Trưa ngày 21/1, nhận được điện thoại chúc mừng vì được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2020 là lúc cô Huỳnh Thị Phương Thảo (Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vừa kết thúc buổi dạy sáng. 

Cô Thảo hết sức bất ngờ vì “Mình dạy học suốt từ sáng tới giờ, còn chưa đọc báo”.

Cô Huỳnh Thị Phương Thảo là giáo viên tiểu học duy nhất trong số 18 nhà giáo nhận danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” năm 2020.

"Thấy học sinh yếu, tôi không nỡ rời đi"

Cô Thảo nói mình theo nghề "gõ đầu trẻ" bởi cả hai bên gia đình nội ngoại đã từng có rất nhiều người đi dạy.

“Thấy các dì, các cậu đi dạy, tôi rất thích nên sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi quyết định theo ngành sư phạm”.

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, cô Thảo được phân công về công tác ở Trường Tiểu học Việt Lâm.

{keywords}
Nhà giáo nhân dân Huỳnh Thị Phương Thảo. Ảnh: Báo Long An

Lúc bấy giờ, Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông là một trong những ngôi trường thuộc vùng sâu và khó khăn nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Khi đó, cô cũng không thể hình dung được mình sẽ gắn bó với nơi này đến ngày hôm nay.

"Bây giờ, đường xá đã thuận tiện chứ trước đó, để đi được tới trường là khá khó khăn. Cơ sở vật chất không có gì, ngồi phòng học này nhìn được sang phòng học kia..." - cô Thảo nhớ lại khi được Phòng Giáo dục phân về trường, cô không dạy ở trường chính ngay mà dạy ở điểm trường lẻ. Ở đây, trường chỉ dạy đến lớp 4, vì học sinh lớp 5 sẽ về điểm chính học.

Trường nghèo, học sinh cũng đa phần nghèo khó. Theo lời cô Thảo, sau này một số gia đình có thêm nghề nuôi tôm, chứ trước đó, và cả bây giờ, phụ huynh chủ yếu đi ghe, đi thuyền kiếm sống. Vì thế, họ ít có thời gian chăm sóc con cái.

“Học sinh của mình nhiều em chỉ ở với ông bà nội, ngoại, do ba mẹ còn bận đi kiếm sống. Ba mẹ không có thời gian, ông bà đa số không biết gì để kèm cặp cháu, nên học sinh vùng này hơi yếu, dạy cực hơn giáo viên ở thành phố” – cô Thảo chia sẻ.

{keywords}
Cô Thảo có nhiều sáng kiến trong việc giảng dạy. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, cô đã gắn bó tới nay là 29 năm ở ngôi trường vùng sâu này.

“Mình cũng không muốn xin về dạy ở gần nhà. Mình dạy quen rồi không muốn đi nơi khác, cũng vì rất thương học sinh nơi đây. Dù biết dạy ở thành phố sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng thấy học sinh yếu, tôi không nỡ rời đi”.

Cô giáo của sự sáng tạo

Sự tận tụy, tâm huyết với nghề thể hiện qua việc cô Thảo luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

Việc kiểm tra đánh giá học sinh được cô thực hiện khách quan, công bằng theo đúng theo chuẩn kiến thức và kỹ năng.

Bên cạnh đó, cô Thảo rất sáng tạo trong việc sử dụng đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Ngoài những thiết bị có sẵn của trường, cô còn sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học mới để tiết học trở nên mới mẻ, đa dạng hơn.

Những bài giảng được cô Thảo soạn bằng giáo án điện tử đã khiến cho các tiết học trở nên sinh động.

Cô Thảo còn được đồng nghiệp đánh giá cao vì luôn áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy hiệu quả như: Phương pháp bàn tay nặn bột, sơ đồ tư duy, kỹ thuật mảnh ghép… Qua đó, khiến học sinh hào hứng trong học tập, bước đầu có thói quen nghiên cứu khoa học, biết thực hành thí nghiệm để rút ra kiến thức, hiểu và nhớ nội dung bài học.

{keywords}
Nhà giáo nhân dân Huỳnh Thị Phương Thảo đã gắn bó với Trường Tiểu học Việt Lâm suốt 29 năm qua. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, là một số sáng kiến kinh nghiệm như: “Giúp học sinh yếu giải toán điển hình “Tìm hai số khi biết hiệu và tỉ số của hai số đó””, “Một số kinh nghiệm giảng dạy các yếu tố hình học lớp 4”, “Một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp”, "Phương pháp thảo luận nhóm, tổ chức trò chơi nhằm nâng cao hứng thú học tập môn Lịch sử cho học sinh lớp 4" …

Học sinh nghèo, nên cô Thảo còn nhiệt tình tham gia vận động các "mạnh thường quân" ủng hộ sách, vở cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em an tâm học tập…

Nếu như ở nhiều trường tiểu học của các thành phố lớn, mỗi khi tổng kết học kỳ thường thấy rất nhiều học sinh giỏi thì ở ngôi trường vùng sâu này, học sinh đạt học lực trung bình đã là cả một sự nỗ lực của cả thầy và trò. Những năm học qua, các lớp học do cô Thảo chủ nhiệm có 100% học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên, trong đó có nhiều học sinh khá, giỏi.

Sau 29 năm theo nghề dạy, nhiều học trò của cô Thảo đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định, đóng góp cho xã hội.

“Đó là điều khiến tôi hạnh phúc” - cô Thảo bày tỏ.

Cô giáo Huỳnh Thị Phương Thảo (sinh năm 1971) nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp huyện và tỉnh, 5 lần được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện.

Năm 2010, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Năm 2020, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Năm 2021, cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Ngân Anh

18 nhà giáo được phong tặng danh hiệu 'Nhà giáo Nhân dân'

18 nhà giáo được phong tặng danh hiệu 'Nhà giáo Nhân dân'

18 nhà giáo trên cả nước đã được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” vì có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc.