Hai cô con gái của Amy Chua là Sophia và Louisa, nay đã 18 và 15 tuổi, lớn lên trong sự dạy dỗ nghiêm khắc hiếm thấy, buộc phải răm rắp tuân theo bản nội quy gia đình do bà mẹ áp đặt gồm 10 điều:


- Cấm qua đêm ở nơi không phải nhà mình;

- Cấm xem phim;

- Cấm tham gia biểu diễn văn nghệ ở nhà trường;

- Không được oán trách vì điều cấm ấy;

- Cấm xem truyền hình hoặc chơi game máy tính;

- Không được tự chọn hoạt động ngoại khóa (mà do mẹ chọn);

- Điểm sát hạch, điểm thi tất cả các môn học phải đạt mức A (tức cao nhất);

- Trừ môn thể dục và sân khấu ra, thành tích học tất cả các môn khác đều phải nhất lớp;

- Trừ dương cầm và vĩ cầm ra, không được chơi bất cứ nhạc cụ nào khác;

- Phải học dương cầm và vĩ cầm.

Amy Chua viết:

Các bạn phương Tây của bà cho rằng bắt con mỗi ngày tập đàn từ 30 phút đến 1 giờ là quá nghiêm khắc rồi, thế nhưng các bà mẹ người Hoa thì bắt con tập đàn liền 3 tiếng đồng hồ. Người Hoa cho rằng muốn yêu thích công việc gì thì hãy tập làm công việc ấy thật nhiều; khi làm giỏi thì sẽ thấy yêu thích việc đó.

Bắt chước cha mẹ mình, Amy Chua hường hay mắng con là “Đồ ăn hại” mỗi khi chúng ương bướng.

Trong một bữa tiệc ở nhà người bạn, Amy Chua từng mắng Sophia là “garbage (đồ rác rưởi)” khi con bé tỏ ra hỗn xược; một bà khách người Mỹ nghe thế đã mủi lòng chảy nước mắt và xin kiếu ra về.

Sau đấy, chủ nhân bữa tiệc phải cố gắng dàn xếp mối quan hệ giữa Amy Chua với các thực khách để họ ở lại tiếp tục dự tiệc.

Phụ huynh Hoa khác phụ huynh phương Tây

Amy Chua cho rằng các phụ huynh người Hoa khác người phương Tây ở 3 điểm:

- Người phương Tây rất ngại làm tổn thương lòng tự tin, tự trọng của con, cho nên thường hay khen con quá đáng, khi con bị điểm xấu cũng vẫn khen, còn người Hoa thì mắng ngay và hỏi cho ra nhẽ tại sao bị điểm xấu;

- Người Hoa cho rằng con cái phải biết ơn cha mẹ về mọi chuyện họ làm cho chúng, do đó chúng phải nghe lời cha mẹ, phải cố làm cho cha mẹ tự hào vì con;

- Cha mẹ người Hoa tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất đối với con mình, cho nên họ không cần để ý tới yêu cầu và thị hiếu của con mà cứ ép buộc con làm theo ý họ, dù chúng không thích.

Một vài chuyện cụ thể

Hồi Lulu (tên thân mật của Louisa) lên 7, cháu phải tập piano bài Chú lừa con lông trắng của nhạc sĩ Pháp Jacques Ibert. Bản nhạc rất hay nhưng khó phối hợp hai tay, con bé tập mãi không được. Nó chán nản tức giận bỏ cây đàn, giậm chân thình thịch không chịu tập. Tôi ra lệnh: “Ngồi vào đàn ngay!” Lulu cãi: “Mẹ không được bắt con làm thế.” Tôi bảo: “Ô hay, mẹ bắt con phải làm thế đấy!”

Sau khi ngồi vào đàn, con bé phản ứng bằng cách bấm phím loạn xạ rồi xé bản nhạc vứt xuống đất.

Tôi nhặt lên dán lại rồi kẹp vào bìa ni lông, như vậy nó không thể xé được nữa. Rồi tôi kéo túi đồ chơi của Lulu đến bên chiếc ô tô và bảo nó: “Nếu ngày mai con chưa tập được bài ấy thì mẹ sẽ đem chỗ đồ chơi này của con cho các bạn khác hết.” Con bé nói: “Mẹ đem cho hết đi.” Thấy vậy tôi dọa: “Thế thì hôm nay con sẽ không được ăn trưa, ăn tối... Con sẽ không được tổ chức sinh nhật, Lễ Giáng sinh này sẽ không có quà...

Thấy tình hình căng thẳng, ông xã nhà tôi bèn kéo tôi ra ngoài khuyên tôi chớ nên mắng mỏ con bé. Tôi không nghe mà còn cự lại: “Sophia bằng tuổi này đã chơi được bài nhạc ấy; cớ sao Lulu lại không?” ....

Rốt cuộc tôi kèm Lulu tập đàn cho tới bữa ăn tối. Suốt thời gian ấy tôi không cho cháu nghỉ một phút nào, không cho uống nước, không cho đi toa-lét. Phòng tập đàn như bãi chiến trường.

Cuối cùng hai tay của Lulu dường như đã phối hợp được với nhau. Dấu hiệu thành công đây rồi. Tôi thở dài khoan khoái. Lulu cũng mỉm cười. Cháu bảo: “Mẹ xem này, chẳng có gì khó cả!” Sau khi chơi thạo bản nhạc rồi, nó còn muốn nán lại chơi thêm vài lần.

Tối hôm ấy cháu được phép ngủ chung với tôi. Hai mẹ con ôm lấy nhau tưởng như không bao giờ xa rời nữa.

Mấy tuần sau, Lulu biểu diễn độc tấu bài Chú lừa con lông trắng rất thành công. Các vị phụ huynh đến dự xúm lại chỗ tôi nức nở khen: “Ôi, Louisa giỏi quá!” Ông xã cũng khen tôi mãi.

Phần 3: Sự thật đằng sau câu chuyện Mẹ Hổ

  • Nguyễn Hải Hoành (Tạp chí Tia Sáng)