Đó là một trong những nội dung của Nghị quyết 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế mà Chính phủ vừa ban hành.

{keywords}
Đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng giáo viên. Ảnh: Thanh Hùng

Theo quy định của Chính phủ, việc bố trí viên chức phải bảo đảm định mức giáo viên/lớp, học sinh/lớp. Tuy nhiên, các định mức này hiện nay chưa phân biệt giữa các vùng đô thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đều được ban hành trước khi có Nghị quyết 19-NQ/TW nên đến nay không còn phù hợp với thực tiễn. Việc thực hiện xã hội hóa hoạt động giáo dục mầm non, phổ thông cũng còn chậm.

Do vậy, mặc dù Chính phủ đã bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh có mức tăng dân số cơ học cao và 5 tỉnh Tây Nguyên nhưng vẫn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp giáo dục.

Để giải quyết khó khăn trước mắt cho các Bộ, ngành, địa phương và bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” trong khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện một số giải pháp.

Đó là, cho phép đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao. Đồng thời, đơn vị phải tăng mức trích lập vào quỹ phúc lợi đủ để giải quyết chế độ, chính sách cho số hợp đồng lao động này khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được giao và theo định mức quy định của Bộ GD-ĐT. 

Giải pháp này nhằm để các đơn vị kịp thời thay thế số giáo viên và viên chức y tế nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).

{keywords}
Phải bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. Ảnh: Thanh Hùng

Hằng năm, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức tuyển dụng để thay thế cho số giáo viên còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao. Không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng đối với vị trí việc làm giáo viên.

Đối với cấp học mầm non, tiểu học tại các địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phải bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy 2 buổi/ngày theo quy định.

Thực hiện điều này sẽ tránh tình trạng các địa phương kéo dài hợp đồng với giáo viên như đã xảy ra thời gian qua. Nhiều địa phương còn chỉ tiêu biên chế, nhưng vì lý do năm học không trùng với kỳ tuyển dụng, hay đang ở giữa kỳ lại có người về hưu, nghỉ thai sản, thành ra thiếu giáo viên.

Trước thông tin này, bà Vũ Thị Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Bình (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: "Tôi đang lo vì năm nay vừa có 3 giáo viên nghỉ hưu, 1 cô giáo nghỉ sinh, trường có khả năng thiếu giáo viên đứng lớp, và sẽ rất bất cập nếu không được tuyển giáo viên hợp đồng. Thông tin này giúp tôi yên tâm hơn".

Theo bà Chi, nghị quyết này tháo gỡ cho các trường thiếu giáo viên, đặc biệt là các trường mầm non. Vì vậy, bà hi vọng địa phương sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện ngay trong tháng 7 này để giúp tháo gỡ khó khăn về nhân lực trước thềm năm học mới.

Thanh Hùng

 

Bộ Giáo dục nói về chính sách tiền lương của giáo viên mầm non

Bộ Giáo dục nói về chính sách tiền lương của giáo viên mầm non

Giáo viên mầm non có bằng đại học nhưng vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng. Vì sao?