- Lời toà soạn: Chị Đào Thu Hiền là Giám đốc của Mạng học trực tuyến Rockit Online và Công ty Golden Path Academics . Tốt nghiệp 2 trường đại học hàng đầu tại Mỹ - Columbia và Harvard – chị Hiền về nước năm 2013 sau 15 năm sống tại Mỹ và hiện đang giảng dạy và thiết kế chương trình tại GPA và Rockit. Dưới đây là bài viết hữu ích của chị gửi tới các bậc phụ huynh.

Chắc hẳn làm cha mẹ ai cũng tự hào khi con mình được người khác khen. Nhưng trong hai câu khen dưới đây câu nào làm bạn tự hào hơn?

"Con bé nhà chị học giỏi quá!" hay "Con bé nhà chị thương người quá!"

Và bạn đã bao giờ nghĩ đến việc dạy con mình trở thành người tốt trước khi dạy con trở thành học sinh giỏi nhất lớp?

{keywords}
Tác giả Đào Thu Hiền

Gần đây, làm việc với rất nhiều học sinh giỏi ở các trường chuyên, tôi có dịp quan sát rất kỹ những gì các em có, những gì các em còn thiếu so với trẻ em quốc tế ở cùng độ tuổi. Thực trạng làm tôi suy nghĩ nhiều về việc dạy trẻ thế nào để các em thành công hơn trong cuộc sống, sự nghiệp và qua hệ gia đình, xã hội. Đúng là kiến thức quan trọng hàng đầu và việc định hướng, tạo cơ hội và đồng hành cùng với con để chúng phát triển tri thức và sự nghiệp tốt nên là mối quan tâm lớn nhất của cha mẹ.

Nhưng đầu tư vào phát triển kiến thức không thôi đã đủ chưa? Để các em lớn lên phát huy được tri thức, kỹ năng và bằng cấp của mình, tạo cho mình và gia đình một cuộc sống tốt, các em còn cần những kỹ năng và phẩm chất nào khác nữa?

Tiến sỹ tâm lý Richard Weissbourd, Đại học Harvard, thì cho rằng trẻ em nên được dạy kỹ năng cảm thông, quan tâm đến người khác.

Chúng ta đều biết rằng trẻ em khi sinh ra không có bản năng làm người tốt hay người xấu.

Theo ông, nếu chúng ta muốn con em mình biết quan tâm, tốt bụng với người khác, chúng ta phải dạy các em cách làm điều đó và giúp chúng biến thói quen thành phẩm chất. Các em cũng cần có người lớn ảnh hưởng, chỉ bảo thì mới biết thế nào là có trách nhiệm, quan tâm, thông cảm và tôn trọng người khác.Các em cần có người lớn chỉ bảo và động viên để biết mình nên tham gia vào các hoạt động cộng đồng và mang tính nhân văn. 

{keywords}

Chị Đào Thu Hiền trong một buổi hoạt động nhóm với các đồng nghiệp.

Tại sao những kỹ năng hay phẩm chất này lại quan trọng?

Một lý do đơn giản là hàng thập kỷ nghiên cứu đã cho chúng ta bằng chứng EQ (emotional intelligence) đóng vai trò rất quan trọng trong thành công cá nhân.

EQ được định nghĩa là khả năng nhận biết, thấu hiểu, diễn tả, đánh giá cảm xúc của bản thân và của những người xung quanh, qua đó điều chỉnh quyết định và hành vi của mình.

Những câu hỏi như tại sao người có tỷ số IQ trung bình thành công hơn người có IQ cao hay bằng chứng cho thấy 90% những người thành công nhất trong xã hội là những người có EQ cao chứng tỏ EQ là một yếu tố không thể thiếu trong giáo dục trẻ em.

Trong lĩnh vực kinh doanh, các chuyên gia đã bắt đầu nói đến "tài khoản EQ" như một yếu tố quan trọng ngang tài khoản ngân hàng, có tính chất quyết định sự thành công của một dự án.

Trong thực tế ở Việt Nam, một số cha mẹ đã nhận ra điều đó.

Cách đây không lâu tôi có tiếp một phụ huynh có con trai vào lớp 9. Sau một số buổi nói chuyện thảo luận về mục tiêu học tập và hoạt động ngoại khoá của em, tôi ngạc nhiên khi nghe anh chia sẻ: “Nguyện vọng của tôi là cho dù cháu học hành ra sao, tôi muốn cháu quan tâm đến mọi người, đến xã hội, hiểu giá trị của tri thức và biết quí trọng cơ hội của mình.”

Một thực tế phổ biến là chúng ta có rất nhiều bằng chứng của việc con học có giỏi không qua các kỳ thi, điểm số trên lớp, các bài trắc nghiệm IQ.

Nhưng chúng ta gần như không có bài kiểm tra nào cho khả năng trực giác và kỹ năng về tình cảm như sự cảm thông, lòng nhân hậu, rộng lượng, thương người...Vậy dạy con thế nào khi không chắc chắn mình phải dạy cái gì và dạy có hiệu quả không?

Để giúp mọi người nhận biết được "dấu hiệu" của EQ cao, các chuyên gia chỉ ra rằng những người có EQ thường:

1) có khả năng diễn tả cảm xúc của mình một cách chi tiết ("con hơi bức xúc vì bạn ấy không tôn trọng con" thay vì "con không thích kiểu của bạn đó");

2) tò mò, muốn biết về người khác: đây là biểu hiện của sự quan tâm;

3) có khả năng thích nghi với môi trường mới tốt và không sợ thay đổi;

4) có khả năng ghi nhận, biết mình mạnh ở điểm nào và tự tin nói về điểm mạnh của mình;

5) rộng lượng với mọi người, biết cho mà không cần được nhận lại;

6) không dễ bị tổn thương, tự tin và sẵn sàng đón nhận phê bình, góp ý của người khác.

Việc dạy con thế nào để các em phát triển được những kỹ năng này cần thời gian, sự kiên trì và cam kết của cha mẹ.

Tiến sỹ Weissbourd đưa ra một đề xuất mà gần đây ông được chính phủ Mỹ tài trợ hơn 2 triệu đô để thực hiện trong đó có một số gợi ý cụ thể cho cha mẹ như sau :

1. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nên quan tâm đến người khác. Thường cha mẹ muốn con mình có những thứ tốt đẹp nhất (trong sinh hoạt, học hành, vui chơi). Nhưng bạn nên cân bằng nhu cầu của con mình với nhu cầu của người khác như nhường bạn trong khi chơi, giúp bạn khi học, hy sinh một sự hưởng thụ nhỏ nào đó vì ông bà, v.v. Khi các em không muốn tiếp tục tham gia hoạt động gì, cha mẹ có thể nhắc con nghĩ đến trách nhiệm với tập thể và bạn bè. Khi trao đổi với thầy cô ở trường, ngoài lực học, cha mẹ có thể hỏi thăm về hành vi, thái độ của các em với bạn bè, thầy cô. Và luôn nhắc nhở các em hỏi thăm người khác.

2. Tạo cơ hội cho các em quan tâm, biết ơn với người khác. Theo ông Weissbourd, những người có thói quen cảm ơn và bày tỏ tình cảm với người khác thường cũng hay giúp đỡ, hảo tâm, đồng cảm và thông cảm với người khác. Những người này cũng thường có cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh hơn. Ông khuyên cha mẹ không nên thưởng con mình khi các em giúp đỡ người khác, mà hãy biến những việc như giúp đỡ việc nhà thành một việc bình thường các em nên làm. Chỉ khen ngợi khi các em làm được những việc vượt quá vai trò hay khả năng của mình.

3. Mở rộng đối tượng quan tâm cho các em: Một em nhỏ trung bình chỉ quan tâm tới gia đình và bạn bè. Cha mẹ nên tạo cho các em cơ hội quan tâm đến những người khác như bạn cùng lớp, người quen của bố mẹ, trẻ em ở các vùng sâu vùng xa, hay người dân ở các nước khác. Những thói quen cha mẹ có thể giúp con hình thành là lễ phép và quan tâm tới bất kỳ ai các em tiếp xúc như lái xe buýt, người phục vụ ở nhà hàng, người bán hàng, v.v. Cho các em đọc báo và tìm hiểu về những người khó khăn hơn mình.

4. Trở thành hình mẫu và người đồng hành cho các em: Khi còn nhỏ, trẻ em thường học từ cha mẹ. Cách cha mẹ giải quyết vấn đề của người lớn và cư xử với người xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của con mình. Nếu bạn có điều kiện, haỹ tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện và cho con cùng đi. Bạn cũng có thể đưa ra những tình huống, câu chuyện thảo luận vào bữa ăn và giúp con tìm cách giải quyết.

  • Đào Thu Hiền