- Ngày 12/9, NXB ĐH Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) ra mắt bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” được xuất bản theo tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT thông qua.

Bộ sách dành cho học sinh Tiểu học gồm 10 quyển (mỗi lớp 2 quyển) giúp các học sinh khám phá, cảm nhận những điều mới mẻ và thú vị trong cuộc sống xung quanh.

Ông Nguyễn Quốc Vương, giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử - ĐH Kanazawa (Nhật Bản), là chủ biên bộ sách này.

{keywords}

Bộ sách dành cho học sinh Tiểu học đầu tiên được viết theo chương trình phổ thông mới vừa được NXB ĐH Sư phạm cho ra mắt. Ảnh: Thanh Hùng.

Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NXB ĐH Sư phạm cho biết, trong chương trình phổ thông mới, vai trò của hoạt động trải nghiệm sẽ được nhấn mạnh dưới góc độ phát triển phẩm chất, năng lực của người học, vì vậy, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp rất quan trọng.

Do đó, bộ sách được thiết kế với những đặc trưng cơ bản, khác biệt với các tài liệu khác viết về hoạt động trải nghiệm.

Nội dung sách và hệ thống các hoạt động trải nghiệm sẽ tạo thành một cuộc hành trình. Đây là cuộc hành trình khởi đầu bằng việc 5 học sinh bước vào ngôi trường tiểu và khép lại bằng hoạt động 5 bạn cùng bạn bè trong lớp làm một cuốn sách tổng kết toàn bộ hành trình năm năm học ở trường tiểu học.

5 học sinh này cũng là các nhân vật dẫn chuyện xuyên suốt bộ sách. Đây là các học sinh có tên, cá tính, đặc điểm hình dáng nhất định và có tư duy, nhận thức lớn lên theo cùng năm tháng theo cuộc hành trình trải nghiệm. Những lời nói, hoạt động của các học sinh này có tính chất như là một sự gợi mở, đồng thời cũng là đầu mối cung cấp thông tin cho giáo viên và học sinh trong quá trình tiến hành các hoạt động trải nghiệm.

{keywords}

5 học sinh này cũng là các nhân vật dẫn chuyện xuyên suốt bộ sách. Ảnh: Thanh Hùng.

Sự xuất hiện của các học sinh này xuyên suốt cuốn sách tạo ra không khí đối thoại giữa học sinh và những trang sách, kích thích các em có động lực học tập và trải nghiệm.

Các bức ảnh, tranh vẽ trong sách không chỉ đơn giản là hình ảnh minh hoạ mà còn là đầu mối cung cấp thông tin quan trọng. Các hình ảnh này, trong nhiều trường hợp, sẽ không phải là sự minh hoạ đơn giản phần lời trong sách mà sẽ cung cấp các thông tin mới không có trong phần lời để học sinh và giáo viên khai thác phục vụ trải nghiệm, phát huy năng lực quan sát, óc tưởng tượng và sáng tạo của học sinh.

Các chủ đề học tập trong sách được thiết kế và sắp xếp theo một trật tự logic nhất định. Các chủ đề mở rộng theo “vòng tròn đồng tâm khuếch tán”, lấy bản thân học sinh làm điểm xuất phát để mở rộng ra các chủ đề khác như gia đình, khu phố, làng nơi học sinh sống, ngôi trường nơi học sinh học rồi đến đất nước và thế giới. Các chủ đề cũng được sắp xếp trên cơ sở tính toán tới mối tương quan với sự thay đổi các mùa và thời điểm tổ chức các sự kiện, nghi lễ trường học hàng năm. Tuy nhiên, trật tự này không phải là cố định tuyệt đối và các giáo viên có thể căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và trường học để có sự điều chỉnh thích hợp.

Mỗi lớp sẽ có 10 chủ đề (5 chủ đề dành cho học kì I và 5 chủ đề dành cho học kì II). Những người soạn sách cũng cho hay các chủ đề được lựa chọn và đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. 

{keywords}

Các chủ đề, bài học trong bộ sách do NXB ĐH Sư phạm giới thiệu không chú trọng vào việc truyền đạt các tri thức khoa học một cách có hệ thống mà chủ yếu coi trọng kinh nghiệm đời sống của các em nhằm phát triển và mở rộng vốn sống. Ảnh: Thanh Hùng.

Nội dung mỗi chủ đề và cách thức tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm được biên soạn theo hướng mới, không chú trọng vào việc truyền đạt các tri thức khoa học một cách có hệ thống mà chủ yếu coi trọng kinh nghiệm đời sống của các em nhằm phát triển và mở rộng vốn sống. Trên cơ sở đó hình thành, phát triển ở học sinh các năng lực, phẩm chất có ích trong đời sống thường ngày.

Bộ sách cũng hướng dẫn cách đánh giá học sinh dựa trên hồ sơ học tập, quan sát và các sản phẩm do các em tạo ra trong quá trình trải nghiệm. Sách cũng nhấn mạnh việc quan sát và đánh giá sự tiến bộ của các em trong cuộc sống thường ngày dựa trên quan điểm cho rằng mục đích cuối cùng của các hoạt động trải nghiệm là giúp học sinh giải quyết được các vấn đề trong học tập, đời sống và ngày càng nâng cao chất lượng đời sống của bản thân.

Theo ông Cường, từ năm học 2017 - 2018, để tiếp cận và từng bước chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sách có thể được sử dụng trong giáo dục học sinh tiểu học qua các hình thức: Thay thế, bổ sung một số nội dung, phương pháp tổ chức các hoạt động chính khoá và ngoại khoá trong các môn học: Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Khoa học, Lịch sử - Địa lí...; thay thế, bổ sung nội dung và hình thức tổ chức các Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (tiết sinh hoạt lớp, hoạt động tập thể...); thay thế, bổ sung nội dung và phương pháp giáo dục Kĩ năng sống, Giá trị sống...

Thanh Hùng