- Phát biểu tại hội nghị triển khai năm học mới 2017 – 2018 bậc tiểu học tại Phú Thọ ngày 4/8, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu rà soát lại, không được mở rộng nếu chưa đáp ứng yêu cầu cần thiết.

Tại hội nghị, đề cập tới chất lượng giáo viên, ông Nhạ nhận định thời gian qua, công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở bậc tiểu học đã được các địa phương tích cực triển khai, số giáo viên được đánh giá đạt chuẩn (theo chuẩn cũ) khá cao. Bản thân các giáo viên bậc học này cũng năng động để tự trau dồi những phương pháp dạy học mới theo hướng phát huy năng lực của người học.

Mặc dù vậy, nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì cũng còn nhiều giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

{keywords}
Học sinh Hà Tĩnh trong một lớp học VNEN

Dẫn ví dụ từ mô hình trường học mới (VNEN), ông Nhạ cho rằng do chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nên dẫn tới việc triển khai chưa đạt được yêu cầu như mong muốn, dù đây là một phương pháp học tập rất tiến bộ và ưu việt.

“VNEN thời gian qua tạo ra những luồng dư luận băn khoăn, phản đối là bởi khi áp dụng vào thực tiễn, một số trường đã không dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cả về chuyên môn và phương pháp, chưa tính toán thấu đáo quy mô trường lớp, sỹ số học sinh cho phù hợp với phương pháp mới” – ông Nhạ nói.

“Rõ ràng khi đưa một mô hình, phương pháp giáo dục mới vào triển khai, việc đầu tiên phải tính đến là các điều kiện để thực hiện nó, trong đó có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cần thiết”.

Từ đó, đối với mô hình VNEN, ông Nhạ yêu cầu các Sở GD-ĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai. Không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo phương pháp dạy/học mới này.

6.300 trường tham gia VNEN trong năm 2017-2018

Mô hình VNEN được triển khai theo dự án tài trợ kéo dài trong 3 năm của Quỹ Hỗ trợ Giáo dục toàn cầu (GPE) từ tháng 7/2012. Trong năm học 2012 – 2013, mô hình này triển khai tại 1.447 trường tại 63 tỉnh/thành phố. Tới năm 2015 số trường thực hiện trên 4.000 trường trên cả nước.

{keywords}
Mô hình trường học mới đã triển khai với 15% số học sinh tiểu học

Mô hình Trường học mới (Escuela Nueva) của Colombia, Nam Mỹ, do bà Vicky Colbert sáng lập năm 1975. Năm 2009, mô hình này được chính thức giới thiệu Hội nghị Giáo dục khu vực ở CEBU Philipine.

Đặc điểm của mô hình này là hướng tới phát triển năng lực của học sinh và đổi mới phương pháp dạy học, theo định hướng dạy học tích cực theo hướng tổ chức hoạt động cho học sinh.

Theo đó, thay vì học kiến thức từ thầy cô theo kiểu truyền thống, học sinh của mô hình VNEN sẽ chủ động học cá nhân và học tương tác với bạn theo hướng dẫn của SGK, dưới sự theo dõi, chỉ đạo và hỗ trợ của giáo viên.

Tới năm học 2016, sau khi dự án kết thúc, có nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh tại nhiều tỉnh cho rằng mô hình VNEN đã không đáp ứng được kỳ vọng. Một số tỉnh đã có quyết định dừng triển khai mô hình VNEN.

Tuy vậy, theo thống kê, trong năm học 2016-2017, cả nước có 5.621 trường, bao gồm 4.441 trường tiểu học (chiếm 15% học sinh toàn quốc) và 1.180 trường THCS (chiếm 10% học sinh toàn quốc) tham gia nhân rộng mô hình VNEN.

{keywords}

Đến năm học 2017-2018, vẫn có 4.800 trường tiểu học của 58/63 tỉnh thành phố trên cả nước đăng ký triển khai VNEN, chiếm khoảng 18% học sinh toàn quốc (tăng 3% so với năm trước).

Số trường THCS đăng ký tham gia VNEN là 1.500 trường, thuộc 51/63 tỉnh/thành phố, chiếm khoảng 13% số học tinh toàn quốc, tăng 3% so với năm học trước.

Nhiều chuyên gia đánh giá, những giá trị của mô hình VNEN đáp ứng được các yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục phổ thông Việt Nam sau 2015.

Tuy vậy, việc triển khai một mô hình nhà trường mới triển khai sẽ có những bất cập, cần tiếp tục hoàn thiện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm từ mô hình VNEN để phát triển, hoàn thiện các trường phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng.

Lê Văn