- "Những lần cải cách trước có phần luẩn quẩn nhưng lần này chúng ta đã đi đúng. Vấn đề là phải có khí phách đi đến cùng".

Đó là chia sẻ của GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - tin (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) tại hội thảo về đổi mới mô hình và chương trình đào tạo tại các trường ĐH sư phạm diễn ra trong hai ngày (26 và 27/4).

Trong bài phát biểu nhận được nhiều tràng vỗ tay, GS Đỗ Đức Thái đã chia sẻ về những vấn đề lớn của các trường sư phạm cũng như công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

"Chỉ có Tôn Ngộ Không mới làm nổi"

"Tôi không phải nhà nghiên cứu về giáo dục học nhưng biết chút về vấn đề này khi phải lo công việc nhà trường phân công trong thời gian vừa qua.

Tôi không nhìn thấy sự mâu thuẫn gì giữa đào tạo năng lực với kiến thức kỹ năng. Nói cho cùng, năng lực là khái niệm siêu hình không đong đếm được. Thước đo đánh giá năng lực cuối cùng vẫn là kiến thức kỹ năng.

Việc thứ hai về chuyện "tích hợp". Khoa Toán không bị tích hợp nên tiêu chuẩn đào tạo giáo viên cần 135 tín chỉ là chấp nhận được, mặc dù tôi luôn ủng hộ 130 tín chỉ là đủ. Những trường đại học mà tôi đã từng đến dạy chẳng có trường nào quá 130 tín chỉ, ngay như Havard nhiều nhất cũng 132 tín chỉ.

Nhưng đối với khoa có yêu cầu "tích hợp", giáo viên phải dạy được môn khoa học xã hội, nếu không tăng yêu cầu về số lượng tín chỉ lên thì chỉ có Tôn Ngộ Không mới làm nổi".

{keywords}
GS Đỗ Đức Thái phát biểu sáng 26/4 (Ảnh: Văn Chung).

"Giáo sư toán toát mồ hôi giải toán lớp 6"

Tôi luôn nói với các thầy dạy toán rằng một cuốn sách giáo khoa quá mỏng là thảm họa. Cái việc quá mỏng trong chuyên môn với nhau chỉ đánh lừa người ngoài, chứ ở trong đó không có cơ hội tạo môi trường trải nghiệm để hình thành và kiến tạo kiến thức.

Trong 1 tiết lên lớp môn Toán, cô giáo phải dạy: mặt phẳng tọa độ, cách xác định 1 điểm trên mặt phẳng tọa độ, cho 1 điểm tìm ra 2 tọa độ, cho 2 tọa độ tìm ra 1 điểm, đồ thị hàm số, v.v... Dù là "dạng" học giỏi từ bé, nhưng với tôi vẫn thấy khó khăn với những khái niệm như thế.

Tôi dạy con toát mồ hôi, mất 1 tiếng đồng hồ. Chúng ta đừng nghĩ có ít giờ là tốt. Ít đến vừa phải, đừng vi phạm luật lao động phổ biến của thế giới. Còn cắt nhiều tín chỉ nhiều quá sẽ không làm gì được.

"Mong lãnh đạo Bộ GD-ĐT can đảm"

Mấy hôm nay có nhiều sóng gió, nhưng tôi rất mong lãnh đạo Bộ GD-ĐT hãy can đảm. Chúng ta đã qua nhiều cuộc cải cách. Nếu đem chương trình dạy học của chúng ta hiện nay so với những năm 50 của thời trước hoặc đang so với thế giới, chúng ta thấy việc dạy học chuyên biệt hóa sớm quá.  Với chương trình chuyên biệt như thế, ta đào tạo được nhiều chuyên gia giỏi trong chuyên ngành hẹp.

Điều này rất cần cho đất nước trong thời kỳ sau giải phóng. Nhưng chúng ta phải trả giá bằng việc đất nước thiếu những nhà văn hóa lớn, thiếu những nhà chiến lược lớn, thiếu những con người có quyết định đưa đất nước khỏi điểm dừng.

Cả cuộc cải cách giáo dục như thế này, chúng ta thiếu ngay những nhà văn hóa lớn.

Tôi rất buồn về cái cách dư luận báo chí đề cập tới "đề án 34.000 tỷ đồng" thời gian qua. Không ai đem tiền để đo những giá trị của những nhà văn hóa lớn của dân tộc, không ai đem tiền để đo giá trị nhà khoa học. Đất nước không thể tồn tại được nếu thiếu họ. Tại sao ta lại lo lắng chuyện đó?

Tôi rất mong lãnh đạo Bộ giữ được khí phách. Những lần cải cách trước không đúng, nhưng lần này chúng ta đã đi đúng. Vấn đề là phải có khí phách đi đến cùng".

  • Văn Chung (lược ghi)