Tác phẩm Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn của GS.TS Nguyễn Văn Trọng đạt Giải sách hay về hạng mục giáo dục.

Lễ trao Giải sách hay diễn ra sáng nay, 18/9 tại TP.HCM, nhằm vinh danh những cuốn sách hay. Giải có sáu hạng mục truyền thống gồm Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, và Thiếu nhi, Phát hiện mới. Ở mùa giải 2016, Giải sách hay có thêm một hạng mục sách khuyến đọc là giải “Người trẻ chọn sách cho người trẻ” do Ban Cộng Đồng bình chọn.

Ở lĩnh vực giáo dục, GS-TS Nguyễn Văn Trọng được vinh danh với tác phẩm Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn

{keywords}

GS Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1940, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kiev năm 1965 với chuyên ngành vật lý lý thuyết. Ông bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học năm 1968 tại Kiev, sau đó làm cộng tác viên khoa học của Viện Vật lý lý thuyết Kiev.  

Năm 1970 ông về Việt Nam làm việc tại Viện Vật lý. GS Trọng có hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học nước ngoài. Ông Trọng được nhà nước phong hàm Phó Giáo sư (năm 1984) và Giáo sư (năm 1991). 

 GS Nguyễn Văn Trọng gắn với những tác phẩm dịch thuật như J.S. Mill, Bàn về tự do; J.S. Mill, Chính thể đại diện; R. P. Feynman, Ý nghĩa mọi thứ trên đời; A.I. Herzen, Từ bờ bên kia ; I. Berlin, Bốn tiểu luận về tự do…

Tác phẩm Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn được ông ghi chép về những trải nghiệm của bản thân mình. Như ông hài hước chia sẻ trong lễ trao giải, “tri thức mênh mông nhưng tôi quan tâm tới tự do vì tôi luôn đau khổ với tự do, tôi không tự do là do sự dốt nát của mình. Vì vậy, chỉ có một phương cách để giải quyết sự ngu dốt của mình về tự do khiến tôi đọc và ghi chép nhưng trải nghiệm của bản thân”.

Ngoài ra, ở lĩnh vực giáo dục, dịch phẩm Sự ra đời trí khôn ở trẻ em, tác giả Jean Piaget; dịch giả Hoàng Hưng cũng đạt giải.

Giải sách hay là một giải thưởng thường niên của dự án Sách Hay do Viện IRED tổ chức, và kể từ năm 2015 thì Giải sách hay do Viện IRED và Quỹ Phan Châu Trinh đồng tổ chức. 

Đây là giải thưởng “dân lập” đầu tiên về sách có quy mô của Việt Nam do học giả (tính chuyên gia) và độc giả (tính đại chúng) bình chọn.

Mục đích chính của Giải sách hay để “Góp phần lựa chọn sách hay, quảng bá sách hay và lan tỏa tri thức từ những cuốn sách hay; và đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ trong xã hội”. 

Giải sách hay được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như một “màng lọc tri thức” giúp công chúng có thêm kênh để tiếp cận với những tri thức và những chuẩn giá trị tiến bộ của Việt Nam và thế giới.

Lê Huyền