Trên trang cá nhân của mình, PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục) nêu vấn đề Giả sử ngành giáo dục thực sự áp dụng chế độ hợp đồng lao động (chứ không phải hợp đồng làm việc theo Luật Viên chức như hiện nay), thì những tiêu chí nào sẽ tạo động lực, là thước đo năng lực cho các nhà giáo? Dưới đây là chia sẻ ban đầu của TS Thơ về vấn đề này.

Tôi nhớ hồi còn dạy ở một số trường phổ thông tôi cũng hơi lo khi mỗi lần nhà trường lấy phiếu tín nhiệm giáo viên. 

Tôi sợ rằng tôi bị đánh giá thấp, mất việc và mất cả uy tín. Tôi hồi hộp, vì không biết những nỗ lực của mình, tiêu chí mình đã đặt ra thì có được "khách hàng" đo ra tương ứng hay không? Hàng năm, khi công bố kết quả, nhiều người trong số chúng tôi thở phào, vì mình được như tâm nguyện, nhưng nhiều người khác (không ít đâu) sốc thực sự, cả chúng tôi cũng sốc. 

Đó là vì, có những giáo viên rất nghiêm túc, đến nỗi họ không chiều lòng học sinh, phụ huynh, lại bị phân dạy những lớp "khó dạy", thế là tỉ lệ "ủng hộ" "yêu thích" thấp. Nhà trường biết vậy, nên không đánh giá thấp người giáo viên bị "oan uổng" đó. Nhưng hậu quả thế nào? Người đồng nghiệp của tôi mất dần niềm tin, tình yêu vào tụi học trò. 

{keywords}
Một giờ học theo mô hình "trường học mới Việt Nam" (VNEN) ở Hà Tĩnh. Ảnh: Hạ Anh

Hóa ra chúng chỉ cần ở chúng tôi sự dễ dãi, điểm cao, xinh đẹp, biết làm chúng vui vẻ. Họ từ chối dạy những lớp "khó dạy", họ thay đổi bản thân chỉ để đáp ứng "khách hàng". Cái tội cho họ nhất mà tôi được chứng kiến, đấy là thi thoảng có người dùng cái "kết quả đánh giá" để dè bỉu đồng nghiệp - không được tín nhiệm cao.

Rồi tôi được biết chúng ta rất quan tâm đến nâng cao năng lực cho giáo viên để nâng chất lượng dạy học. Tiêu chí của chính sách này là giáo viên phải tự nâng cao trình độ. Thế là giáo viên ào ào đi học. Có lẽ vì thế, rất nhiều bằng đại học, thạc sĩ, chứng chỉ,... được cấp. Tôi và nhiều thầy cô cũng như nhau, chúng ta có vô số cái bằng mà chúng ta lại không dùng đến nó trong thực tiễn. Dù học thật hay học giả, nhưng học nghề mà không áp dụng thì cho nghề thì phỏng có chi tác dụng? Tăng lương, khen thưởng chỉ vì biết nhiều có lẽ không bao giờ phù hợp, cũng không nên là tiêu chí để áp dụng trong công việc.

Đánh giá bằng thành tích của học sinh ư? Nhiều trường bây giờ đang áp dụng như thế. Thành ra, giáo viên tìm mọi cách để ép học sinh được thành tích cao. Hôm qua, cô em cũng làm giáo viên tiểu học chia sẻ: trường em năm nay thành tích không bằng năm ngoái, hiệu trưởng đã mắng giáo viên thậm tệ. Nhưng chị biết không, tụi học trò có học ở giáo viên không đâu, nó học thêm chừng 2 ca nữa sau khi ở trường về, còn học ở những thầy cô giáo bên ngoài nữa. Có thành tích cũng không phải chỉ của mình chúng em. Không có thành tích cũng không phải lỗi của riêng chúng em.

Những năm gần đây, ngành ta rất tích cực trong thể chế hóa việc đo lường chất lượng.

Chúng ta có chuẩn nghề nghiệp giáo viên, có đánh giá thi đua khen thưởng, ...

Đặc biệt, chúng ta chuyển sang chế độ Hợp đồng làm việc theo luật viên chức. Nhưng đại đa số các giáo viên chẳng cần biết cái luật đó, hợp đồng đó tạo ra sư thay đổi gì. Vì họ vẫn nghĩ là "làm cho nhà nước", cho :ổn định", và "rất có cơ hội kiếm thêm".

Để tạo ra động lực cho giáo viên, chúng ta có đánh giá, tự đánh giá. nhưng chúng ta soi vào đó, và tự làm cho giống nhau.

Tôi có dự vài cuộc seminar trong những ngày gần đây, câu hỏi tập trung "động lực" cho thay đổi chất lượng giáo dục là gì nhỉ? Giáo viên có nên cạnh tranh với nhau hay không?

Anh bạn đồng nghiệp trẻ dẫn cho tôi một nghiên cứu của ĐH chính trị London và Oxford được tài trợ bởi quỹ Ukaid (mới công bố tháng 3/2017), ở đó, người ta nói rằng: giáo dục là ngành phi kinh tế.

Không thể đo lường chất lượng công việc của các giáo viên như những người thợ khác. Vì sản phẩm của họ không phải là chiếc điện thoại, để khi bàn giao sản phẩm, người ta kiểm tra và biết ngay chiếc điện thoại đó lỗi ở đâu.

Giáo viên dạy giỏi, cũng không thể đo bằng thành tích của học sinh. Vì không phải ai may mắn cũng tìm được học sinh giỏi có tiềm năng để dạy. Giáo viên tốt cũng không thể chỉ đo bằng sự hài lòng của phụ huynh và học sinh.

Năm 2013, Indonesia tăng lương gấp đôi mà chất lượng giáo dục không tăng (tôi chợt liên hệ đến nhiều đồng nghiệp, bây giờ nếu tăng lương cho họ lên 20 triệu đồng/tháng, họ cũng vẫn đi dạy thêm như bây giờ)...

Nghiên cứu ấy chỉ ra rằng, chất lượng đầu vào mới là điều kiện quyết định cho chất lượng nghề nghiệp. Tức là nếu họ tuyển được những người giỏi vào nghề sư phạm thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ có những thầy giáo giỏi. Còn nếu họ đã là những người không giỏi, mà vẫn là giáo viên, thì có tạo ra cạnh tranh, có tăng lương, ... thì cũng khó mà thay đổi họ.

  • Chu Cẩm Thơ