Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Quốc Khánh- ĐBQH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cho rằng, với cách tuyển dụng như vậy chỉ chọn được người "học thuộc lòng Luật Công chức”....

Từ vụ một số thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp xuất sắc, giỏi ở nước ngoài thi trượt công chức ở Hà Nội, bà nghĩ sao về cách tuyển dụng công chức của ta hiện nay?

- Bà Trần Thị Quốc Khánh: Chuyện người có bằng cấp cao bị trượt công chức không phải chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn xảy ra ở nhiều nơi. Đây là do cách thi tuyển, tuyển dụng công chức của mình có lỗi hệ thống và chưa khắc phục được. Người dân nói rằng với cách thi tuyển, tuyển dụng như kiểu này thì thậm chí GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam thi công chức cũng trượt.

  {keywords}

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: cách thi tuyển, tuyển dụng công chức của mình có lỗi hệ thống và chưa khắc phục được... (Ảnh LAD)

Tôi thấy rằng thực tế có nhiều học sinh có bằng tốt nghiệp giỏi ở nước ngoài nhưng khi về nước thi công chức vẫn trượt. Đó là bởi các em dù được đào tạo ở nước ngoài bài bản theo phương thức công nghệ cao, hay các em đỗ thủ khoa của các trường đại học lớn trong nước nhưng chưa đi làm nên không thể hiểu hết Luật Công chức Việt Nam. 

Trong khi cách tuyển dụng của ta lại nặng về lý thuyết, bắt thuộc lòng Luật, chưa kể cách làm bài, chấm bài chỉ căn cứ việc đủ ý. Khi đi thi tuyển vào cơ quan nhà nước, người ta hỏi rất cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ấy, cách vận hành cơ quan nhà nước tại các tỉnh, địa phương, UBND là gì, HĐND như thế nào? thì làm sao các em hiểu hết được. Trượt là cái chắc.

Và với cách tuyển dụng như vậy chỉ chọn được người "học thuộc lòng Luật Công chức”. Những người học thuộc lòng luật công chức đỗ vào công chức thì không thể có chất lượng nhân sự tốt.

Quy chế nọ, quy chế kia, thủ khoa có làm đâu mà biết? Nhà tuyển dụng phải hỏi về năng lực tổ chức công việc chứ hỏi về quản lý nhà nước là quá cứng nhắc. Vì thế cách tuyển dụng của ta còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm là vì thế.

Ngay trong tuyển dụng nhiều ý kiến cũng lo ngại vì có tiêu cực trong thi tuyển, tuyển dụng, thưa bà?

- Đúng là vừa qua có chuyện lộ đề thi, hay biết trước đáp án xảy ra tại một số nơi trong tuyển dụng công chức gây bức xúc trong xã hội. Vấn đề này phải xử lý nghiêm minh để tránh lặp đi lặp lại.

Cũng cần xem xét lại cách hội đồng chấm thi của một cơ quan như thế nào? Nhiều khi tổ chức thi chỉ nhằm mục đích "hợp thức hóa” cho những người đã vào làm hợp đồng từ trước, chứ không lấy người ngoài vào. Tôi từng chứng kiến nhiều sinh viên giỏi ở các trường nhưng vẫn trượt, còn các người làm hợp đồng ở cơ quan đấy thì đỗ. Thi tuyển chỉ để hợp thức hóa thì làm sao người ngoài vào được? Cho nên cách thi tuyển công chức hiện có rất nhiều vấn đề, tóm lại phải đổi mới nền hành chính công vụ.

Vậy theo bà cần đổi mới nền hành chính công vụ theo hướng nào?

- Trong bối cảnh đất nước hội nhập thì nền công vụ của ta cần phải đổi mới. Do vậy chúng ta cần xây dựng Luật hành chính công để giải quyết những vấn đề bất cập của nền công vụ hiện nay.

  {keywords}

Thi tuyển công chức tại Tây Ninh

Luật hành chính công sẽ làm cho bộ máy nhà nước minh bạch, công khai và đảm bảo tính thống nhất hiệu quả, hiệu lực từ trên xuống dưới, có cách chọn lọc người tài để phục vụ nhân dân, công khai minh bạch trọng dụng hiền tài. Lúc đó người tài thực sự sẽ được trọng dụng, còn người không có năng lực sẽ không có cơ hội để tồn tại.

Chứ cách tuyển dụng của ta bây giờ nhiều cửa cho "con ông cháu cha”, rồi chạy chọt, có "chuẩn bị” thì mới trúng. Còn người tài, minh bạch lại khó vào công chức.

Cách tuyển dụng công chức hiện nay cần thay đổi như thế nào để tránh tuyển người "học thuộc lòng”?

- Nên trọng dụng người tài bằng cách xem họ đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Ví dụ ở nước ngoài khi muốn trao học bổng cho một người thì họ xem học sinh đó có thích hoạt động xã hội, cộng đồng không? biết cách tổ chức cống hiến gì cho xã hội. Nhiều học sinh Việt Nam trúng học bổng quốc tế là do họ biết cách vận dụng kiến thức học trên ghế nhà trường gắn với xã hội, cộng đồng và được đánh giá cao.

Chúng ta nên học theo cách đấy chứ đừng lý thuyết suông, bởi cách thi như vậy chỉ có học sinh thuộc lòng mới trúng được. Bên cạnh đó, trong thi tuyển phải có ngân hàng đề thi công khai minh bạch như tại một số nước. Thí sinh không cần đến tận phòng thi mà chỉ cần làm bài viết trên mạng, sau đó được gọi đến phỏng vấn để biết năng lực trình độ. Chứ thi tuyển kiểu học thuộc lòng chỉ là lý thuyết suông.

Chúng ta phải làm như vậy mới có sự cạnh tranh cao và minh bạch, tuyển chọn được người tài, xứng đáng vào các vị trí trong cơ quan nhà nước. Như thế nền hành chính mới mạnh. Tuyển dụng công chức không phải quen thân mà phải có tiêu chí rõ ràng, công khai minh bạch. Nếu không, những người giỏi bị trượt công chức sẽ không có ý định quay lại thi công chức, mà vào doanh nghiệp nước ngoài làm việc. Lúc đó cơ quan nhà nước sẽ mất cơ hội có người tài vào làm việc.

Nhiều khi tổ chức thi chỉ nhằm mục đích "hợp thức hóa” cho những người đã vào làm hợp đồng từ trước, chứ không lấy người ngoài vào. Tôi từng chứng kiến nhiều sinh viên giỏi ở các trường nhưng vẫn trượt, còn các người làm hợp đồng ở cơ quan đấy thì đỗ. Thi tuyển chỉ để hợp thức hóa thì làm sao người ngoài vào được?

Trân trọng cảm ơn bà!

(Theo H.Vũ/ Đại đoàn kết)