Thay vào đó, tỉ lệ chỉ tiêu bằng phương án xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp đang có xu hướng được các trường đại học tăng lên.

Một vài năm qua, chỉ có một vài trường “tiên phong”, song đến năm 2021, qua thống kê, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.

Thậm chí, mùa tuyển sinh 2021 vừa qua, những trường đại học nổi tiếng có điểm chuẩn cao ‘chót vót’ như Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân,… cũng lần đầu tiên “săn lùng” thí sinh giỏi ngoại ngữ.

{keywords}
Không ít học sinh bày tỏ băn khoăn khi các trường đại học đang có xu hướng cắt giảm các chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là các chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp.

Chia sẻ với VietNamnet, Hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng cho hay, ngay tại trường mình, giáo viên nhiều môn cũng kêu vì học sinh "bỏ lơ" nhiều môn vì tập trung vào thi IELTS.

Tuy nhiên, theo vị này, cũng khó trách học sinh bởi tâm lý thi gì, tuyển sinh bằng gì thì học nấy là tâm lý chung của xã hội và là thực tế diễn ra ở nhiều nơi.

“Các trường đại học tốp đầu đương nhiên muốn tuyển những thí sinh đáp ứng năng lực công dân toàn cầu, theo xu hướng chung quốc tế. Mà trên thực tế, không phải cứ đổ tiền vào học là sẽ có kết quả IELTS cao và các em đó cũng phải có năng lực tốt.

Tôi cũng không đồng tình với cách nghĩ học sinh có chứng chỉ IELTS chỉ có giỏi ngoại ngữ. Chưa kể, các trường đại học cũng sử dụng phương thức kết hợp giữa IELTS và điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT chứ không phải chỉ kết quả IELTS”, vị này nói.

Vị này cho rằng, việc thay đổi tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT dẫn đến đề ra dễ đi nhiều, nên số thí sinh có điểm 27,28 cũng nhiều lên.

“Như vậy, với các trường đại học không đủ điều kiện và không nhất thiết tổ chức kỳ thi riêng thì việc họ tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp cũng là điều tất yếu”.

Cũng theo vị Hiệu trưởng này, không phải đâu xa, hiện tượng có những học sinh ngậm ngùi vì việc các trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển thẳng và kết hợp như IELTS,... cũng diễn ra ở trường mình.

“Có nhiều em giỏi Toán, Vật lý, Hóa học,... nhưng không thể học ngoại ngữ.

Tuy nhiên chả bao giờ có phương thức hài lòng tất cả. Các trường đại học có quyền tự chủ và nếu mình là họ có lẽ cũng sẽ… làm giống họ thôi".

Vì thế, Hiệu trưởng này kiến nghị để giải quyết chỉ còn cách Bộ GD-ĐT ra đề thi tốt nghiệp THPT phân hóa hơn để nhiều trường đại học tiếp tục lấy đó làm căn cứ tuyển sinh.

“Nếu xây dựng đề dễ cho việc học sinh kiếm điểm 1-7 và từ 8 trở lên khó thì lúc đó may chăng các trường đại học sẽ có những điều chỉnh lại”.

{keywords}
Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đại học cho rằng các ngành đào tạo hiện vẫn được chia chỉ tiêu đối với từng phương thức xét tuyển nên thí sinh giỏi thực sự vẫn hoàn toàn có cơ hội. 

Xét tuyển kết hợp IELTS là hợp lý 

Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng cách nhìn nhận của các thí sinh như vậy là chưa đầy đủ, bởi với mỗi phương thức tuyển sinh, các trường đều chia một số chỉ tiêu nhất định.

“Ví dụ 100 chỉ tiêu, thì chia ra xét kết quả thi THPT, xét học bạ, xét IELTS. Nên trong 1 ngành, các thí sinh có thể trúng tuyển bằng các hình thức khác nhau. Do đó, dù tuyển sinh theo cách nào thì các thí sinh cũng đều có cơ hội cạnh tranh. Tuy nhiên, một lẽ đương nhiên rằng các trường như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân… thì nhiều học sinh có nguyện vọng nên việc điểm chuẩn cao là chắc chắn”.

Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cũng nhận định trong bối cảnh hội nhập, việc các trường đại học đề cao ngoại ngữ trong tuyển sinh cũng là điều dễ hiểu, hợp lý.

“Thực tế những học sinh đạt chứng chỉ IELTS với điểm số cao không phải là chỉ biết đến Tiếng Anh. Bởi để đạt điểm số cao các em cũng phải có hiểu biết nhất định và tôi thấy nhiều em thi tốt nghiệp THPT cũng 26, 27 điểm chứ không phải là kém cỏi. Vậy khi đặt lên bàn cân so sánh, một học sinh có điểm thi cao với một học sinh điểm thi các môn tốt nghiệp thấp hơn một chút nhưng có ngoại ngữ thì khó nói bên nào hơn”, vị này nói.

“Ngoài ra, nhóm những trường như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao,... thì sau này khi vào trường, học sinh cần nhiều đến ngoại ngữ và Toán, chứ có cần gì nhiều đến kiến thức Vật lý, Hóa học đâu, do đó điểm xét tuyển tổ hợp Toán - Vật lý - Hóa học có cao cũng chẳng giải quyết được gì, chưa kể, giờ đây việc đạt điểm cao từ thi tốt nghiệp THPT không quá khó”.

Theo vị này, các học sinh cũng nên bỏ tư duy chạy theo thương hiệu top đầu của các trường đại học, mà quan trọng là chọn trường phù hợp với bản thân.

“Các em vẫn đang chạy theo xu hướng các trường điểm cao top đầu là Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, nhưng vào rồi, thực chất chưa chắc đã phù hợp với các em. Ví dụ không có ngoại ngữ thì các em vào các trường khác không đòi hỏi cao cái này, nhưng đâu có nghĩa là mất cơ hội vào đại học. Chưa kể học sinh vùng nông thôn cũng đã được cộng điểm ưu tiên khu vực”, vị này nói.

Với tính chất sống còn của các trường đại học trong bối cảnh tự chủ, vị này cho rằng, nếu phải mình, cũng sẽ lựa chọn hướng đi như vậy để trường đại học lấy được thí sinh phù hợp lĩnh vực đào tạo, tăng chất lượng đầu ra. 

Thanh Hùng

Tuyển sinh đại học: IELTS sẽ được 'chuộng' hơn điểm 10?

Tuyển sinh đại học: IELTS sẽ được 'chuộng' hơn điểm 10?

‘Cơn sốt’ luyện thi IELTS đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố, khi rất nhiều gia đình cho con luyện thi loại chứng chỉ này. Nhiều phụ huynh nhận thức ILETS là giấy thông hành để vào những trường ĐH top đầu ở Việt Nam.

Hơn 10 phương thức xét tuyển đại học năm 2022

Hơn 10 phương thức xét tuyển đại học năm 2022

Các trường đại học ngày càng đa dạng phương thức tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Có khoảng 10 phương thức xét tuyển đã được các trường công bố trong mùa tuyển sinh năm nay.