Bài 1: Những 'luồng gió mới' trong Sách giáo khoa Ngữ văn 6

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) và cũng là một giáo viên dạy Văn nhận định, các bộ sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 6 năm nay hay hơn trước.

Với bộ SGK nhà trường chọn dạy là Kết nối tri thức với cuộc sống, một số văn bản được đưa từ các lớp trên xuống như chùm ca dao về quê hương đất nước ở lớp 7 cũ, truyện "Cô bé bán diêm" ở sách lớp 8 cũ, bài thơ "Mây và sóng" ở sách lớp 9 cũ.

Cô Dung cho rằng điều này cũng có cái hay, học sinh lớp 6 bây giờ đã có những thay đổi nhất định so với các anh chị. Việc cho các em học những tác phẩm trước đây dành cho độ tuổi lớn hơn sẽ nâng tầm nhận thức của học sinh lên.

{keywords}
Học sinh lớp 6 năm nay được học theo chương trình và SGK mới. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thùy Mia, Trường THCS Cát Linh (Giảng Võ, Hà Nội), trong bộ SGK mà trường lựa chọn có những văn bản mới hoàn toàn như "Bắt nạt", "Con chào mào", "Cửu Long Giang ta ơi", "Hang Én, Trái đất – cái nôi của sự sống"…

Theo đánh giá của cô giáo này, các tác giả SGK đã lựa chọn những văn bản có nội dung gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với từng chủ đề và nhận thức của học sinh đầu cấp. 

“Bộ sách năm học tới mới được đưa vào dạy học nhưng đã có văn bản vấp phải sự phản ứng của dư luận như bài thơ “Bắt nạt”. Tuy nhiên theo tôi, với học sinh lớp 6, bài thơ cũng không quá “trẻ con”, vì bắt nạt chính là biểu hiện của thực trạng bạo lực học đường – vốn là vấn đề nhức nhối của bậc học THCS” – cô Mia nhận xét.

Tuy nhiên, cũng có giáo viên không đồng tình.

“Theo quan sát của tôi trong cả 3 bộ SGK Ngữ văn đều đưa những văn bản quá dài, dung lượng kiến thức nhiều quá so với độ tuổi 11. Ví dụ như ở lớp 6 đã học về thể loại – kiến thức lý luận kiểu này trước đây không có…” – một giáo viên ở TP.HCM nói.

Để dạy học không định kiến

Một câu chuyện có thật của cố nhà văn Nguyễn Khải từng được con trai ông chia sẻ lại như sau: Khi con trai của nhà văn Nguyễn Khải học cấp II, cô giáo ra đề văn phân tích tác phẩm "Mùa lạc". Cậu con trai hớn hở mang bài tập về nhà nhờ bố làm và cha đẻ của "Mùa lạc" cũng ngồi cả tối để làm bài. Ấy vậy mà, con trai ông lại chỉ nhận về 2 điểm với lời bình "Lạc đề. Em không hiểu ý tác giả".

Câu chuyện này được cô giáo Nguyễn Thị Nhin, Trường THCS Ba Đình (Hà Nội) đưa ra để làm ví dụ cho thấy chuyện dạy - học và cảm thụ văn học khó như thế nào.

Cô Nhin cho rằng đối với tác phẩm văn học, việc cảm thụ là do khả năng của bản thân, nên cũng sẽ có những trường hợp giáo viên không hiểu ý tác giả. Nếu có sự giao lưu trực tiếp, giáo viên sẽ hiểu ý hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Mia lại nhấn mạnh tới vai trò của các tác giả bộ SGK trong việc kết nối giữa giáo viên và tác giả của tác phẩm mới được đưa vào.

Theo cô Mia, đây là một vấn đề khó để luôn tạo được hiệu ứng tốt, chuẩn xác. Để tạo được sự thống nhất, tác giả của bộ sách phải kết nối tốt với tác giả của tác phẩm, để từ đó, tác giả bộ sách chính là sợi dây liên kết tư tưởng, tình cảm, tri thức của tác giả văn bản với người dạy/người học, theo đúng định hướng phẩm chất, năng lực mong muốn.

Đồng ý kiến với cô giáo Nhin, một giáo viên Ngữ văn ở TP.HCM chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng là tác giả có tác phẩm được đưa vào SGK mà bị chê dở thì sẽ buồn, nhất là đối với thơ. Trong khi đó, cảm xúc, cảm nhận của mỗi người về một tác phẩm văn học là mỗi khác, không thể gò ép. Ví dụ như trường hợp bài thơ 'Bắt nạt' gây dư luận trái chiều trong những ngày qua.

Tuy nhiên, điều các giáo viên phải làm là truyền tải lại tác phẩm đó cho học sinh. Nếu có định kiến về tác phẩm, liệu người giáo viên sẽ làm tròn vai với học sinh?” – giáo viên này đặt câu hỏi.

Vì vậy, theo chị, với những tác phẩm mới được đưa vào chương trình, thay vì chỉ trao đi đổi lại trên mạng xã hội giữa tác giả và giáo viên một cách tự phát, thì các nhà xuất bản nên tổ chức cho tác giả giao lưu, trao đổi cụ thể, trực tiếp với giáo viên, giải đáp thắc mắc của giáo viên về tác phẩm.  

“Nếu làm được như vậy sẽ tránh được việc giáo viên thấy không hay mà vẫn phải dạy, còn tác giả lại bất mãn vì 'ý tôi không phải thế'”.

Tập huấn online mang lại lợi ích bất ngờ

Cô Nguyễn Thị Kim Dung cho biết trong những ngày này, giáo viên dạy chương trình lớp 6 mới của huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang được tập huấn chuẩn bị cho năm học 2021-2022. Do dịch bệnh nên việc tập huấn được thực hiện trực tuyến. Hình thức này cũng mang lại một số lợi ích chưa từng có.

"Trước đây việc tập huấn được thực hiện theo kiểu một số giáo viên cốt cán của các tỉnh đi tập huấn với Bộ, sau đó về tập huấn lại cho giáo viên ở tỉnh. Qua mấy lần "sang tai" nên nhiều khi tôi hỏi tập huấn có gì không, giáo viên trả lời rằng "không có gì". Nhưng hiện nay, ngoài việc Phòng Giáo dục và các Nhà xuất bản tổ chức cho tác giả các bộ SGK tập huấn cho giáo viên, cung cấp clip các buổi dạy thử, hướng dẫn tổ chức chương trình, giáo án... thì ở các bộ môn còn có những nhóm chat riêng trên Zalo hay trên Facebook. Các giáo viên có thể hỏi mọi điều họ thắc mắc và được chính các tác giả SGK trả lời cụ thể".

Bài 3: SGK Ngữ văn 6: 'Thách thức lớn nhất là thay đổi cách dạy'

Phương Chi

Những 'luồng gió mới' trong Sách giáo khoa Ngữ văn 6

Những 'luồng gió mới' trong Sách giáo khoa Ngữ văn 6

Với việc 3 bộ SGK theo chương trình mới sẽ được triển khai từ năm học 2021-2022 này, học sinh lớp 6 năm nay sẽ được tiếp cận với khá nhiều tác phẩm văn học mà các thế hệ phụ huynh, anh chị của mình chưa từng học qua.

"Khi sự thay đổi được khích lệ, sẽ nhiều nơi 'mở' đề Ngữ văn"

"Khi sự thay đổi được khích lệ, sẽ nhiều nơi 'mở' đề Ngữ văn"

Những thay đổi trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của các địa phương trong vài năm trở lại đây được nhiều giáo viên Ngữ văn đánh giá tích cực.