Phụ huynh chỉ cần nhìn biểu đồ chuẩn cùng nhận xét kèm theo của giáo viên là có thể biết con em mình đạt hay chưa đạt.

Không chấm điểm  đánh giá học sinh (HS) tiểu học là quy định tiên tiến nhưng không phải ai cũng biết một cách tường tận, trong khi đó việc chấm điểm để phân loại đã thành quán tính, lối mòn từ trước tới nay…

Phụ huynh băn khoăn

Vừa vào đầu năm học, một phụ huynh có con học lớp 3 được cô giáo thông báo: “Năm nay trên chủ trương không chấm điểm cho toàn HS cấp tiểu học, chỉ có nhận xét là hoàn thành hay không hoàn thành phần kiến thức; đạt hay không đạt phần về rèn luyện khác như đạo đức, văn thể mỹ... Chúng tôi cũng chưa biết cụ thể thế nào nhưng cảm thấy việc đánh giá này sẽ khó khăn, vất vả hơn trong thời gian tới. Hiện chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể…”. Cô giáo cũng cho biết các nhà chuyên môn tỏ ra lo lắng với sĩ số trên 40 HS/lớp thì việc đánh giá sợ sẽ không được sát sao như chấm điểm.

{keywords}

Đánh giá bằng nhận xét sẽ giúp HS tự tin, giảm áp lực và thích đi học hơn. Trong ảnh: Giáo viên hướng dẫn HS làm bài tại Trường Tiểu học Tân Thông (Củ Chi). Ảnh: P. Anh

Nhiều phụ huynh khác cũng lo lắng không kém. Bởi lẽ khi phương pháp chấm điểm, phân loại HS đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người thì việc không chấm điểm làm sao đánh giá được chính xác. Việc nhận xét HS cũng vậy, từ định lượng (bằng điểm số) sang định tính (bằng những nhận xét) là rất khó khăn. Khó khăn nữa là không khéo lại tạo điều kiện cho tiêu cực vì đó là nhận xét hoàn toàn cảm tính của thầy cô giáo… Có phụ huynh còn lo lắng nếu không chấm điểm xếp loại thì có thể không có động lực để cho HS phấn đấu như “hoa điểm 10”, không có tranh đua học giỏi giữa HS nên chất lượng học sẽ không bảo đảm…

Không đánh giá bằng điểm số vẫn chính xác

Có thể khẳng định Việt Nam bây giờ mới ban hành quy định không đánh giá HS tiểu học bằng điểm số là chậm so với mặt bằng giáo dục tiên tiến. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà không đánh giá bằng điểm số vẫn chính xác, là tiên tiến so với đánh giá bằng điểm số? Có thể trả lời ngay: Quan trọng là phương pháp đánh giá.

Hầu hết các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều không đánh giá bằng điểm số đối với HS tiểu học. Các nước Mỹ, Anh, Úc, Bỉ, Singapore… thì đến hết lớp 5 không đánh giá bằng điểm số; cao hơn như Nhật thì hết lớp 6, Na Uy hết lớp 7, Đan Mạch hết lớp 8 HS mới được đánh giá bằng điểm số.

Có thể điểm qua một số cách thức của nước ngoài để thấy rằng đánh giá không bằng điểm số là rất khoa học, dễ thực hiện và nhân văn, tiến bộ thế nào. Trước hết, người ta đặt yêu cầu chuẩn kiến thức và chuẩn về sự phát triển toàn diện cần đạt cho HS mỗi khối lớp rồi mới xây dựng chương trình và phương pháp giáo dục phù hợp. Mục tiêu cho khối phổ thông, đặc biệt là tiểu học thì người ta coi trọng nền tảng làm người là quan trọng nhất, trong đó có một số tiêu chí như thành thực, lương thiện, công bằng, bao dung… Còn  đánh giá là khâu “kỹ thuật” để sao cho đạt được các mục tiêu đó một cách khoa học và nhân văn mà thôi. Căn cứ vào tiêu chuẩn về kiến thức và khả năng hoàn thiện các kỹ năng, người ta sẽ có bản đánh giá chi tiết từng yêu cầu bằng cách dùng biểu đồ chuẩn chung cho tất cả HS. Người quản lý, phụ huynh, HS sau khi nhìn vào biểu đồ đánh giá và nhận xét kèm theo có thể thấy ngay phần kiến thức nào của môn nào đó đã đạt, chưa đạt, cần phải bổ sung, cần giúp đỡ từ nhà trường, bạn bè hoặc phụ huynh điều gì…

Như vậy, phương pháp đánh giá của giáo viên là có khuôn mẫu chuẩn được thống nhất chứ không phải là đánh giá cảm tính, thích đánh giá thế nào cũng được. Cũng nhờ chuẩn như thế nên giáo viên sẽ tác nghiệp một cách dễ dàng. Giáo viên đánh giá HS khá toàn diện nhưng không quá vất vả như chúng ta đang lo lắng.

Theo Dương Phi Anh (Pháp luật TP.HCM)

Ở Thụy Sĩ, con tôi đang học tiểu học, lớp 4 tương đương lớp 2 Việt Nam. Các đánh giá và nhận xét của giáo viên đều tập trung vào việc tiến bộ của HS. Các phiếu đánh giá nhận xét được lưu vào hồ sơ nên các giáo viên của lớp sau có thể biết và so sánh sự tiến bộ hay thụt lùi của HS. Không bao giờ có sự phân loại HS và càng không có so sánh giữa các bạn trong lớp (họ rất kỵ nếu mình hỏi thêm giáo viên là so với các bạn thì cháu thế nào...). Mục tiêu giáo dục là tập trung vào sự phát triển hết năng lực của các con.

TRỊNH HỒNG MINH (Thụy Sĩ)

Cái khác biệt quan trọng nhất trong việc đánh giá ở các nước và Việt Nam theo tôi là quan điểm đánh giá để làm gì? Ở Việt Nam, đánh giá là để xếp hạng, trong khi đó ở các nước tiên tiến, đánh giá là để so sánh quá trình tiến bộ của bản thân. Hai cái này thể hiện hai quan điểm triết lý sống hoàn toàn đối ngược nhau. Chúng ta thì cứ theo cách nghĩ: Mình tiến bộ thế nào chẳng quan trọng bằng mình so sánh với người khác thế nào. Còn ở các nước tiên tiến thì quan điểm giáo dục của họ là cổ vũ cho sự tiến bộ của từng cá nhân. Cách đánh giá như họ giúp cho thầy giáo, cha mẹ lúc nào cũng có thể nhìn thấy sự tiến bộ của HS và luôn có thể động viên một cách thiết thực đúng như nguyên tắc giáo dục “khen ngợi sự nỗ lực chứ không phải kết quả”.  

VŨ THƯỜNG (Hà Nội)

Bộ GD&ĐT quy định từ ngày 15-10, việc đánh giá HS tiểu học trên cả nước được thực hiện theo Thông tư 30/2014 do Bộ vừa ban hành, trong đó nhấn mạnh không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên. Hiện Sở GD&ĐT TP.HCM đang xây dựng hướng dẫn thực hiện việc đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30. Dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn, chậm nhất cũng phải có trước ngày 15-10 để các trường, giáo viên có cơ sở thực hiện. Đồng thời, Sở cũng sẽ tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên để làm sao việc đánh giá HS đồng bộ và hiệu quả.

Ông NGUYỄN QUANG VINH, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM