“Tôi chẳng có hi vọng gì vào các môn thể thao, và chẳng có tài năng gì trong các môn nghệ thuật. Sau khi loại trừ, tôi nghĩ rằng mình sẽ thích hợp nhất khi làm nhà khoa học” - chủ nhân Nobel Y học 2016 châm biếm.

{keywords}
Nhà sinh vật học tế bào Yoshinori Ohsumi

Nhà sinh vật học tế bào người Nhật bản Yoshinori Ohsumi vừa được trao giải Nobel Y học 2016 nhờ “những phát hiện về cơ chế phân tách và tái tạo tế bào”.

Ở tuổi 71, ông Ohsumi sẽ nhận giải thưởng trị giá 937.399 USD tại lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 10/12 sắp tới ở Stockholm, Thụy Điển.

Bộ râu quai nón có lẽ là một trong những đặc điểm nhận dạng độc nhất của chủ nhân giải Nobel Y học năm nay. Nó cũng phản ánh độ dài cuộc đời nghiên cứu của ông.

Ohsumi bắt đầu để râu từ những năm 20 tuổi. “Nó dần bạc phơ” – ông nói trong buổi họp báo sau khi nhận được tin đoạt giải thưởng danh giá này.

Nhà khoa học người Nhật Bản nói rằng, vợ ông – bà Mariko đã khuyên ông nên cạo râu vào buổi sáng hôm đó. “Nên tôi đã cắt ngắn đi một chút” – ông kể.

{keywords}
Ông Ohsumi phát biểu tại buổi họp báo

Ohsumi sinh ra ở thành phố Fukuoka vào năm 1945 và là con út trong 4 anh em. “Tôi chẳng có hi vọng gì vào các môn thể thao, và chẳng có tài năng gì trong các môn nghệ thuật. Sau khi loại trừ, tôi nghĩ rằng mình sẽ thích hợp nhất khi làm nhà khoa học” – ông châm biếm.

Nhà khoa học với bộ râu quai nón ấn tượng này nổi tiếng là mê rượu, đặc biệt là whiskey. “Tôi là một học giả về nấm men, vì thế tôi không thể không yêu rượu” – Ohsumi nói.

Khi ông nhận giải thưởng Asahi vào năm 2008, ông đã mang chai whiskey đặc biệt của mình tới mời các đồng nghiệp, trong đó có giáo sư Tamotsu Yoshimori của ĐH Osaka để thể hiện lòng biết ơn của mình. Trên chai, Ohsumi viết tên mình và dòng chữ “Bài học từ men”.

{keywords}
Chủ nhân giải Nobel Y học gãi đầu khi được các phóng viên đề nghị mỉm cười

Là một nhà khoa học nhưng ông còn có bằng kiến trúc sư và ông là người tự thiết kế căn nhà của mình ở Kanagawa – một ngôi nhà kiểu truyền thống, từng xuất hiện trên một tạp chí. Ohsumi từng là chủ trì các cuộc họp theo phong cách thẩm mỹ viện với các đồng nghiệp nghiên cứu của mình.

Cùng với 6 nhà nghiên cứu khác – tất cả đều là những người mê rượu, Ohsumi lập một nhóm có tên “7 samurai”.

Hiện ông đang làm công việc truyền đạt kinh nghiệm của mình qua các bài giảng, nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ.

Vợ ông – bà Mariko nói rằng bà đã không tin ông được nhận giải Nobel khi nghe tin lần đầu. “Chồng tôi thường hay trêu đùa tôi. Vì thế, khi ông ấy nói đoạt giải Nobel, tôi đã nghĩ là ông ấy nói dối” – bà Mariko nói trong buổi họp báo được tổ chức ở Viện Công nghệ Tokyo sáng ngày thứ Ba.

“Nhưng khi tôi biết đó là thật, tôi đã quá ngạc nhiên” – bà Mariko, 69 tuổi chia sẻ đầy tinh nghịch.

Nói về vợ mình – người từng là đồng nghiệp nghiên cứu ở trường đại học, ông Ohsumi cho rằng đó “là cuộc gặp gỡ định mệnh”.

Luôn tôn trọng lẫn nhau, chủ nhân giải Nobel Y học thể hiện tình cảm của mình với vợ: “Tôi thực sự đánh giá cao sự hỗ trợ của bà ấy”.

{keywords}
Ông Ohsumi và vợ trong buổi họp báo

Sau khi tốt nghiệp ĐH Metropolitan Tokyo, bà Mariko nghiên cứu sau đại học ở ĐH Tokyo – nơi bà gặp ông Ohsumi đang nghiên cứu cùng phòng thí nghiệm.

Hai năm sau, khi vẫn còn đang nghiên cứu ở trường, họ kết hôn. Tuy nhiên, sau khi có 2 con, bà Mariko tập trung vào việc nuôi dạy con cái, trong khi ông Ohsumi tiếp tục vùi đầu trong phòng thí nghiệm.

“Tôi hiểu rằng ông ấy bận rộn với công việc. Tuy nhiên, ông ấy thực sự không tham gia vào việc nuôi dạy con cái” – bà nhớ lại.

“Chồng tôi là một kẻ luộm thuộm và khó hiểu” – bà Mariko nói. “Tôi luôn tự hỏi làm thế nào mà một kẻ lười biếng và bất cẩn như ông ấy lại có thể thành công trong phòng thí nghiệm. Tôi thì ngăn nắp hơn nhiều” – bà nói đùa.

Chia sẻ trong buổi họp báo, ông Ohsumi cho biết ông rất ngạc nhiên khi biết mình giành giải Nobel, nhưng “cực kỳ vinh dự”. “Tất cả những gì tôi có thể nói, đó là một vinh dự” – ông nói với các phóng viên. “Tôi muốn nói với những người trẻ rằng không phải ai cũng thành công trong khoa học, nhưng điều quan trọng là hãy đương đầu với những thách thức”.

Sinh ra ở Fukuoka năm 1945, ông Ohsumi tốt nghiệp ĐH Nghệ thuật và khoa học thuộc ĐH Tokyo vào năm 1967. Ông nhận bằng tiến sĩ khoa học ở trường này vào năm 1974 và trở thành một nhà nghiên cứu ở ĐH The Rockerfeller cũng trong năm đó. Ông Ohsumi trở thành trợ lý giáo sư ở ĐH Tokyo vào năm 1988 và trở thành giáo sư ở Viện Sinh học cơ bản quốc gia vào năm 1996. Ông cũng là giáo sư danh dự ở Viện Công nghệ Tokyo từ năm 2014. Ông giành giải thưởng Fujiwara vào năm 2005, giải thưởng Học viện Nhật Bản vào năm 2006, giải thưởng Kyoto năm 2012 và giải thưởng quốc tế Gairdner Canada năm 2015.

  • Nguyễn Thảo (Theo Yomiuri Shimbun, Time)