Việc bỏ hình thức biên chế đối với công chức, viên chức là điều cần làm khi chúng ta chuyển sang vận hành cơ chế thị trường. Vấn đề chỉ là sớm muộn và cách thức tiến hành, ngoại trừ một số khu vực và ngành nghề đặc thù như quân đội, công an… 

Công chức, viên chức được biên chế dễ nảy sinh tâm lý “yên vị”, giảm năng suất lao động, khó khuyến khích tối đa sức sáng tạo, mà hiện tượng “công chức cắp ô” hiện nay là điển hình. Việc bỏ biên chế Nhà nước, chuyển sang các chế độ hợp đồng ngắn, trung và dài hạn, sẽ là một động lực mạnh mẽ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lao động. 

Bên cạnh đó, việc làm này giúp gia tăng tính linh hoạt, dân chủ, cạnh tranh và chuyên nghiệp hóa môi trường làm việc, đồng thời, góp phần hạn chế những tiêu cực trong tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân sự. 

{keywords}

"Xét một cách thực tế nước ta hiện nay thì đối với giáo viên, việc biên chế hay không chưa tác động nhiều đến chất lượng và ý thức của người đứng trên bục giảng" (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Ở hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước phát triển, cơ chế này đã được vận hành từ rất sớm và đã chứng minh được tính tích cực, hiệu quả vượt trội. Ngay cả các quan chức cấp cao của họ, hầu hết cũng là một dạng công chức làm việc theo hợp đồng. Hôm nay còn là quan chức Nhà nước, ngày mai hết nhiệm kỳ hoặc vì lý do nào đó thì lại trở về làm dân, là điều rất bình thường.

Ngành giáo dục lĩnh ấn tiên phong?

Câu hỏi đặt ra là “Vì sao chúng ta không tiến hành xem xét đồng bộ việc bỏ biên chế đối với cả công chức lẫn viên chức mà chỉ đặt vấn đề đối với viên chức trong ngành giáo dục?”.

Tình trạng chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay có nhiều vấn đề cần báo động, phải được cải cách để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”, nên những thay đổi của nó đều phải được tiến hành một cách thận trọng và khoa học. 

Chúng ta đã có quá nhiều bài học đắt giá trong cải cách giáo dục mấy năm gần đây, như: Dự án Ngoại ngữ quốc gia với khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng kết quả đạt được rất hạn chế; Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) với tổng kinh phí hơn 1900 tỷ đồng, đến nay gần như thất bại; Đề án về sách giáo khoa từng gây ra nhiều tranh cãi; và nhiều đề án cải cách cứ loay hoay với chuyện thi cử. Hơn nữa, xét một cách thực tế thì đối với giáo viên, việc biên chế hay không chưa tác động nhiều đến chất lượng và ý thức của người đứng trên bục giảng. Đây chưa phải là nguyên do dẫn đến sự tụt hậu của ngành giáo dục hiện nay.

Giáo dục là ngành đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng bao trùm lên toàn xã hội. Những sai lầm đối với ngành giáo dục cũng đồng nghĩa sai lầm đối với toàn xã hội, tác động đến thế hệ tương lai. Bỏ biên chế trong ngành giáo dục, vì thế, cần có một lộ trình dài hơi. Nếu tiến hành vội vàng sẽ rất dễ bị chi phối bởi “ý chí cải cách” và “tư duy nhiệm kỳ”. 

Việc bỏ biên chế Nhà nước tốt nhất cần nghiên cứu tiến hành đồng bộ, triệt để đối với tất cả các ngành có ngạch công chức lẫn viên chức, để tránh sự vênh nhau trong cơ chế vận hành và quản lý về sau. Đồng thời, cũng là đảm bảo công bằng xã hội. Còn nếu chưa thể tiến hành đồng bộ ngay thì ngành giáo dục cũng không nên được lựa chọn làm tiên phong, mà phải là một ngành khác ít “nhạy cảm” đối với xã hội hơn. 

Nếu Bộ GD-ĐT quyết tâm triển khai, trước mắt chỉ nên tiến hành thử nghiệm trong quy mô hẹp, nếu không sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

Những thách thức và hệ lụy khi triển khai 

Luật Công chức, Viên chức được Quốc hội ban hành, do đó, việc này Bộ GD-ĐT không thể tự quyết mà phải đưa ra diễn đàn Quốc hội để thảo luận và xem xét trên nhiều mặt, kể cả việc điều chỉnh Hiến pháp và pháp luật cho tương thích.

{keywords}

Bỏ biên chế trong ngành giáo dục cần có một lộ trình dài hơi. Nếu tiến hành vội vàng sẽ rất dễ bị chi phối bởi “ý chí cải cách” và “tư duy nhiệm kỳ”. (Ảnh: Thanh Hùng)

Một khi đã bỏ biên chế, tức là chính thức đưa ngành giáo dục vào vận hành theo cơ chế thị trường, “sân chơi” giữa các trường công và các trường tư gần như được san phẳng. Những thách thức sẽ không chỉ đến với phía giáo viên, mà ngay cả với phía nhà tuyển dụng và sử dụng nhân lực. Ngành giáo dục của chúng ta liệu đã sẵn sàng trước những thách thức đó? 

Nhiều giáo viên giảng dạy ở các vùng khó khăn, ngay cả ở thành thị, lâu nay cố gắng theo nghề là vì “cái biên chế” ấy. Nay không còn nữa liệu họ có bỏ việc? 

Ngành giáo dục khi không còn sức hấp dẫn về “tính ổn định” nữa thì lấy ưu thế gì để thu hút những người có thực tài? 

Chắc chắn chỉ lòng yêu nghề không thôi là chưa đủ. Liệu chính phủ có thể cải cách tiền lương để đạt đến mức hấp dẫn và cạnh tranh cho nghề giáo như ở nhiều nước khác? 

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, “Việc sắp xếp này không phải giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền”. 

Nhưng sẽ có rất nhiều vấn đề cần đặt ra về chế độ, cơ chế, chính sách và khía cạnh pháp luật khi triển khai chủ trương này. Bởi vì, các giáo viên được vào biên chế Nhà nước đã phải trải qua cả một quá trình công tác, phấn đấu, vượt qua các kỳ thi cử, sát hạch, xét chọn,…, chứ không phải ngẫu nhiên. Cho nên, không thể nói bỏ là bỏ ngay, cào bằng họ với những người mới vào nghề được. 

Hơn nữa, cùng thi vào biên chế như nhau nhưng những người lên làm lãnh đạo thì vẫn nằm trong biên chế (công chức), trong khi các giáo viên (viên chức) bị chuyển trở lại làm hợp đồng, liệu có công bằng? Rồi, “ai” sẽ trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các giáo viên? Với cách cơ cấu và thiết chế của tổ chức công đoàn như ở ta hiện nay, tổ chức này khó mà đảm nhiệm được trọng trách ấy.

Thiết nghĩ, việc trước mắt có thể làm ngay là ngừng biên chế thêm, chấm dứt tất cả các đợt thi cử, xét tuyển giáo viên vào biên chế. Nếu tiến hành thử nghiệm thì nên xây dựng cơ chế để khuyến khích giáo viên “tự nguyện” chuyển từ biên chế sang diện hợp đồng, nhằm phòng tránh những rủi ro và xung đột có thể nảy sinh. 

Nguyễn Thức Tuấn (Nghiên cứu sinh tại Ba Lan)