Ở nước Nhật hiện đại tỉ lệ sinh suy giảm nhưng vẫn thiếu trường mầm non. Thật may mắn là con tôi cũng như con của các du học sinh Việt Nam khác đều được nhận vào trường. 

{keywords}

Cô hiệu trưởng phát biểu

Tháng tư là quãng thời gian rất đặc biệt đối với người Nhật Bản: mùa hoa anh đào nở và cũng là mùa tựu trường. Cây anh đào cổ thụ trước cổng ngôi trường mầm non gần khu nhà tôi giờ đây đang bung hoa rực rỡ. 

Dù đã nhiều lần vào trong trường và nói chuyện với hiệu trưởng và các giáo viên ở đây, nhưng lần này tôi bước qua cánh cổng mở rộng với tâm trạng đặc biệt. Những lần trước tôi đến là để làm thủ tục giấy tờ hoặc hỏi thông tin cho con của các lưu học sinh Việt Nam khác. 

Còn lần này là đưa con đến trường nhập học. 

Ngôi trường mầm non nơi con tôi vào học nằm ở một khu phố nhỏ. Trường được sáng lập và điều hành bởi một tổ chức có tư cách pháp nhân phúc lợi xã hội. 

Đọc qua tài liệu thuyết minh nhận được từ trường thì thấy trường có có 1 hiệu trưởng 2 hiệu phó và 17 giáo viên và có khả năng thu nhận tối đa 100 trẻ em. Học sinh trong trường đại đa số là người Nhật nhưng cũng có một vài em là con của các du học sinh đến từ các nước Việt Nam, Indonesia... 

Có một nghịch lý đang tồn tại ở nước Nhật hiện đại: dân số già hóa và tỉ lệ sinh suy giảm nhưng vẫn thiếu trường mầm non đặc biệt ở các đô thị lớn. 

Chuyện nhiều gia đình phải nộp hồ sơ và “xếp hàng” chờ đến lượt con được vào trường đã trở thành vấn đề xã hội được thảo luận gay gắt trong quốc hội khiến thủ tướng phải bối rối. 

Thật may mắn là con tôi cũng như con của các du học sinh Việt Nam khác đều được nhận vào trường. 

Thủ tục để vào trường tương đối đơn giản 

Phụ huynh trực tiếp đến trường nhận hồ sơ sau đó viết và nộp cho tòa thị chính. Tòa thị chính sẽ xét duyệt và thông báo kết quả tiếp nhận tới tận nhà. Kết quả thông báo do thị trưởng thành phố ký.
 

Trong tờ thông báo ghi rõ nếu không đồng ý với kết quả đó, phụ huynh có thể khiếu nại với thị trưởng hoặc khởi kiện dân sự. Sau khi có kết quả, trường sẽ liên lạc và hướng dẫn việc nhập học. 

{keywords}

Học sinh biểu diễn chào mừng khai giảng


Trước ngày nhập học, giáo viên chủ nhiệm hoặc hiệu phó sẽ có một buổi hẹn với phụ huynh để giúp đỡ hoàn thiện giấy tờ và căn dặn mua các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của con ở trường. 

Đến ngày khai giảng phụ huynh sẽ phải đưa con đến sớm để gặp mặt giáo viên chủ nhiệm và trao đổi những việc cần thiết. 

Có gì trong lễ khai giảng 30 phút? 

Buổi lễ khai giảng được tổ chức gọn trong vòng 30 phút với sự tham gia của khách mời, giáo viên trong trường, học sinh lần đầu nhập học, học sinh đang học trong trường và các phụ huynh có con nhập học. 

Buổi lễ khai giảng nơi trường con tôi vào học có những nội dung chủ yếu sau: 

- Lời khai mạc của cô hiệu trưởng.

- Giới thiệu khách mời (chủ tịch tổ chức phúc lợi xã hội điều hành trường và các đại diện trong các đoàn thể dân sự ở địa phương hợp tác với trường, đại diện hội phụ huynh).

 - Giới thiệu từng trẻ lần đầu vào học.

- Lời chúc mừng của hiệu trưởng. 

- Lời chào mừng của học sinh các lớp trên.

- Giới thiệu giáo viên. 

- Lời bế mạc.

- Múa, hát chào mừng của học sinh.

Buổi lễ trang trọng nhưng những lời phát biểu của quan khách ngắn gọn. 

Trong bài phát biểu của mình, cô hiệu trưởng nhắc đi nhắc lại mong ước rằng các em vào học ở đây sẽ trở nên “tự lập, khỏe mạnh và vui vẻ với bạn bè”. 

Có lẽ, cô muốn các phụ huynh và toàn bộ giáo viên luôn ghi nhớ mục tiêu giáo dục của trường được ghi trang trọng ở ngay trang đầu của cuốn tài liệu được phát tới tận tay từng phụ huynh: giáo dục nên những “trẻ em khỏe mạnh và có tâm hồn phong phú”. 

Mục tiêu tổng quát này được diễn tả cụ thể bằng các mục tiêu chi tiết thể hiện ở sự trưởng thành của từng học sinh:

1. Tự mình làm được việc những việc của bản thân

2. Vui chơi thoải mái ở ngoài trời (tự lập về vận động)

3. Có lòng tò mò đối với sự vật, tự mình suy nghĩ và sáng tạo.

4. Được sống vui vẻ, cảm xúc ổn định trong niềm hạnh phúc được người lớn yêu thương (Tự lập về tình cảm)

5. Vui chơi hòa thuận với các bạn, có thể tự mình phê phán và hành động (tự lập về xã hội)

 Ở Nhật, thông thường mỗi trường học, tổ chức, cơ quan đều tự thiết kế cho mình một triết lý-mục tiêu riêng. 

Sức hấp dẫn của ngôi trường một phần nằm ở đó. Buổi lễ kết thúc trong tiếng hát của học sinh và tiếng đàn dương cầm thánh thót. 

Bất giác tôi lật giở tập tài liệu và đọc lại một lần nữa mục tiêu giáo dục của nhà trường. Nó ngắn thôi nhưng gợi lên trong lòng tôi thật nhiều cảm xúc và  suy ngẫm. 
  • Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh ở Nhật Bản)