- Niềm tin và khát vọng nào đã thôi thúc thầy Nguyễn Thận vượt qua bao khó khăn, để góp phần mang đến một cái kết có hậu cho Huỳnh Văn Nén và gia đình? 

Nhà báo Thanh Huyền: Thưa ông, ông Huỳnh Văn Nén đã được giải oan và cả gia đình bên vợ cũng đã được giải oan. Vậy, sau vụ án này đã được khép lại rồi, ông có còn điều gì bận tâm hay trăn trở nữa không?

Thầy giáo Nguyễn Thận: Vụ án đã khép lại, đúng, một câu chuyện buồn nhưng có hậu.

Tôi muốn nói rằng với mọi người rằng chẳng qua việc làm của tôi như là một việc làm thôi, cứ xem như là một việc tử tế mà mọi người ai cũng có thể làm được, không phải để vinh danh mới làm được.

Tôi chưa bao giờ suy nghĩ đến một ngày nào đó tôi ngồi nói chuyện, trao đổi với bạn đọc, với mọi người rằng: Con người ta cần cái đó, không phải, mà sự tử tế đó tôi thấy rằng chính hệ thống báo chí đã đồng hành với tôi, rất tử tế, rất nhiều người tử tế, luật sư tham gia với tôi, rất nhiều người tử tế.

Ông Huỳnh Văn Chiến – một người cha già, với tình yêu thương con cũng rất tử tế, cũng hiếm có tình phụ tử. Để muốn nói với mọi người rằng cái tình con người rất lớn. 

Và tôi muốn nói với cuộc sống, với xã hội rằng:  Đừng bao giờ có điều đáng tiếc, một câu chuyện buồn, tuy có hậu nhưng nó rất buồn.

Hai vụ án oán đã xảy ra với nạn nhân Huỳnh Văn Nén. Đó là người thực thi pháp luật, cảm xúc và lý trí của họ đã tạo ra một sự kiện, có thể nó nổi bật là làm khuấy động đến cuộc sống xã hội nhưng rất đau buồn.

Cũng chẳng phải vui vẻ gì để chúng ta nói về điều này. Mà tôi muốn nói rằng: Đảng, Nhà nước phải nhìn nhận một thực tế, để trong quá trình cải cách tư pháp đi vào thực chất hơn, những khuyết tật mà chúng ta đã mắc phải. 

Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề mà đó là con người, dẫu cho Huỳnh Văn Nén là một con người bình thường như những người nông dân khác, nhưng Huỳnh Văn Nén không giết người, cũng đừng đẩy Huỳnh Văn Nén trở thành một tội phạm mà ám ảnh suốt cả cuộc đời.

Cho nên, khi nói đến vấn đề này tôi muốn nói lại để làm sao cuộc sống chúng ta vẫn ẩn chứa nhiều điều tử tế, không phải chỉ cá nhân tôi, vấn đề thứ hai là cán bộ, không thể vô cảm và thiếu trách nhiệm, mà cải cách tư pháp là phải sao cho có thực chất, và rồi cơ chế vận hành như thế nào để không còn sự lạm quyền, để không còn sự lộng quyền, để không còn những điều đáng tiếc xảy ra.

Câu chuyện Huỳnh Văn Nén được xem như "cổ tích giữa đời thường", có người thủ ác, có người thiện, và có nhân vật như "ông Bụt". Bản thân ông có hay kể chuyện cổ tích cho con cháu mình không? Ông có tin vào câu chuyện cổ tích nào?

Ngay từ hồi nhỏ, tôi cũng đọc truyện cổ tích cho con, dạy học sinh bằng những câu chuyện cổ tích. Các truyện cổ tích thường kết thúc có hậu.

Còn câu chuyện vụ án oan Huỳnh Văn Nén, vụ án oan vườn điều đến với tôi như một số phận. Không ai muốn viết nên câu chuyện cổ tích này. Tôi làm như cảm xúc của một con người.

Tôi không biết phải chăng có phải mình tạo ra câu chuyện cổ tích này hay không, nhưng đó là cảm xúc - mà như tôi đã nói. Một khi không phải tôi, mà bất cứ ai có khát vọng sống, hy vọng vào sự bình đẳng và công lý thôi thúc mình.

Có phải là cổ tích không thì tôi không biết, nhưng tôi thấy mình vui, hạnh phúc khi sự việc được sáng tỏ. Tôi chỉ muốn là người bình thường trong cuộc sống.

- Thưa ông, truyện cổ tích thường kết thúc rất đẹp, nhưng đây không phải là truyện cổ tích. Đây là đời thường, và trong suốt mười mấy năm vác đơn đi giải oan cho Huỳnh Văn Nén thì con cái Nén đều thất học cả và bản thân ông cũng không có nhiều thời gian dành cho con cái mình. Ông có cho rằng liệu chúng ta đang nợ con trẻ một điều gì đó hay không?

Tôi nghĩ rằng mọi câu chuyện đều có hệ lụy của nó.

Hệ lụy của vụ án vườn điều đến nay vẫn chưa xong và hệ lụy của vụ án Huỳnh Văn Nén cũng vậy. 10 người bị oan trong vụ án vườn điều đến nay vẫn chưa ổn định được.

Nhà nước đã xin lỗi, đã bồi thường nhưng họ vẫn không vượt qua được số phận của họ. Có thể là do chủ quan của họ, nhưng cũng có thể đó là những hệ lụy tác động, ảnh hưởng đến đời sống, con cái của họ.

Tôi không nghĩ rằng tôi hoặc ai đó còn nợ, đó là hoàn cảnh. Mặc dù như con của Huỳnh Văn Nén, năm 2002, tôi thông qua cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa của báo Thanh Niên đã giới thiệu cho tôi gặp anh Nguyễn Văn Trực – giám đốc làng SOS Gò Vấp. Tôi đã đưa 8 cháu bé trong vụ án vườn điều, vụ án Huỳnh Văn Nén gửi gắm, cưu mang ở làng SOS Gò Vấp, nhưng tiếc rằng một thời gian sau họ trả về.

Với hoàn cảnh vợ Nén một tay nuôi 3 đứa con dại, thành thật mà nói, nó vừa có hệ lụy.

Nén bị tù thì làm sao có điều kiện chăm sóc, nhưng không có nghĩa là ai bị tù thì con cái họ đều hư cả.

Chúng ta phải nói một cách khách quan và công tâm là như vậy.

Tuy nhiên, đối với Nén, hoàn cảnh khốn khó hơn. Trước đây, cuộc sống của anh  đã khó khăn rồi. Lúc Nén bị bắt, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi, đứa lớn nhất mới gần 10 tuổi. Cho nên điều tất yếu sẽ xảy ra, con cái Nén không được học hành, thậm chí có thể rơi vào các tệ nạn xã hội.

Câu hỏi đặt ra, tôi cho rằng, có hệ lụy của nó, có trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm của những người gây ra oan sai. Bản thân tôi trong khả năng của mình cũng chia sẻ với cuộc sống, và bản thân gia đình Nén cũng vậy. Cho nên, nói về mặt trách nhiệm, tôi cũng hết sức băn khoăn, không biết nên bày tỏ như thế nào.

- Thưa ông, nếu như cho ông một điều ước, ông sẽ ước gì? Và ông có muốn nhắn nhủ đến khán giả xem truyền hình một điều gì đó không?

Nếu cho tôi một điều ước, thì tôi ước rất nhiều. Tôi ước cuộc sống của chúng ta được tốt đẹp hơn. Chế tài theo pháp luật là cần thiết để đảm bảo cho một xã hội thượng tôn pháp luật.

Điều ước mà tôi có liên quan trong 2 vụ án oan này, tôi ao ước rằng không bao giờ có những vụ án như ông Nguyễn Thanh Chấn, không bao giờ có những vụ án như ông Huỳnh Văn Nén và những hệ lụy xảy ra.

Đó là điều đau lòng cho xã hội, và tôi ao ước rằng không có điều đó xảy ra nữa.

"Ông Thận không phải là người quá dũng cảm, mà chỉ có một động lực lớn nhất là cố gắng bằng mọi cách để đem lại một sự thật. Vị trí một thầy giáo ở tỉnh lẻ và trải qua rất nhiều sự chống đối của những người tin rẳng vụ án của Huỳnh Văn Nén là vụ án đúng. Ông không phải là người không sợ hãi. Ông thực sự là người rất sợ hãi, nhưng ông đã vượt qua tất cả mọi thứ tất cả chỉ vì sự tử tế của một con người, để có thể làm được những điều tốt nhất cho những người xung quanh mình. Đó là một đức tính mà tôi nghĩ rằng xã hội ngày hôm nay như một tấm gương. Cách sống của ông Thận, sự dấn thân và hiến thân cho một người không phải là quyền lợi của mình hay bất kể một điều gì đó, mà thậm chí có thể có hại cho đời mình, ông vẫn cố gắng để làm bằng được." - Nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Thực hiện: VietNamNet