- Khả năng phát triển nghiên cứu khoa học trong nước có thể tăng cường thông qua chính sách “gia công chất xám” và “hợp tác nghiên cứu quốc tế”.

Không nhất thiết về nước như nghĩa vụ

Do điều kiện thực tế của Việt Nam, các tiến sĩ học ở nước ngoài về khó có thể làm nghiên cứu khoa học đúng với khả năng của họ. Vì thế, theo quan điểm của tôi, các nhà khoa học nếu có điều kiện tiếp tục theo đuổi công việc nghiên cứu của mình ở nước ngoài, không nhất thiết phải về nước làm việc như một nghĩa vụ bắt buộc.

Các anh chị có quyền chọn cho mình môi trường tốt nhất để có thể phát huy toàn bộ khả năng của bản thân và có thể đóng góp một cách thiết thực, hiệu quả hơn cho đất nước dù là một cách gián tiếp.

Nếu vậy thì các tài năng của chúng ta cứ lần lượt ra đi và tình trạng chảy máu chất xám cứ như vậy diễn ra thì thử hỏi sự phát triển của đất nước này sẽ như thế nào? Và có sự công bằng không khi đất nước đã đầu tư không ít tiền để gửi các du học sinh đi học ở nước ngoài?

Câu trả lời, theo tôi, là chúng ta sẽ được nhiều hơn mất nếu biết cách khai thác thế mạnh của các nhà khoa học này bằng chính tài năng và lương tâm trách nhiệm của họ.

Điều thứ nhất các nhà khoa học của chúng ta nếu được tiếp tục làm việc trong môi trường thuận lợi, tài năng của họ sẽ được phát huy và tiếng tăm của họ sẽ đem lại uy tín cho đất nước.

Kế tiếp, bản thân các nhà khoa học này có thể bằng con đường đào tạo và giảng dạy có thể trực tiếp hay gián tiếp xin các loại học bổng giúp một số lớn các sinh viên Việt Nam cơ hội đi học ở nước ngoài.

Quan trọng hơn, nhờ cầu nối là các nhà khoa học tài năng người Việt sống ở nước ngoài, chúng ta hy vọng có thể nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (cũng như thu nhập của nhà nghiên cứu) trong nước thông qua các chính sách phát triển “hợp tác nghiên cứu quốc tế” và “gia công chất xám”. Hai khái niệm này trong thực tế không mới và các nước có nền khoa học đang trỗi lên mạnh mẽ, ví dụ như Trung Quốc và Ấn Độ, đã và đang rất thành công trong chính sách này.

Tại sao không “gia công chất xám”?

Nếu nhìn theo quan điểm thị trường thì bất cứ ngành nghề nào cũng cần nơi đặt hàng, tiêu thụ sản phẩm, trả công và đầu tư để phát triển sản phẩm tốt hơn. Nghiên cứu khoa học cũng vậy, cần phải có thị trường để phát triển. Đó chính là hoạt động R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của doanh nghiệp, chính sách quản lý và phát triển của Chính phủ, và sự đầu tư của các tổ chức đại học hướng nghiên cứu…

Tìm thị trường cho phát triển nghiên cứu khoa học là sự hạn chế lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu trong nước. Vậy giải pháp thiết thực để thu hút người tài về nước đóng góp đó chính là làm thế nào để có việc làm, có thu nhập và có cơ hội phát triển ở tầm quốc tế (hay nói chung là có thị trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học) cho họ, chứ chưa hẳn là phải trả lương cao, cất nhắc vào chức vụ quản lý hay một vài cơ chế đãi ngộ đặc biệt nào đó. Vì thế chiến lược phát triển thị trường nghiên cứu khoa học trong nước thông qua “gia công chất xám” và “hợp tác nghiên cứu quốc tế” có thể là một hướng đi phù hợp với chúng ta.

Như chúng ta biết, việc các giáo sư nước ngoài rất cần những nguồn nhân lực chất lượng cao, giá rẻ để làm việc trong các dự án nghiên cứu của họ là nhu cầu thực tế trong hầu hết các nước có nền khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến.

Trong các năm qua, có thể thấy xu hướng các giáo sư Nhật Bản và Hàn Quốc rất thích nhận các nghiên cứu sinh từ các nước như Việt Nam hay Trung Quốc sang làm việc cho các trung tâm nghiên cứu của họ vì chi phí cho các sinh viên này khá thấp. Tiền đầu tư vào các dự án nghiên cứu này thường được cấp bởi các công ty tư nhân hoặc tài trợ của chính phủ và sản phẩm đầu ra thông thường phải là các “patent” (chứng nhận sáng chế) hoặc các giải pháp hoàn chỉnh để có thể ứng dụng vào sản xuất.

Các nghiên cứu sinh Việt Nam trong quá trình làm việc trực tiếp trên những dự án thực tế này sẽ được đào tạo thành những nhà khoa học tương lai không chỉ có kiến thức học thuật mà còn có khả năng ứng dụng thực tiễn. Đây là nguồn đào tạo các nhà khoa học trẻ Việt Nam gần như hiệu quả nhất hiện nay trong điều kiện đầu tư còn rất hạn chế của đất nước.

Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta từng thành công trong các chính sách “gia công hàng may mặc”, “gia công giày dép”, hay cao hơn là “gia công phần mềm”cho nước ngoài, tại sao chúng ta không làm “gia công chất xám” cho họ.

Khái niệm “gia công chất xám” đây chính là làm thuê cho các tổ chức nghiên cứu nước ngoài muốn có chi phí nghiên cứu khoa học giá rẻ. Họ có dự án, có tiền đầu tư nghiên cứu cao. Chúng ta thiết lập một nhóm nghiên cứu trong nước (nhà khoa học hướng dẫn các sinh viên cao học, tiến sĩ) để thực hiện các hoạt động nghiên cứu cụ thể nào đó, ví dụ như chế tạo thiết bị, đo đạc, thực nghiệm, mô hình hóa…

Công lao động sẽ được tính theo giờ, theo đơn vị sản phẩm, hoặc theo số lượng bài báo khoa học. Trong quá trình gia công này, chúng ta không những tạo được thu nhập chân chính cho các nhà khoa học trong nước mà còn từng bước đào tạo nên một số lớn các nhà khoa học tương lai nữa.

Khó khăn lớn nhất chính là làm sao nhận được các hợp đồng “gia công chất xám” và việc tổ chức thực hiện chúng như thế nào?

Đáp án cho vấn đề này chính là nhờ sự đóng góp của các nhà khoa học người Việt sống ở nước ngoài, làm cầu nối giữa nguồn nhân lực đông đảo, có chất lượng cao trong nước và nhu cầu “chi phí nghiên cứu giá rẻ” của nước ngoài. Bằng tài năng, danh tiếng và uy tín khoa học của mình, các giáo sư có thể trực tiếp hoặc hợp tác với đồng nghiệp quốc tế tìm các hợp đồng nghiên cứu, sau đó, chuyển một phần hoặc toàn bộ các công việc nghiên cứu này về các trường đại học, Viện nghiên cứu, hoặc thậm chí một số cá nhân hay nhóm nghiên cứu độc lập trong nước để thực hiện.

Việc giám sát, đánh giá chất lượng và kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện dự án hoàn toàn có thể thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại hiện nay (On-line meeting, Tele-conference…).   

“Hợp tác nghiên cứu quốc tế” không phải là không thể

“Hợp tác nghiên cứu quốc tế” thì lại liên quan đến việc các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước có thể tham gia làm thành viên của những consortium (tạm dịch là tổ hợp tác), để cùng nhau lập dự án nghiên cứu và cùng xin kinh phí thực hiện từ các tổ chức quốc tế và cùng nhau hợp tác thực hiện các dự án đấy.

Sự hợp tác này một mặt phụ thuộc vào tiềm năng của các nhóm nghiên cứu trong nước, mặt khác, luôn được khởi đầu từ những quan hệ tin tưởng nhau giữa các nhà khoa học lãnh đạo các nhóm.

Việc “hợp tác nghiên cứu quốc tế” là sự phát triển cao hơn một bậc so với việc “làm gia công chất xám” ở chỗ các tổ chức nghiên cứu của chúng ta có vị trí ngang hàng phải lứa với các nhóm nghiên cứu khác trong consortium.

Muốn thiết lập các kênh quan hệ để kết nối hợp tác quốc tế như thế không phải là điều dễ dàng nhưng cũng không phải là điều không thể, nhất là ở tầm vóc của các nhà khoa học xuất sắc như GS. Ngô Bảo Châu hoặc một vài nhà khoa học Việt Nam sống ở nước ngoài khác.

Thông qua các dự án hợp tác quốc tế, uy tín của các tổ chức nghiên cứu trong nước sẽ dần được nâng cao và từng bước chúng ta sẽ học hỏi được cách thức lập kế hoạch dự án, phương pháp quản lý dự án, thậm chí các chiêu thức “lobby” một cách hiệu quả để nhận thầu dự án một cách phù hợp theo thông lệ quốc tế.

Như vậy, có thể nói, chỉ có thông qua các chính sách “hợp tác nghiên cứu quốc tế” và “gia công chất xám” thì các nhà nghiên cứu của chúng ta mới thật sự là tự mình tìm hướng đi cho mình mà không đợi đến lúc những chính sách đãi ngộ hay đầu tư của nhà nước cho KHCN được cải thiện.

Việc này có thực hiện được hay không trước tiên phải nhờ vào uy tín và sự thành công của những nhà khoa học hàng đầu người Việt đang hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ngoài.

Kế đến là cần một số chính sách phù hợp, cởi mở của nhà nước trong lĩnh vực phát triển KHCN, cùng với những nỗ lực mạnh mẽ của đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học đầy tiềm năng trong nước.

Thực tế cho thấy, số lượng tiến sĩ người Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đã tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình ở nước ngoài chiếm một tỉ lệ không nhỏ.

Từ những thành công của lớp người này và thông qua hợp tác khoa học với các nước tiên tiến, chất lượng nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã ngày càng phát triển không ngừng. Trung Quốc từ một nước “gia công sản phẩm công nghiệp” nay đã chuyển mạnh sang “gia công chất xám” và hiện tại đã có những thành tựu về khoa học công nghệ của riêng mình.

Đây chính là điều chúng ta cần phải suy ngẫm và học hỏi nhằm từng bước cải thiện chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Đinh Hoàng Bách