- Sáng 4/5, tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra hội thảo kêu gọi đề xuất cho Cuộc thi chứng minh ý tưởng lần thứ 2 do Ngân Hàng Thế Giới và Bộ KH&CN bảo trợ, Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)- Bộ KH&CN tổ chức.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Cuộc thi “Chứng minh ý tưởng” (Proof of Concept - PoC) được tổ chức nhằm tìm kiếm các tổ chức, cá nhân có ý tưởng xuất sắc giúp Việt Nam ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu, biến các thách thức trở thành cơ hội kinh doanh thông qua hỗ trợ toàn diện các doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực phát triển xanh và bền vững. 

Ngoài ra, mục đích của cuộc thi nhằm góp phần gia tăng sự phong phú, khả năng liên kết cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Các ý tưởng đạt giải sẽ có cơ hội nhận được kinh phí tài trợ tối đa lên tới 75.000 USD mỗi ý tưởng, cùng với cơ hội được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ươm tạo, thương mại hóa công nghệ và phát triển kinh doanh do VCIC cung cấp.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, và Việt Nam đang là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

"Điều này đã đặt ra cho chúng ta những thách thức to lớn về việc phát triển bền vững, nhưng cũng đồng thời đem đến cơ hội để chúng ta cải tiến công nghệ, ứng phó với biển đổi khí hậu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong công cuộc đổi mới chung trên toàn thế giới”.

Trong bối cảnh này, Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)” đã ra đời, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới từ nguồn vốn của Chính phủ Úc và chính phủ Anh, được Chính phủ Việt Nam triển khai thông qua Bộ KH&CN.

“Theo chúng tôi đánh giá, hiện nay nguồn lực của trung tâm chưa có nhiều, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp về mặt kinh phí ở mức độ rất khiêm tốn, tuy nhiên trung tâm có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ươm tạo” – ông Tùng nói.

{keywords}
Hội thảo kêu gọi đề xuất cho cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ 2 do Bộ KH&CN phối hợp tổ chức cùng Ngân hàng thế giới

Ông Tùng lấy ví dụ về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cảnh báo sâu bệnh, cung cấp bản tin thời tiết hỗ trợ người nông dân. Mỗi ngày doanh nghiệp này gửi 8 triệu bản tin tới 63 tỉnh thành phố, cảnh báo 80 loại sâu bệnh trên 35 loại cây trồng, giúp người nông dân đối phó được diễn biến ảnh hưởng tới công việc của mình. 

Hay như dự án cung cấp sản phẩm cà chua sạch được thực hiện khép kín từ khâu cây trồng, quy trình sản xuất, thu hoạch, đến khi đến tay người tiêu dùng.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, còn nhiều dự án, sản phẩm ở các lĩnh vực khác, như công nghệ lọc nước sạch nhờ nguyên liệu trấu...

Theo tổng kết của VCIC, Cuộc thi chứng minh ý tưởng lần thứ nhất đã hỗ trợ được 14 doanh nghiệp ở giai đoạn thương mại hóa, 4 doanh nghiệp ở giai đoạn ươm tạo. Cụ thể, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho gần 600 lao động, 64.276 số hộ/khách hàng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ cải tiến, 3011 đơn vị công nghệ tiết kiệm năng lượng/giảm khí thải được lắp đặt, lượng khí thải CO2 được cắt giảm 88.933 tấn.

Cuộc thi chứng minh ý tưởng lần 2 nhận hồ sơ đến hết ngày 23/5/2017. Ước tính số lượng hồ sơ tham dự vào khoảng 800 - 1.000 hồ sơ.

  • Nguyễn Thảo