- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tỷ lệ 80% ngân sách chi cho giáo dục dùng để trả lương và số còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình là không hợp lý và cần cơ cấu lại.


Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo, diễn ra mới đây.

{keywords}
(Ảnh: Thanh Hùng)

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua các đơn vị sự nghiệp với 2,1 triệu viên chức, chưa kể số công chức quản lý đi kèm, tạo sức ép lớn về biên chế và quỹ lương, trong khi chất lượng hoạt động cũng không cao. 

“Nếu cứ bao cấp thì chất lượng rất kém. Như chất lượng giáo dục đại học hiện rất kém, sinh viên ra trường không có việc làm, kỹ sư không ra kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ cũng thế” - ông Đam nói.

Theo ông Đam, đang có sự nhầm lẫn về việc tự chủ là tự lo kinh phí, Nhà nước không cho nữa nên đơn vị nào cũng sợ. 

“Không phải tự chủ là phải tự mình phải lo tiền, không có Nhà nước hỗ trợ nữa mà là khuyến khích và bắt buộc các đơn vị sự nghiệp công lập tiến tới hạch toán như doanh nghiệp, tự chủ thu - chi. Nhà nước vẫn sử dụng ngân sách để đầu tư cho hoạt động sự nghiệp nhưng sẽ thay đổi phương thức cấp phát sang đặt hàng dịch vụ công” - ông Đam nhấn mạnh.

Như vậy nhà nước vẫn có ngân sách đầu tư, nhưng thay vì cào bằng thì sẽ cấp theo đầu ra.

Về lĩnh vực giáo dục đào tạo, ông Đam đề nghị tiếp tục giải quyết bằng được tự chủ. “Tới năm 2020, chỉ cấp ngân sách bằng năm 2017, tức là mỗi năm đã giảm chi được 7% cho ngành giáo dục rồi để khuyến khích các trường thực hiện tự chủ”, Phó Thủ tướng nói.

Theo ông Đam những năm gần đây, nhiều trường vẫn nhận đều đặn 10 tỷ đồng với trung cấp, và 20 tỷ đồng với đại học hằng năm và cào bằng chỉ tiêu đào tạo nhiều hay ít. “Bây giờ cần đầu tư theo đối tượng. Nhà nước khuyến khích ngành nghề gì thì ưu tiên ngành đó, hỗ trợ thông qua chương trình nghiên cứu khoa học và có học bổng cho con em miền núi, người diện chính sách”.

Ông Đam cho rằng như vậy tổng ngân sách không giảm nhưng phải đổi mới và trong nguồn thu của các cơ sở luôn có một nguồn từ nhà nước.

Để tự chủ, ông Đam cho rằng các trường đại học cần có và tổ chức hội đồng trường, song điều này sẽ gặp vướng ở việc các hiệu trưởng, giám đốc ngại bớt quyền. “Thực tế các trường đại học rất ít thành lập hội đồng trường, hiện chỉ hơn 10% mà vẫn là hình thức. Có phải là hình thức không hay hiệu trưởng giám đốc sợ bớt quyền nên không lập?”, ông Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng góp ý với Bộ Nội vụ có thể sắp xếp lại biên chế trong trường phổ thông khi hiện có 40.000 nhân viên y tế. cần sắp xếp các nhân viên y tế này sang đội ngũ nhân viên y tế cơ sở cho phù hợp với chương trình tự chủ trong y tế cơ sở.

Ngoài ra, nhân viên phụ trách kế toàn ở các trường với con số tương đương trong một đơn vị cấp xã cũng có thể rút gọn lại 1 kế toán để làm chung. “Nhân viên phụ trách kế toán ở các trường cũng khoảng 40.000, trên địa bàn xã có 2,3 trường, 1 nhân viên có thể có khả năng làm cho từng ấy trường vì thu - chi các trường không có nhiều. Nếu làm được việc giảm 10% biên chế với 200.000 người là không khó”.

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, việc sắp xếp lại không lo xã hội mất việc làm. Bởi khi các đơn vị tự chủ, sẽ tuyển nhiều thì nhu cầu lao động theo đó tăng lên.

Với số lượng giảng viên đại học tới gần 70.000, giảng viên dạy nghề 75.600, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hiện tới 80% là chi cho con người, còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình. Theo ông Vương Đinh Huệ, tỷ lệ này không hợp lý và cần cơ cấu lại.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu có thực tế: “Hiện một số đơn vị không muốn tự chủ, vẫn giơ hai túi, một túi xã hội hóa, một túi xin ngân sách, như vậy là không thể chấp nhận”.

Theo ông Huệ, mục tiêu hướng đến nhất của đề án là cần tạo điều kiện cơ cấu lại chi ngân sách và giảm biên chế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.

Thanh Hùng