- Kết quả cuộc thi đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Việt Nam đã gây bất ngờ cho chính cả Bộ GD-ĐT và những người làm giáo dục trong và ngoài nước. Nhiều bình luận đủ cung bậc, từ hoan hỉ ủng hộ đến nghi ngờ bác bỏ, bùng nổ trong dư luận.

Đến đây lại xuất hiện câu chuyện của niềm tin. Kết quả quá cao của những kỳ thi của Bộ GD - ĐT tổ chức, như thi tốt nghiệp THPT, luôn bị nghi ngờ đã đành. Nhưng vì sao kết quả cao của một tổ chức quốc tế, hoàn toàn độc lập tiến hành, lại cũng bị nghi ngờ?

Có phải vì người Việt Nam đa nghi, hay vì những yếu kém của thực tại đã phô bày ngay trước mắt mà ai cũng thấy được, nên họ không tin vào những kết quả tốt đẹp?

Dù gì đi chăng nữa, thì việc người dân không tin và ai khác, mà chỉ tin vào cảm nhận của chính mình, là điều đáng lo ngại.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Chỉ là một lát cắt

Công tâm mà nói thì đạt kết quả cao thì vẫn tốt hơn là kết quả thấp.

Giả sử, lần thi này, Việt Nam đạt thứ bậc rất thấp, đứng gần cuối bảng chẳng hạn, thì hệ thống giáo dục sẽ phải co cẳng để chạy cho bằng bạn bằng bè.

Cải cách đổi mới sẽ được thúc đẩy nhanh hơn và bài bản hơn. Những bất cập của giáo dục Việt Nam đã được coi là hiển nhiên. Nếu không thì Bộ GD-ĐT đã không phải xây dựng đề án cải cách giáo dục toàn diện và triệt để. Nếu nhìn như vậy thì kết quả cao của PISA chưa chắc đã có lợi cho giáo dục Việt Nam.

Nhưng cải cách nào cũng phải dựa trên những đo đạc định lượng.

PISA là một trong những đo đạc đó. Nên kết quả của PISA cần được tôn trọng. Vấn đề còn lại là sửdụng kết quả của PISA như thế nào, và xem xét những hạn chế của PISAđể không ngộ nhận.

Còn kết quả này có đánh giá được hết chất lượng giáo dục hay không thì thẳng thắn mà nói, PISA chỉ như một mũi khoan thăm dò, hay một ‘lát cắt’ để hiểu thêm về giáo dục Việt Nam. PISA chỉ đánh giá học sinh 15 tuổi, với một số kiến thức nhất định, chứ không khảo sát toàn bộ những nội dung mà một nền giáo dục tốt cần cung cấp.

Theo UNESCO, việc học được xây dựng trên bốn trụ cột: Học để biết, học để làm, học để định hình bản thân và học để chung sống với người khác.

Với các bài thi trên giấy, rõ ràng PISA chỉ có thể đánh giá một phần rất nhỏ  “học để biết”, và phần nào khảo sát động cơ và thái độ đối với việc học thông qua việc trả lời câu hỏi.

Những phần còn lại thì không thể, vì để đánh giá nó, phải thực hành và chứng nghiệm, và cần rất nhiều thời gian, chứ không thể đánh giá qua bài thi trên giấy, trong một vài giờ được.

Học để thi?

Nếu để ý, trong bảng kết quả kỳ thi PISA 2012 này, bảy nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu đều là các nước có nền giáo dục Nho giáo truyền thống.

Đólà: Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ma Cao, Nhật Bản. Dù trình độ khoa học kỹ thuật của các nước này nói chung đều kém xa Anh, Đức, Mỹ, nền giáo dục của họ cũng nhiều bất cập mà bằng chứng là mỗi năm có hàng triệu gia đình cho con đi du học ở những nơi có xếp hạng thấp hơn, nhưng họ lại đứng cao hơn trong bảng kết quả so với học sinh Âu Mỹ. Điều gì xảy ra vậy?

Chỉ có thể giải thích là truyền thống Nho học, một truyền thống học để thi, đã có ảnh hưởng quyết định đến kết quả PISA.

Nhưng ngay cả khi nằm trong nhóm Nho học truyền thống này, Việt Nam cũng đứng sau chót, và kém những 10 bậc so với những nước còn lại. Điều này có thể hiểu ra sao? Là giáo dục Việt Namđã từ bỏ được truyền thống học để thi này, hay giáo dục Việt Nam kém hơn nhiều so với các nước này?

Khái niệm giỏi cũng phải xem xét lại. Giỏi là làm giỏi, chứ không phải là học giỏi hay thi giỏi. Chỉ khi nào thống nhất được như vậy, mới thôi không thắc mắc "vì sao học giỏi mà vẫn nghèo?"

Theo kết quả của PISA, và 86% học sinh Việt Nam cho cho rằng cố gắng ở trường là điều quan trọng.

Nhưng cố gắng để làm gì: 84% học sinh Việt Nam cho biết thích nhận điểm cao ở trường.

Như vậy, có thể hiểu, thích được điểm cao là động lực học tập quan trọng nhất đối với học sinh Việt Nam. Vậy nên, học để thi lấy điểm cao vẫn là một trong những động cơ chính của học sinh Việt Nam, nhưng ngay cả khi như vậy, học sinh Việt Nam vẫn không địch lại được cái học sinh đến từ các nước có truyền thống ‘họcđể thi’ khác.

Một chi tiết khác cũng cần lưu ý, thi giỏi chỉ là một phần nhỏ của học giỏi. Nhưng ngay cả học giỏi không có nghĩa là làm giỏi. Vậy nên, ngay cả khái niệm giỏi cũng phải xem xét lại. Giỏi là làm giỏi, chứ không phải là học giỏi hay thi giỏi. Chỉ khi nào thống nhất được như vậy, mới thôi không thắc mắc ‘vì sao học giỏi mà vẫn nghèo?’.

Theokết quả nghiên cứu của Tổ chức theo dõi sáng nghiệp toàn cầu (Global EntrepreneurshipMonitor) thì kết quả PISA môn Toán lại tỷ lệ nghịch với khả năng sáng nghiệp của người dân.

Điều này có nghĩa là gì, là nước nào có kết quả PISA của môn Toán càng cao thì khả năng khởi nghiệp của người dân càng thấp.

Đây là lý do giải thích vì sao các nước có kết quả PISA trung bình như Mỹ, Anh, thìnền kinh tế và khoa học kỹ nghệ của họ lại sáng tạo và đứng đầu thế giới.

Những điều chưa nói

Xếp hạng cao của học sinh Việt Namtrong cuộc thi PISA là đáng khích lệ.

Nhưng các kết quả khác của PISA không được khai thác và thông tin rộng rãi.

Chẳn ghạn: 94% học sinh Việt Nam cho biết mình như một kẻ bên ngoài trường học, tứclà không thích đến trường.

Trong khi đó, so với các nước láng giềng: 94% học sinh Thái Lan hài lòng với trường học, 96% học sinh Indonesia cảm thấy hạnh phúc khi ở trường.

{keywords}
Trẻ em háo hức vui chơi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Điều gì đang xảy ra với trường học của Việt Nam vậy? Chương trình quá nặng? Thầy cô quá khắt khe? Cách học quá nhàm chán? Môi trường quá tệ? Hay tất cả lý do này, và nhiều lý do khác nữa, đã làm cho học sinh của Việt Nam cảm thấy mình như là người ngoài của chính ngôi trường của mình?

"Nếu chỉ nhìn vào điểm số, thì sẽ rơi vào ru ngủ"

Chỉ khi nào làm rõ được những điều này, giáo dục Việt Nam mới có cơ hội được cải thiện. Còn nếu chỉ nhìn vào điểm số, thì sẽ rơi vào ru ngủ.

Ngoài ra, lứa tuổi kỳ thi học sinh tham gia PISA là 15 tuổi 3 tháng đến 16 tuổi 2 tháng, tương đương với học sinh kết thúc bậc học bắt buộc, với Việt Nam là bậc THCS.

Tuy nhiên, học sinh tham gia thi PISA lại chủ yếu là học sinh đang học cuối năm lớp10, bậc PTTH do PISA thi vào tháng 4/2012. Nếu tính tuổi thì vẫn hợp pháp, vì các đa số em dưới 16 tuổi 2 tháng đều học lớp 10 do năm học của Việt Nam khai giảng vào tháng 9 hàng năm.

Nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản thế, vì sau đó là một bộ lọc vô hình rất hiệu quả. Lý do: Sau khi hết lớp 9, các em phải thi vào lớp 10 ở bậc THPT. Kỳ thi này cũng rất gay gắt, đặc biệt với các trường công… Những em có gia cảnh khó khăn hoặc học kém, sẽ bỏ học để đi làm. Vậy nên tỷ lệ học sinh chuyển từ bậc THCS lên THPT là thấp so với các nước tham gia kỳ thi PISA, chỉ đạt khoảng 70%.

Với các nước khác, nếu năm học bắt đầu vào 1/1 hàng năm như Singapore thì các em sẽ thiệt hơn. Còn nếu năm học bắt đầu vào tháng 9 như Việt Nam thì câu chuyện cũng tương tự. Chỉ có một điều khác biệt, là tỷ lệ của học sinh bỏ học sau bậc THCS của các nước này thấp, nên những em học kém đã không bị loại khỏi kỳ thi PISAnày.

"Dù chỉ là một ‘lát cắt’ về giáo dục Việt Nam, nhưng câu chuyện kết quả cao của cuộc thi PISA không chỉ toàn màu hồng, mà vẫn còn rất nhiều điểm cần suy xét để không ngộ nhận và rút ra những gợi ý hữu ích cho việc cải cách giáo dục".

Cả hai trường hợp này cho thấy, việc chọn học sinh lớp 10 tham gia thi PISA đã vô hình chung chọn các em khá giỏi hoặc có điều kiện học tập để đi thi, loại bỏ các học sinh yếu kém không có khả năng vào bậc THPT. Đây là một vấn đề tính kỹ thuật, nhưng có tác dụng đội kết quả kỳ thi lên cao.

Nếu chọn các em học sinh đang học lớp 9, hoặc vừa xong lớp 9 nhưng chưa vào lớp 10 để thi, thì chắc chắn kết quả sẽ thấp hơn so với kết quả đã công bố.

Những chi tiết phía sau này cho thấy, dù chỉ là một ‘lát cắt’ về giáo dục Việt Nam, nhưng câu chuyện kết quả cao của cuộc thi PISA không chỉ toàn màu hồng, mà vẫn còn rất nhiều điểm cần suy xét để không ngộ nhận, và quan trọng hơn, để rút ra những gợi ý hữu ích cho việc cải cách giáo dục trong thời gian tới.

  • TS Giáp Văn Dương