- Với tiến sĩ Tạ Hải Tùng (ĐH Bách khoa Hà Nội) - một người trẻ ở tuổi 34 có "gia sản lớn" là nhiều nghiên cứu khoa học uy tín, thì cá tính và niềm đam mê của mỗi con người là những gì quý giá nhất, giúp định vị bản thân trong xã hội.

Là gương mặt trẻ đang nhận được nhiều bình chọn từ độc giả, Tạ Hải Tùng đã chia sẻ nhiều điều thú vị trong cuộc sống, sự nghiệp của một người trẻ năng động, nhiều thành tựu trong môi trường giáo dục đại học.

Xem thông tin chi tiết về nhân vật TẠI ĐÂY.

{keywords}

TS Tạ Hải Tùng, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), ĐH Bách Khoa Hà Nội. 


Cá tính và đam mê giúp định vị bản thân

Anh Tùng có mái tóc như nghệ sĩ piano. Anh để style này lâu chưa?

Cám ơn câu hỏi vui của bạn :) Mình để "style" này từ khi anh bạn chuyên cắt tóc trong nhóm du học sinh bọn mình về nước, lâu dần thành quen, giờ cũng không muốn thay đổi nữa.

Chào Anh Tùng. Hiện tại nhóm sinh viên chúng em đang tham gia nghiên cứu khoa học. Lựa chọn ban đầu của chúng em là nghiên cứu lý thuyết mà nguồn chủ yếu là các bài báo nước ngoài do các thành viên phân chia nhau dịch. Em muốn hỏi anh, cách dịch những tài liệu này như thế nào để đạt hiệu quả, và anh có phương pháp nghiên cứu những tài liệu ấy như thế nào?

Khi nghiên cứu, nhóm em thường gặp khó khăn hay bất đồng ý kiến, nhiều lúc mọi người khá nản chí về đề tài. Những lúc ấy, anh làm gì để sốc lại tinh thần cả nhóm. Em cảm ơn anh.

TS. Tạ Hải Tùng: Theo kinh nghiệm cá nhân của anh, khi bắt đầu nghiên cứu, em nên tránh lạc vào ma trận các nguồn tài liệu tuy quý giá nhưng cần phải chọn lọc.

Khi đọc một tài liệu, cái anh quan tâm đầu tiên sẽ là phần tiêu đề, phần tóm tắt tổng quan và kết quả đạt được.

Nếu những vấn đề này trùng với mối quan tâm của mình thì mới đọc phần chi tiết. Ngoài ra, khi tìm hiểu một vấn đề mới, em nên tìm hiểu xem với lĩnh vực này, lab nghiên cứu nào, giáo sư nào đang có nhiều nghiên cứu giá trị và cố gắng tiếp cận các công bố của họ.

Khó khăn và bất đồng ý kiến luôn xảy ra với bất kỳ một nhóm nghiên cứu nào nhưng thực sự đấy mới chính là động lực cho sáng tạo.

Khi gặp vấn đề này, để giải quyết, theo anh mọi người nên nhìn về cái chung, thuần túy công việc, tránh đặt cái tôi của mình trong thảo luận thì sẽ phát huy được mặt tích cực của việc tranh luận. Thêm một gợi ý nhỏ là nhóm nghiên cứu nên cùng nhau tham gia các họat động ngoài khoa học, qua đó mọi người hiểu nhau hơn và hợp tác tốt hơn.

Trong cuộc sống của chúng ta, có 2 thứ dễ làm con người thay đổi: Tiền và quyền. Tôi thấy nhiều người sau khi lên chức vụ cao hơn thì dễ dàng thay đổi trong cách cư xử với những người xung quanh, người dưới của mình hoặc từ bỏ đam mê và mục tiêu ban đầu để chạy theo một số thứ khác... Anh có đồng ý với tôi không? Nếu có, hiện tai đang là giám đốc 1 trung tâm nghiên cứu, anh làm gì để bản thân mình không bị thay đổi theo những điều đó?

TS. Tạ Hải Tùng: Cảm ơn câu hỏi rất hay của bạn.

Đúng là cùng với thời gian và theo vị trí công tác, mỗi người đều có sự thay đổi trong cách tiếp cận và xử lý công việc cũng như các mối quan hệ xã hội. Nói một cách tích cực thì đó là sự thích nghi phù hợp với môi trường sống, còn nếu tiêu cực thì giống như bạn đã đề cập.

Theo tôi, cá tính và niềm đam mê của mỗi con người là những gì quý giá nhất, giúp định vị bản thân trong xã hội, và vì vậy dù ở vị trí nào tôi cũng sẽ không từ bỏ những điều này.

"Tôi là người may mắn...."

Với những con số ấn tượng: 34 tuổi, có 7 đề tài, dự án hợp tác quốc tế, có nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và dự án quốc tế đã được nghiệm thu. Có 23 công trình khoa học, trong đó có 18 công trình công bố quốc tế, 3 công trình công bố trên tạp chí SCI, 7 báo cáo tại các hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo quốc tế. Bạn đánh giá thế nào về vai trò của yếu tố "quan hệ" trong sự thành công của cá nhân mình nói riêng, và của những người làm khoa học nói chung?

TS. Tạ Hải Tùng: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Tự đánh giá về mình, tôi nghĩ mình là một người may mắn, tôi được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà trường, được làm việc với những đồng nghiệp có chuyên môn tốt và sự hỗ trợ to lớn của gia đình. Vì vậy, theo tôi thành công bước đầu ngày hôm nay vẫn còn tương đối nhỏ bé. Tôi hiểu mối quan ngại của anh, và đó cũng chính là sự lo ngại của tôi trước khi quyết định trở về nước công tác.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, sau hơn 2 năm họat động trong lĩnh vực khoa học công nghệ nước nhà, tôi nhận thấy một sự biến chuyển rất lớn trong tư duy của những nhà quản lý khoa học trong việc tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát triển. Tôi tin rằng quá trình này là không thể đảo ngược, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang ngày càng đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển đất nước. Vì vậy, chúng ta có lý do để tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn của nền khoa học nước nhà.

Chào anh Tùng. GS Ngô Bảo Châu, từng biết tới như một thành công của nghiệp nghiên cứu khoa học, chia sẻ rằng nghiên cứu là một hành trình rất cô đơn. Còn hành trình của anh?

TS. Tạ Hải Tùng: Tôi chia sẻ quan điểm của GS. Ngô Bảo Châu vì làm nghiên cứu khoa học trước hết là chiến thắng chính mình, hơn nữa công việc nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự tập trung rất lớn cả về thời gian và công sức. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên định kiến các nhà khoa học là những người cô đơn và có lối sống tương đối lập dị.

Chúng tôi cũng bình thường như bao người khác, cũng có những họat động và các mối quan hệ xã hội, với cá nhân mình, tôi nghĩ rằng cân bằng trong cuộc sống sẽ giúp ích cho việc nghiên cứu khoa học.

Cần có tiêu chí để đánh giá chất lượng

{keywords}

 

Qua báo chí, tôi được biết Tùng có thành tựu khoa học đáng nể: Có 23 công trình khoa học, trong đó có 18 công trình công bố quốc tế, 3 công trình công bố trên tạp chí SCI, 7 báo cáo tại các hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo quốc tế. Liên quan tới chỉ số "bài báo khoa học" để đánh giá các cá nhân và tổ chức đại học, hiện nay có cách đặt vấn đề: Việt Nam có nên sống chết chạy theo chỉ số "bài báo khoa học". Cụ thể như sau: Trong một vài năm trở lại đây, nhờ sự đầu tư từ phía Nhà nước, cùng với việc có nhiều hơn các nhà khoa học Việt Nam tham gia học tập, trao đổi, nghiên cứu với đồng nghiệp quốc tế, một số hoạt động phổ biến theo các tiêu chuẩn quốc tế đã dần dần trở nên quen thuộc với văn hoá khoa học trong nước như: nghiên cứu liên ngành, kết hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học, tài trợ nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh …. Tuy vậy, có thể thấy, xét trên bình diện chung, mới chỉ có một nhóm nhỏ các nhà khoa học trong nước có điều kiện và khả năng để thực hiện các nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc công bố bài báo quốc tế mới chỉ dừng ở mức độ khuyến khích chứ chưa trở thành yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên trong các trường đại học nước ta.

TS. Tạ Hải Tùng: Cũng như các lĩnh vực khác, lĩnh vực khoa học công nghệ cũng cần có các tiêu chí để đánh giá chất lượng công việc. Hiện tại trên thế giới, sử dụng tiêu chí nào để đánh giá đang được thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau. Các tiêu chí như số lượng công trình công bố quốc tế, đặc biệt tại các tạp chí đánh chỉ số ISI, SCI cũng đang được sử dụng phố biến để lượng hóa chất lượng nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, việc chạy theo số lượng công bố bằng mọi giá sẽ dẫn đến việc ra đời các công trình có ý nghĩa thực tiễn không thực sự cao. Để khắc phục điều này, gần đây trên thế giới người ta còn sử dụng tiêu chí số lượng các trích dẫn đến công trình, bên cạnh số lượng công bố. Tuy nhiên, tiêu chí nào cũng có mặt hạn chế.

Vì vậy, theo cá nhân tôi, đối với hoàn cảnh ViệtNam, công bố khoa học quốc tế là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng nghiêncứu trong nước, tiệm cận với trình độ quốc tế, Nhưng Việt Nam hiện tại vẫn là một nước đang phát triển, còn rất nhiều lĩnh vực trong đời sống cần sự giúp sức của khoa học công nghệ. Vì vậy, theo tôi, việc nghiên cứu ứng dụng tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa thiết thực cho xã hội nên là một ưu tiên của các nhà khoa học Việt Nam.

Anh Tùng ơi, công việc của anh cụ thể là làm những gì ạ? Nghe công việc của anh có vẻ hơi xa lạ với tuổi trẻ chúng em? Theo ý kiến anh, ngành công nghệ định vị của anh có tiềm năng phát triển ở Việt Nam không? Muốn theo ngành này thì phải thi vào khoa nào ạ? Cảm ơn anh.

TS. Tạ Hải Tùng: Hiện tại, công việc nghiên cứu của mình tập trung vào việc phát triển các hệ thống bộ thu định vị tiên tiến, không những có độ chính xác cao mà quan trọng hơn có độ tin cậy cao, qua đó thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ định vị sử dụng vệ tinh tại Việt Nam. Nói một cách dễ hiểu, ví dụ như điên thoại di động của em được trang bị chipset chỉ họat động với hệ thống GPS. Do vậy, ở một số khu vực bị che khuất không nhìn thấy đủ số lượng vệ tinh cần thiết (4 vệ tinh) thì không thể dẫn đường cho em được.

Trong khi đó, bộ thu đa hệ thống do trung tâm anh chế tạo có thể họat động với tất cả các hệ thống như GPS, GLONASS, Galileo, Beidou. và vì vậy, vẫn có thể dẫn đường giúp em ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn đó.

Hiện tại, công nghệ định vị sử dụng vệ tinh đang nhận được nhiều sự quan tâm không những ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Ở Việt Nam, anh thấy đây là một lĩnh vực hết sức tiềm năng, có thể lấy ví dụ việc phát triển giao thông thông minh, giám sát hành trình, dẫn đường các phương tiện tự hành, giám sát tàu cá, các lĩnh vực đặc thù an ninh quốc phòng... không thể thiếu dược công nghệ GPS. Ngoài ra, có thể ít người còn biết, nhưng tín hiệu GPS còn được sử dụng trong cung cấp thang thời gian chuẩn phục vụ đồng bộ trong giao dịch ngân hàng, thương maịi điện tử cũng như ứng dụng trong quan sát trái đất, cảnh báo thiên tai,dự báo khí tượng thủy văn.

Định vị sử dụng vệ tinh là một lĩnh vực đa ngành kỹ thuật, muốn tham gia vào ngành này, em có thể lựa chọn khối ngành Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Khi đã là sinh viên của trường, Trung tâm NAVIS luôn luôn rộng cửa mời các bạn trẻ có đam mê trong nghiên cứu khoa học như em tham gia cộng tác.

Cần tạo điều kiện hút nhiều tiến sĩ tham gia vào sự nghiệp đào tạo...

Sơn Nguyên Anh (Nam - 50 tuổi):  Tôi thấy mấy người trẻ học giỏi, tài năng thường tưng tửng, không biết bạn có vậy không ?

TS. Tạ Hải Tùng: Cảm ơn bạn đã đặt một câu hỏi khá vui. Theo tôi, điều này phải để cho bạn bè và đồng nghiệp nhận xét. Còn tự nhận xét về mình, tôi thấy mình cũng bình thường như bao người khác.

{keywords}

Văn Phóng (Nam - 40 tuổi):  Chào Tùng. Báo chí gần đây nói nhiều về hiệntượng bằng cấp tiến sĩ, trong số đó có thống kê như sau :Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. Còn thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ thì VN hiện có hơn 24.000 tiến sĩ. Bạn có suy nghĩ gì về những con số này?

TS. Tạ Hải Tùng: Đúng là trong thời gian gần đây, trên các diễn đàn thông tin đại chúng, vấn đề về số lượng và chất lượng của đào tạo sau đại học là một chủ đề nóng, đã có rất nhiều ý kiến xác đáng được trao đổi.

Với cá nhân tôi, tôi nhận thấy rằng chúng ta cần phải tạo điều kiện thu hút nhiều hơn nữa những người được đao tạo chính quy, bài bản, đặc biệt là những người có học vị tiến sĩ tham gia vào sự nghiệp đào tạo.

Một tín hiệu đáng mừng là trong thời gian gần đây, số lượng các tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài đã trở về tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học các trường đại học trong nước ngày càng tăng lên.

Như tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, nơi tôi đang làm việc, việc trở về của rất nhiều tiến sĩ trẻ thực sự đã đem lại một luồng sinh khí mới trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường.

Xin hỏi TS.Tạ Hải Tùng: “NAVIS đã phối hợp một số đơn vị để triển khai hệ thống định vị đa hệ thống, giá thành chỉ bằng một phần năm giá nhập ngoại”; nhưng liệu NAVIS có tác động lớn đến việc giảm giá dịch vụ khi dịch vụ này có sử dụng sản phẩm NAVIS?

TS.Tạ Hải Tùng: Vâng cám ơn bạn đã đặt câu hỏi.

Chắc bạn đề cập đến sản phẩm NAVISA - bộ thu độ chính xác cao của trung tâm phát triển. Đây là bộ thu sử dụng công nghệ định vị sử dụng pha sóng mang, từ trước đến nay chỉ được phát triển ở nước ngoài và Trung tâm NAVIS - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong nước nghiên cứu, chế tạo sản phẩm dạng này với chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhập.

Do tự phát triển hệ thống nên sản phẩm có giá thành chỉ bằng 1/5 so với nhập ngoại. Xin lưu ý rằng các sản phẩm này đều sử dụng các tín hiệu được phát quảng bá miễn phí bởi các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, ví dụ như GPS, GLOLASS. Vì vậy, ngoài giá thành về thiết bị, người sử dụng không cần phải trả thêm bất kỳ giá dịch vụ nào khác.

Hơi sớm để tổng kết thành bí quyết

Bí quyết thành công của anh Tùng là gì ? Anh có suy nghĩ gì về thành công đó của mình đối với xã hội?

TS. Tạ Hải Tùng: Cảm ơn bác đã đặt câu hỏi. Với thành công mới chỉ ban đầu này, còn hơi sớm cho cháu tổng kết thành bí quyết. Nhưng phương châm làm việc của cháu luôn đề cao sự đam mê và nỗ lực để hoàn thành công việc tốt nhất trong khả năng có thể.

Với tư cách là một người họat động trong ngành giáo dục, cháu mong muốn góp phần nhỏ bé vào sự nghiêp đào tạo chung của đất nước. Cháu cũng hi vọng rằng các sản phẩm khoa học công nghệ do mình cùng với các đồng nghiệp tạo ra sẽ góp phần đưa ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ vũ trụ vào đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, là một tiến sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài, mới trở về nước công tác, cháu hy vọng rằng thành công ban đầu của mình cũng tạo thêm động lực cho nhiều bạn trẻ Việt Nam đang ở nước ngoài quyết định trở về nước làm việc.

Bây giờ đi đâu người ta cũng nói tới hiện tượng Nguyễn Hà Đông, Flappy Bird. Theo bạn thì đó có phải là gương mặt trẻ tiêu biểu nhất của Việt Nam hiện nay không?

TS. Tạ Hải Tùng: Đây là một câu hỏi rất hay. Với cá nhân tôi, tôi cảm thấy rất tự hào vì Nguyễn Hà Đông đã từng là một sinh viên của Viện CNTT&TT, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi tôi đang giảng dạy.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, hiện tượng Flappy Bird Nguyễn Hà Đông có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước nói chung cũng như thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.

Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta cần rất nhiều những Nguyễn Hà Đông để thực sự hòa nhập với thế giới.

Với cá nhân tôi, nếu có tiêu chí gương mặt trẻ tiêu biểu trong quảng bá hình ảnh một Việt Nam năng động, sáng tạo, sẵn sàng hội nhập quốc tế 2014 thì Nguyễn Hà Đông là một trong những gương mặt như thế.

  • Thực hiện: Ban Giáo dục
  • Ảnh: Lê Anh Dũng