Đề nghị kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 giữ nguyên 4 ngày thi, chưa quyết định thời gian chính thức – đây là một vài nội dung mà Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Một hội nghị nữa bàn về kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa diễn ra ngày 16/12. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 về cơ bản giữ ổn định như năm 2015, vẫn duy tì cụm thi tại phương.

{keywords}
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (Ảnh Lê Anh Dũng)

Ngoài ra, trong hội nghị, các ý kiến còn bàn thảo về việc cần quy định cụ thể hơn việc phối hợp giữa các trường ĐH, hướng dẫn cụ thể hơn về tài chính, hướng dẫn cụ thể hơn về thanh tra, nâng cấp phần mềm quản lý thi, nên rút ngắn thời gian đăng ký xét tuyển, ý kiến đề nghị giảm điểm ưu tiên…

Đề thi phải phân hóa hơn

Nhận xét về đề thi, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc sở GD-ĐT Kiên Giang cho rằng đề thi “2 trong 1” nên có hai đối tượng dự thi là học sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT và học sinh dự thi với hai mục đích. “Cả hai phần đều có điểm tuyệt đối riêng nếu cứ chấm chung cả hai phần như vừa qua và 60% là kiến thức cơ bản thì mức điểm của những học sinh có học lực trung bình, chưa làm bài đã mất 40% điểm vì phần nâng cao thì các em này sẽ không làm được”.

Bà Giang cũng đề nghị đề thi dù có mở thế nào thì cũng phải bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để đảm bảo việc dạy gì thi nấy, đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Về điểm ưu tiên, Bà Giang cho rằng điểm ưu tiên đối với việc xét tốt nghiệp THPT thì cũng bình thường nhưng điểm ưu tiên đối với việc xét tuyển ĐH thì rõ ràng có những bất hợp lý. “Sinh viên ra trường không có việc làm rất nhiều, nên xem xét ưu tiên ở ngành nghề nào, còn những ngành nghề khác thì thôi. Ưu tiên có mâu thuẫn với mục tiêu phân luồng sau THPT hay không, cần phải xem xét lại để tạo công bằng và khuyến khích học sinh giỏi.

Theo bà Phạm Thị Hằng, giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa thì phổ điểm năm 2015 đẹp nhưng lại khó cho học sinh và các trường trong tuyển sinh, vì vậy, bà Hằng đề nghị "Đề thi phân hóa rõ hơn, nên có độ khó tăng dần để mức điểm phân hóa rõ. Đề nghị ngoại ngữ cũng chỉ nên có phần trắc nghiệm". 

Đề xuất nhiều thời điểm thi

Có khá nhiều thời điểm thi được đề xuất tại hội nghị này.

Giám đốc sở GD-ĐT Bà Rịa Vũng Tàu đề nghị thi vào giữa tháng 6/2016. Nên kéo dài trong 4 ngày, không nên rút ngắn.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Bình mong muốn thi sớm hơn, chỉ sau khi kết thúc năm học khoảng 10 ngày thì tổ chức thi, tránh kéo dài nặng nề. Thời gian thi khoảng 2,5 ngày đảm bảo thi bắt buộc 4 môn và tự chọn 2 môn.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì lại cho rằng ngày thi nên tổ chức đầu tháng 8, hoặc muốn nhất là giữa tháng 8. Lý do, theo ông Đạt là năm 2015, phải rất động viên giáo viên để hơn 15 nghìn giáo viên tham gia kỳ thi THPT quốc gia và thi vào lớp 10. Do đó, giáo viên không được nghỉ hè như quy định...

Tuy nhiên, đa số đại biểu đề nghị vẫn giữ "thi 4 ngày" như năm trước vì hiện nay học sinh đã học hết 1 học kỳ rồi, do đó không nên thay đổi sẽ gây hoang mang cho thí sinh.

Trước những băn khoăn về việc nơi này nghiêm túc, nơi kia không nghiêm túc, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng “Xã hội có quyền nghi ngờ nhưng ta sẽ đặt ra những cơ chế để ngăn ngừa, dần dần tạo niềm tin”.

Theo ông Hiển, việc thi vào thời gian nào vẫn chưa được quyết định, vì cần phải chọn thời gian thuận tiện cho các trường đại học chứ không chỉ riêng cho các trường THPT. Do đó, vấn đề này sẽ phải trao đổi với các trường đại học.

Số lượng và địa điểm của các cụm thi vẫn giữ như cũ nhưng Bộ sẽ giao quyền cho các sở GD-ĐT chọn cụm thi cho các thí sinh của mình. Việc mở thêm một cụm thi tại Trường ĐH Kiên Giang vẫn còn để ngỏ. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết nếu Trường ĐH Kiên Giang thấy cần thiết để mở cụm thi ở đây thì trao đổi với Sở GD-ĐT Kiên Giang, và làm công văn đề xuất để Bộ GD-ĐT xem xét.

Theo ông Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ thì thí sinh hãy yên tâm học bình thường. Nếu kỳ thi có thay đổi thì cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng thuận lợi và ít gây xáo trộn nhất cho các em. Bộ GD-ĐT sẽ có thông báo sớm về việc này.

Văn Chung - Ngân Anh