- Không cần roi vọt, thậm chí cũng chẳng phải quát mắng, chỉ cần điều chỉnh giọng điệu, bạn sẽ dễ dàng "thu phục" được đứa trẻ.

TIN LIÊN QUAN:


Ông tướng đeo bỉm, một hội chứng phổ biến mà nhiều cha mẹ mắc phải

‘Ông tướng đeo bỉm’

Nhìn những đứa trẻ Pháp ngoan ngoan tự ăn, tự chơi một mình, đã có lúc Pamela băn khoăn rằng, liệu chúng có bị bố mẹ dụ dỗ, hay thậm chí là đe nẹt?

Nhưng dường như không phải như vậy. Qua quan sát, cô thấy chúng vẫn tán gẫu vui vẻ, thoải mái. Và bố mẹ bọn trẻ cũng luôn tỏ ra rất chu đáo, tình cảm với con mình. Bà mẹ Mỹ này tự hỏi: Phải chăng người Pháp có một thế lực văn minh vô hình nào đó mà các ông bố bà mẹ ở đất nước cô đang thiếu.

Thoạt đầu, Pamela cảm thấy rất khó diễn đạt về cách thức bố mẹ Pháp đối xử với con cái mình. Nó vừa như có phần cực kỳ nghiêm khắc mà cũng lại vừa như dễ dãi đến kinh ngạc.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, họ không bao giờ bị mắc hội chứng "ông tướng đeo bỉm”.

Trong khi đó, hội chứng này rất phổ biến ở Mỹ. Có câu truyền miệng rằng: Nếu bạn không biết những "ông tướng đeo bỉm", hãy đến New York. ("You don't know from "child kings". Please visit New York).

Pamela chỉ ra rằng, các bà mẹ Mỹ dường như lúc nào cũng sợ việc cấm cản con cái sẽ hạn chế sự sáng tạo của chúng. Thế nên, chúng tha hồ tung hoành, làm bất kỳ những điều gì chúng muốn.

Nhưng các bà mẹ Pháp lại có quan điểm rất rõ là: Người lớn mới là người có quyền quyết định bởi trẻ con chưa đủ nhận thức để biết những gì là tốt cho chúng. Họ cho rằng nếu để con cái tự do làm những gì chúng thích thì có nghĩa là cha mẹ đã đánh mất cái uy của mình.

Nhiều người Pháp tỏ ra rất sốc khi đến chơi các gia đình Mỹ và chứng kiến bọn trẻ con tự do mở tủ lạnh lấy đồ ăn bất kỳ lúc nào hay vô tư ngắt lời khi bố mẹ chúng đang trò chuyện. Điều này hoàn toàn đối lập với gia đình họ.

Bố mẹ Pháp cho rằng trẻ con phải có những giới hạn nhất định về hành vi, và người lớn luôn phải giám sát nghiêm ngặt, đảm bảo là lũ trẻ không vượt quá khuôn khổ cho phép đó. Tuy nhiên, bên trong khuôn khổ này thì bọn trẻ vẫn được tự do, thoải mái làm những gì chúng thích.

Bởi vậy, trong khi các bà mẹ Mỹ thường dặn con phải ngoãn ngoãn thì các bà mẹ Pháp nói với lũ trẻ rằng chúng cần phải khôn ngoan và làm chủ được hành vi của mình.

Để có thể giáo dục được bọn trẻ, người Pháp chỉ ra rằng, thay vì đánh đòn hay quát nạt, các ông bố, bà mẹ hãy cách học “nói không” với chúng một cách thuyết phục và có uy hơn.
Học cách nói “Không”

Thể hiện cái uy của bố mẹ là một trong những yếu tố ấn tượng và hiệu quả nhất trong phương pháp dạy con của người Pháp. Tuy nhiên, để làm chủ được công cụ vô hình này quả không dễ.

Pamela chia sẻ: Trong khi cô không biết cách thể hiện cái uy của mình thế nào thì rất nhiều các ông bố bà mẹ Pháp mà cô gặp lại thể hiện cái uy của họ trước con cái một cách dễ dàng, điềm tĩnh. Họ chẳng cần quát tháo mà lũ trẻ vẫn răm rắp nghe lời.

Pamela còn phân tích thêm rằng, không giống như ở Anh, từ "không" (no), đôi khi có thể hiểu là "tôi không chắc chắn" (I’m not sure) hoặc “có thể lát nữa” (maybe later) sẽ giải quyết sau, thì ở Pháp từ “không” (“non”) có nghĩa là “Tuyệt đối không” (absolutely not).

Thế nên, khi bố mẹ đã ‘nói không”, lũ trẻ Pháp không hề có phản ứng tức giận hay thất vọng, suy sụp, thậm chí chúng còn chẳng bao giờ cãi lại hay lèo nhèo van vỉ thêm. Dường như, chúng có khả năng đón nhận sự từ chối (lời nói “không” của bố mẹ) một cách rất tự nhiên, bình thản.

Trẻ em chơi trong hộp cát 

Pamela đã dẫn chứng chính câu chuyện của mình về hiệu quả của lời nói "Không". Trong một lần đưa Leo, cậu con trai hai tuổi của cô tới công viên, Pamela đã được Frédérique, một phụ nữ Pháp mới được làm mẹ ba tháng dạy cho cách thể hiện cái uy của mình.

Sự thể là khi Frédérique và Pamela ngồi trò chuyện thì Leo liên tục chạy ra phía cổng hộp cát (sandbox - khu vui chơi riêng của trẻ được quây xung quanh và ở trong đổ rất nhiều cát). Mỗi lần như vậy, Pamela lại phải rượt đuổi theo, quát nạt và lôi thằng bé quay trở lại trong khi nó la hét inh ỏi.

Frédérique nói với Pamela rằng cô cần nghiêm khắc hơn với Leo, vì nếu cô cứ chạy theo thằng bé suốt như thế thì sẽ chẳng có lúc nào được ngồi yên cả.

Khi Pamela than thở là tình cảnh đó dường như đã quá quen thuộc với cô, vì dẫu cô quát tháo thằng bé thế nào thì nó cũng chẳng hề nghe, bà mẹ Pháp đã cười và khuyên rằng Pamela cần nói "Không" một cách mạnh mẽ và chắc chắn.

Lần tiếp theo, khi Leo lại chạy ra cổng, Pamela đã nói “Không” nghe có vẻ cứng rắn hơn bình thường nhưng vẫn chẳng có tác dụng gì. Cô lại phải chạy theo và kéo nó lại. Frédérique tiếp tục khuyên Pamela là cô không cần phát quát tháo hay thét to lên như vậy, quan trọng là phải nói với giọng điệu nghiêm nghị và đầy tính thuyết phục.

Sau một vài lần tập nói “Không”, Pamela cũng cảm thấy giọng điệu của mình dần có trọng lượng hơn. Dù âm vực không to, nhưng nó toát lên sự quả quyết và chắc chắn.

Đến lần thứ 4, khi Leo đang cố chạy ra cổng, Pamela nói “Không”, cố gắng thể hiện sự cứng rắn và thuyết phục một cách rõ nhất, thì không thể tin được rằng, thằng bé không dám mở cửa ra.

Nó quay lại nhìn cô với ánh mắt do dự đầy cảnh giác. Khi ấy, Pamela trợn mắt nhìn thằng bé để cho nó thấy được rằng cô hoàn toàn không cho phép hành động đó.

Kỳ lạ thay, thằng bé không chạy ra ngoài lần nào nữa. Nó dường như đã quên hẳn cái cổng và chỉ chơi trong hộp cát với lũ trẻ. Và Pamela nhận ra rằng, dường như đây là lần đầu tiên cô thể hiện được cái uy của mình, khiến thằng bé phải nghe theo mà không hề khóc lóc, la hét hay hoảng sợ.

Pamela kết luận: Khi có con, bạn đừng nên hoang mang, lo lắng là sẽ phải làm bố mẹ như thế nào. Thay vì tìm một triết lý làm cha mẹ, chúng ta hãy có cái nhìn đúng đắn hơn về một đứa trẻ. Khi ấy, ta sẽ tìm được cách để đối phó với chúng.

Đó là kết quả của những quan sát và lý giải trước những gì diễn ra xung quanh một bà mẹ Mỹ ở trên đất Pháp.

Những bài học dạy con kiểu Pháp

1. Trẻ con nên học cách nói xin chào, tạm biệt, cảm ơn và làm ơn. Điều đó giúp chúng hiểu được rằng chúng không phải là người duy nhất có những nhu cầu và cảm xúc.
2. Khi chúng cư xử không đúng, hãy trợn mắt với chúng – thể hiện cái nhìn cảnh cáo đầy nghiêm nghị.
3, Chỉ cho chúng ăn nhẹ (kể cả ăn vặt) một lần một ngày. Ở Pháp, bữa ăn nhẹ thường là khoảng bốn giờ hoặc bốn rưỡi chiều.
4. Hãy luôn nhắc nhở chúng (và cả chính bản thân bạn) ai là chủ tướng trong gia đình. Bố mẹ Pháp luôn nói với con cái họ: Bố mẹ mới là người quyết định.
5. Đừng ngần ngại nói “Không”. Những đứa trẻ phải được dạy cách đối mặt với những tình huống vỡ mộng như thế.


Sinh Phạm