Ở độ tuổi 35, nhìn lại hơn 30 năm gắn bó với cây đàn violon, nghệ sĩ Bùi Công Duy khẳng định “những gì cha làm cho tôi là vĩ đại”.

Tôi sẽ chẳng làm được như ba Thành

“Nguyên tắc” là phương pháp rèn con của Nghệ sĩ Bùi Công Thành.

“Nguyên tắc của ba tôi là đã làm cái gì thì phải làm đến cùng, và lấy mức cao nhất để vươn lên”.

Bốn tuổi, ở cái tuổi mà đám trẻ con còn ngọng nghịu, được cha mẹ chiều chuộng nâng niu, thì Bùi Công Duy bị ép học violon dưới sự giám sát nghiêm ngặt.

{keywords}
Nghệ sĩ Bùi Công Duy

Bùi Công Duy nhớ lại: "Từ năm 4 - 10 tuổi, ngoài thời gian ăn, ngủ và một chút nghỉ ngơi thì thời gian còn lại của tôi gắn với cây đàn. Ba kèm cặp tôi rất tỉ mỉ, theo sát mọi hoạt động, dạy con hàng ngày hàng giờ, ba bắt một đứa trẻ lao động miệt mài như một nghệ sĩ.

Ở tuổi ăn tuổi chơi, tôi không thích học dù với tôi học không khó, ngay cả học văn hóa. Thỉnh thoảng ba tôi phải dùng tới đòn roi để “xử lý” tôi. Có đoạn nhạc rất khó, tập đi tập lại tưởng đã thành công, có thể nghỉ ngơi để đi chơi nhưng ba tôi vẫn bắt tôi đàn đi đàn lại theo ý ông. Tôi vừa đàn vừa ấm ức “Học làm gì, có tác dụng gì đâu chứ”.

Áp lực khiến nhiều lúc tôi thấy khó thở. Nhưng thời gian trôi qua, tôi thấy điều đó là đúng.

Ông là một con người có tầm nhìn chiến lược, bởi việc tập đi tập lại nhiều mới giúp mình có cảm giác và nhận tốt để duy trì và phát triển. Đến bây giờ tôi vẫn tự rèn mình theo phương pháp này".

Bùi Công Duy tự hào “Ba Thành là sự may mắn vô cùng của tôi. Ông cùng ngành nghề, truyền cho tôi niềm say mê, để tôi nhìn vào học tập. Ông là tấm gương rất sáng, và sự hy sinh của ông đối với cá nhân tôi là vĩ đại. Đến bây giờ, tôi thấy rằng mình có thể làm những điều khác rất tốt nhưng sẽ không làm được những gì cha đã làm”.

Nghệ thuật là ngành đặc thù, rất khó vì học lâu và tốn kém. Một tài năng mà không vào được môi trường tốt, không gặp được thầy tốt không nên người được. Một người tài năng vào trường tốt, gặp thầy tốt nhưng không có bố mẹ hỗ trợ cũng không nên người được.

Bước ngoặt của Bùi Công Duy là năm 10 tuổi, anh được ba mẹ đưa sang Nga với niềm tin và hy vọng phát triển được tài năng của anh.

 “Sự hy sinh này không chỉ là của bố mà của cả gia đình. Gọi là hy sinh vì việc đưa tôi sang Nga học may rủi như… xổ số, có thành hay không không ai biết chắc được. Vì thế mà trừ khi có niềm đam mê khát khao hết lòng vì con, thì vượt qua được những rào cản như thế không phải ai cũng làm được.

Học âm nhạc cổ điển rất khó, rất lâu và xác suất thành công thấp. Học nhạc cổ điển nếu không vươn lên được sẽ khó cạnh tranh. Trong bối cảnh Việt Nam vừa chiến tranh xong, chưa thoát cấm vận mà ba mẹ đã dành hết nội lực để cho tôi đi học, cả ba mẹ, em gái tôi cùng sang Nga bươn chải lo lắng cho tôi”.

Bùi Công Duy sẽ không bao giờ quên những ngày "Mặc dù ở bên Nga bố tôi cũng làm giảng viên, nhưng hàng ngày ông vẫn dậy từ 5h sáng, kể cả những khi nhiệt độ xuống tới tới âm hàng chục độ, để làm thêm nghề lái taxi. Tất cả cũng chỉ vì muốn tôi được ăn học đầy đủ".

“Thời gian đó, đôi khi tôi cũng đã từng thấy khó quá, cũng nản một chút. Nhưng thường ít ai chấp nhận mình thua kém, nên phải cố gắng.

Nói chung, để thành công được đầu tiên phải có nguyên tắc. Các cường quốc trên thế giới tồn tại là nhờ có nguyên tắc. Nguyên tắc và nghiêm khắc -  Chính những gì bố làm như sự hy sinh, hết lòng vì con làm cho tôi cảm thấy phải làm tốt hơn nữa. Sự hy sinh của bố rất lớn khiến tôi cảm thấy làm bao nhiêu cũng không đủ để đền đáp lại”.

“Ba tôi ít nói. Khi tôi thành công, ông cũng không khen ngợi, nhưng tôi biết ông tự hào về mình qua những gì ông biểu hiện ra”.

Những người thầy tôi học đều là "người cha thứ hai"

“Tất cả những người thầy tôi học đều là người cha thứ hai” – Bùi Công Duy cho biết. Những người thầy anh coi là “người cha thứ hai” bởi vì họ không chỉ dạy anh nghề nghiệp, kiến thức, định hướng cho anh, mà điều quan trọng là “Họ dạy mình làm người. Đối với một nghệ sĩ, tính cách, cách sống ảnh hưởng đến cách làm việc, tư duy của chinh bản thân mình”.

{keywords}

Năm hơn 10 tuổi sang Nga, khi gia đình còn chưa sang cùng, Bùi Công Duy là người Việt duy nhất trong trường. “Ở vùng đất giá lạnh này, tôi muốn chơi cũng chẳng có bạn, nên chẳng biết làm gì ngoài học.

Nhưng cũng là cái may khi tôi có những người thầy coi mình như con. Họ không nề hà gì trong việc dạy dỗ và cả nuôi nấng tôi, lo cho tôi từng bữa ăn.

Với những gì các thầy đã làm, với nhân cách của các thầy, tôi coi các thầy như là cha mẹ”.

“Người cha” thứ hai đầu tiên anh nhắc đến là GS A.Gvozdez ở Novosibirsk. “Thầy nổi tiếng rất thương học trò và chăm chỉ, làm việc cần mẫn, lúc nào cũng nghĩ đến học sinh.

GS. NGND I. Bochkova ở Moscow là nghệ sĩ hàng đầu của Nga, rất có tiếng trên thế giới, không chỉ là một tượng đài đối với Bùi Công Duy mà còn là một “người cha” khác của anh. “Hiện nay bà đã 80 tuổi, bà đã dạy rất nhiều lớp, có rất nhiều học sinh giỏi nhưng chưa ai vượt được bà.

“Yêu thương tất cả học sinh là nét tính cách bao trùm của bà. Lớp có trên 30 học sinh, ai đi biểu diễn ở xa bà cũng đi theo, lo học sinh của mình thiếu thốn, bà xách cả đồ ăn mang đi, giúp đỡ học sinh rất nhiều.

Đó là đặc thù của đất nước Nga vĩ đại, của người Nga bao dung. Tôi đã đi rất nhiều nơi, nhưng không thấy ở đâu như vậy. Người Nga, khi đã yêu mến mình thì với họ không còn khoảng cách nữa, họ sẽ hết lòng và bảo vệ mình”.

“Sống trong môi trường đó, tôi chịu nhiều ảnh hưởng. và tôi cũng mong mình có thể trở thành “người thầy – người cha” như những người cha Nga yêu thương của tôi”.

Ngân Anh ghi