- "Cùng với quá trình hội nhập, quốc tế hóa, chảy máu chất xám sẽ là thách thức lớn đối với các trường ĐH trong nước nói chung và Trường ĐH Bách khoa HN nói riêng"

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN khẳng định như vậy trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh sáng nay, 15/10.

Sau khi điểm lại những thành tích mà Trường ĐH Bách khoa HN đã đạt được trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong bối cảnh thế giới hiện nay, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn, cạnh tranh ngày càng gay gắt.

{keywords}
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Trường ĐH Bách khoa HN. Ảnh: Lê Văn.

Do đó, cùng với quá trình hội nhập, xu hướng chảy máu chất xám đặc biệt là những cán bộ trẻ có trình độ cao sẽ là thách thức với các trường ĐH trong nước.

Cuộc cách mạng CN lần thứ 4 tạo ra nhu cầu thay đổi căn bản chiến lược và phương thức tổ chức đào tạo, nghiên cứu KHCN.

Theo ông Sơn, thực hiện chủ trương Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, hệ thống giáo dục ĐH trong nước có nhiều thay đổi, từ xu hướng mở rộng quy mô đào tạo chuyển dần sang chất lượng phát triển bền vững.

"Xu thế cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường ĐH trong nước tạo thách thức lớn cho các trường ĐH cũng tạo ra động lực mới cho đổi mới" - ông Sơn khẳng định.

"Năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực nghiên cứu trình độ cao, năng lực đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo cho đẳng cấp của trường ĐH, đồng thời thước đo năng lực cạnh tranh cho mỗi quốc gia".

Từ đó, ông Sơn khẳng định phương hướng phát triển trong giai đoạn tới của Trường ĐH Bách khoa HN là trở thành một ĐH nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam, tiếp cận khu vực và thế giới.

"Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng phát triển chúng ta không khỏi tự hào về những gì Trường ĐH Bách khoa HN cống hiến cho đất nước. 60 năm đó đã tạo nên truyền thống tốt đẹp, một giá trị văn hóa Bách khoa, hành trang đầy đủ, bản lĩnh kiên cường để vững bước vào tương lai" - ông Sơn khẳng định.

Không đổi mới GD, khoảng cách với các nước phát triển sẽ gia tăng

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng ghi nhận và chúc mừng những thành tích mà Trường ĐH Bách khoa HN đã đạt được trong 60 năm vừa qua.

Chủ tịch nước khẳng định, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội, thuận lợi và thách thức đan xen.

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mở ra thời đại mới của hệ thống thiết bị thông minh, tích hợp nhiều kỹ thuật công nghệ, tác động mạnh mẽ đên sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang nền kinh tế tri thức.

Từ đó, Chủ tịch nước cho rằng, nếu tận dụng cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến, sớm thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

"Nếu không có chiến lược phù hợp, không có giáo dục đào tạo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển KHCN thì sức ép phát triển đối với VN còn lớn hơn nhiều, khoảng cách giữa nước ta với các nước phát triển sẽ ngày càng gia tăng" - Chủ tịch nước khẳng định.

"Bối cảnh tình hình trên đặt ra cho ngành GD nói chung và trường Bách KH những nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang".

Từ đó, Chủ tịch nước chỉ đạo Trường ĐH Bách khoa HN quán triệt sâu sắc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ.

Chủ tịch nước cũng nêu ra 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Trường ĐH Bách khoa cần phải làm tốt, bao gồm: Triển khai tốt Đề án thí điểm đổi mới quản lý theo cơ chế tự chủ, đổi mới mô hình quản trị theo mô hình các trường đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới; Đẩy mạnh khoa học công nghệ; Quan tâm bồi dưỡng cán bộ giảng viên; Xây dựng môi trường giáo dục đại học và Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Sau 60 năm hình thành và phát triển, ĐHBK Hà Nội đã đào tạo và cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao với trên 200.000 chuyên gia kỹ thuật, trong đó có hơn 14.000 thạc sĩ và 838 tiến sĩ. Các thế hệ trưởng thành từ ĐHBK Hà Nội đang có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của đất nước.

Hiện nay, Trường có 1.950 cán bộ viên chức, trong đó 1.2000 giảng viên với 21 giáo sư, 202 phó giáo sư; số cán bộ có trình độ tiến sĩ là 722 người, chiếm 60% số giảng viên và đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm tới.

Với 35 chương trình đào tạo kỹ sư, 45 chương trình đào tạo cử nhân, 78 chương trình đào tạo thạc sĩ và 60 chương trình đào tạo tiến sĩ, ĐHBK Hà Nội đã khẳng định được vị thế của một trường đại học trọng điểm, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và là một trường đại học đậm nét định hướng nghiên cứu.

Lê Văn