổi tiếng về môi trường trên Đài Truyền hình Việt Nam. Trẻ em biết tới ông với biệt danh “giáo sư chim”.

Là học trò cũ của Tiến sĩ Qúy, bà Lê Thị Vân Huệ - nhà nghiên cứu cao cấp ở Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường – xác nhận ông Qúy đã qua đời. Ông bị bệnh tiểu đường và gặp vấn đề về tim và thận – bà nói.

Ông được chăm sóc bởi vợ là bà Lê Thị Thanh và 2 con là Võ Thành Sơn và Võ Thành Giang.

Ông có mối quan hệ thân cận với Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người mở đường cho độc lập Việt Nam bằng cách đánh bại quân Pháp trong trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Tiến sĩ Qúy đã biết kết hợp khéo léo giữa sự nhạy bén khoa học và cách ứng xử - giáo sư McElwee, tác giả cuốn “Forest Are Gold: Trees, People and Environmental Rule in Vietnam”, nhận định. “Ông ấy biết cách làm việc với hệ thống chính trị”.

Nguyễn Thảo (Theo New York Times)