- "Có doanh nghiệp (DN) nước ngoài nói rằng phải mất 2 năm để xoá bớt những gì sinh viên đã học. Sau đó, mất thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng mà mình cần".

Trong bài phát biểu tại hội thảo "Cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục" do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức sáng 21/10, bà Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) đã dẫn lại câu chuyện trên để khẳng định rằng, dường như đang có "độ vênh" giữa đào tạo ĐH với những gì xã hội thực sự cần.

Giáo dục đại học không đáp ứng nhu cầu xã hội?

Bà Ly cho biết, hiện tại, số trường ĐH trên số dân của Việt Nam mới bằng Mỹ (1 trường/212 ngàn dân) và thấp hơn rất nhiều so với nước láng giềng Malaysia (1 trường/55 ngàn dân). Như vậy, về lý thuyết thì những người có bằng ĐH phải rất quý giá.

"Thế nhưng hiện tại chúng ta lại đang chứng kiến hàng ngàn cử nhân thất nghiệp" - bà Ly nói. "Trong lúc đó, các DN lại phải phàn nàn họ không có đủ người làm việc cho họ".

{keywords}
Bà Phạm Thị Ly. Ảnh: Lê Văn

"Điều đó nói lên rằng, có khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường ĐH và những gì xã hội thực sự cần". Theo bà Ly, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra có thể làm giãn rộng khoảng cách này.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là khái niệm mới xuất hiện gần đây, nói về sự phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng Internet. 

Bà Ly cho rằng, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chất xám sẽ ngày càng quan trọng hơn, lao động giản đơn không còn cần thiết nữa.

"Điều này đặt ra đòi hỏi vô cùng to lớn với giáo dục ĐH của chúng ta. Bởi việc chính của giáo dục ĐH chính là tạo ra người tài" - bà Ly nói.

Trong khi đó, ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam thì cho rằng, ngành công nghiệp và kinh tế Việt Nam còn cách khá xa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Khuyến dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, hiện tại 84,6% lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay là lao động giản đơn. Từ đó, ông Khuyến cho rằng, nền sản xuất trình độ thấp chính là nguyên nhân khiến hàng ngàn tiến sĩ, cử nhân thất nghiệp chứ không là việc đào tạo của giáo dục ĐH không đáp ứng được.

"Hiện nay nói hàng ngàn tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp nghĩa là lao động của chúng ta ở dưới mức độ đó" - ông Khuyến nói. Ông Khuyến cũng không cho rằng, các DN phải "tẩy sạch" những gì sinh viên đã học.

"DN có thể đào tạo liên tục, còn việc đào tạo cơ bản là của trường ĐH, chứ DN không có chức năng đào tạo cơ bản" - ông Khuyến nói, đồng thời khẳng định, hầu hết các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là đầu tư vào lĩnh vực lắp ráp và chế biến, đòi hỏi trình độ lao động thấp. Còn những lao động trí tuệ như trong lĩnh vực chế tạo họ cần số rất ít và chủ yếu đưa từ nước họ sang.

Tuy nhiên, bản thân ông Khuyến cũng thừa nhận, chất lượng giáo dục ĐH vẫn cần phải nâng cao hơn nữa. Theo ông Khuyến, giáo dục phải đi trước một bước để đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy nền kinh tế được nâng cao thì mới có thể tiến lên nền cách mạng công nghiệp 4.0

"Nguy cơ" từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những thách thức với ngành giáo dục, nhất là giáo dục ĐH và đào tạo nghề.

Cách mạng công nghệ 4.0 với những thay đổi chóng mặt của các thiết bị thông minh sẽ tạo ra những hình thức đào tạo trực tuyến. Theo bà Ly, những hình thức đào tạo này cho tới hiện tại chưa thay thế được mô hình đào tạo truyền thống song nó đang đặt ra những thách thức với ĐH truyền thống, buộc ĐH truyền thống phải thay đổi.

"Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện hình thức kết hợp giữa mô hình ĐH truyền thống và phương thức đào tạo trực tuyến. Trước đây học sinh học ở trường và về nhà để làm bài tập. Bây giờ ngược lại, kiến thức thầy giáo dạy, học trò học sẽ học ở nhà theo hình thức trực tuyến. Học sinh đến lớp chỉ để học cái mà ở nhà họ không học được".

{keywords}
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN. Ảnh: Lê Văn.

Không chỉ thay đổi phương thức đào tạo, bà Ly cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang khiến chúng ta phải thay đổi hoàn toàn quan niệm về trường ĐH. Theo đó, người ta đang chứng kiến sự dịch chuyển chức năng nghiên cứu và đào tạo từ khu vực ĐH sang khu vực DN.

"Các DN lớn hiện nay có phòng thí nghiệm riêng, có đội ngũ nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu tốn kém. ĐH không còn là nơi duy nhất nghiên cứu nữa, đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng" - bà Ly nói.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục đại học, từ chỗ coi giáo dục ĐH là hàng hóa công mà chính phủ có bổn phận cung cấp cho người dân thì nay, người ta phải coi giáo dục ĐH là sự đầu tư của cá nhân và xã hội.

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì cho rằng, nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 thì không chỉ nói đến CNTT hay những lớp học trực tuyến. 

Theo ông Sơn, cuộc cách mạng này tác động trước hết đến những trường đào tạo về kỹ thuật công nghệ vốn là nền tảng của cuộc cách mạng này.

Do đó, theo ông Sơn, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng này, các trường ĐH cần phải có sự dịch chuyển trong cơ cấu đào tạo vào lĩnh vực nghiên cứu. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng cần phải có sự thay đổi. Các chương trình cần có tính liên ngành, hướng tới đào tạo ngành rộng để sinh viên có kiến thức nền tảng để có thể thích ứng với nhiều công việc khác nhau.

"Hiện nay, tính quan trọng của đào tạo ngành rộng ngày càng được khẳng định chứ không phải là đào tạo chuyên ngành sâu như suy nghĩ của một số nhà giáo dục" - ông Sơn khẳng định.

PGS. TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng cho rằng, giáo dục cần phải có sự thay đổi rất nhiều trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Cần, từ quản lý, giảng viên, chương trình đào tạo cho tới người học đều phải có sự thay đổi.

Theo đó, người giảng viên dạy cho người ta học cái mình đang có, đang biết mà phải hướng tới dạy người ta sáng tạo ra cái mới. Về phía người học cũng phải thích ứng với những thay đổi trong đào tạo.

"Người học phải biết chọn gì để học, phải biết cách học, không chỉ học người khác mà phải phát huy cái sáng tạo của mình" - ông Cần khẳng định.

Thế "lưỡng nan" của giáo dục ĐH Việt Nam

Theo bà Phạm Thị Ly, trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục ĐH Việt Nam đang đứng trước tình thế lưỡng nan trong việc đáp ứng những yêu cầu của thời đại, ít nhất trong việc rút ngắn các khoảng cách với các chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, bà Ly cho rằng, các trường ĐH Việt Nam thu học phí thấp nhưng lại muốn có chất lượng cao. "Làm thế nào để thu học phí vài ba triệu mà tạo ra được chất lượng tương đương với những trường mà họ bỏ ra vài chục ngàn USD?" - bà Ly đặt câu hỏi.

Trong khi đó, nếu tăng học phí thì cái khó thứ 2 là khả năng chi trả của dân chúng. "Có bao nhiêu người trong số 90 triệu dân có thể chi trả mức học phí cao trong khi những người học ĐH trong nước hầu hết là những người có thu nhập thấp" - bà Ly nói.

Lê Văn