- Bảo vẽ thuyền thì trẻ vẽ gà, bé quá bướng bỉnh và quậy phá hay quá hăng hái trong lớp học,... là những tình huống dở khóc dở cười mà các cô giáo mầm non thường xuyên phải đối mặt mỗi ngày.

Những tình huống sư phạm này cũng được ban giám khảo đưa ra để thử thách thức khả năng xử lý linh hoạt của các cô giáo tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 vừa qua.

{keywords}
Các cô giáo đã thể hiện khả năng xử lý tình huống sư phạm tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017.

Trong phần thi xử lý tình huống sư phạm với những câu hỏi mang tính áp dụng thực tiễn đòi hỏi khả năng chuyên môn, các cô giáo đã đưa ra nhiều biện pháp, cách thức để ổn định lớp học được ban giám khảo đánh giá khá cao.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàn Hồng (Trường Mầm non Hoa Hồng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đứng trước tình huống trong giờ tạo hình, cô giáo yêu cầu cả lớp vẽ con thuyền trên biển nhưng một bé lại vẽ con gà. Mặc cô giáo nhắc nhở nhưng bé vẫn tiếp tục vẽ con gà.

Trước tình huống nay, cô Hồng đưa ra hướng xử trí là sẽ đến bên cạnh bé nhưng không dừng hẳn hoạt động vẽ con gà của bé lại mà sẽ tìm hiểu nguyên nhân bằng cách hỏi trẻ về yêu cầu: “Giờ học hôm nay cô yêu cầu con vẽ gì nhỉ? À thế con đang vẽ cái gì và tại sao con lại vẽ con gà?”.

Theo cô Hồng việc này có thể có nhiều nguyên nhân. Có thể do bé chưa tập trung chú ý hoặc cũng có thể sở thích của bé là vẽ con gà.

“Nhưng nếu mình khuyên để hướng trẻ vào bài nhưng trẻ vẫn quyết định vẽ con gà thì tôi vẫn sẽ để trẻ vẽ. Đến cuối giờ nhận xét sản phẩm, tôi sẽ nhận xét toàn bộ các sản phẩm của các bạn trong lớp và dừng lại ở sản phẩm của bé và phân tích “cô thấy con vẽ con gà cũng rất đẹp nhưng cô nghĩ con vẽ con thuyền có thể còn đẹp hơn. Giờ học hôm nay chưa thực hiện được thì con có thể về nhà hoàn thành bài vẽ con thuyền để ngày mai con mang lên lớp khoe với cô và các bạn. Nhưng giờ học hôm sau con nhớ thực hiện đúng yêu cầu của cô nhé. Đó có thể cũng là lời nhắn nhủ tới tất cả các bé trong lớp”, cô Hồng chia sẻ.

Việc xử lý tình huống khéo léo của cô Hồng nhận được những cái gật đầu hài lòng của ban giám khảo và phần thi này cũng giúp cô đạt giải Nhì chung cuộc hội thi.

Cô Ngô Thị Yến Nhi (Trường mầm non Sen Hồng, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) gặp thử thách khi học trò quá hăng hái trong lớp, đến nỗi mất phần của các bạn khác.

“Trong giờ dạy đọc thơ, bé Hùng giờ tay xin đọc và cô giáo gọi bé lên. Một lúc sau bé lại giơ tay xin đọc nữa. Chưa dừng lại ở đó, bé lại tiếp tục xin đọc nhiều lần nữa. Trong tình huống này cô giáo sẽ xử lý như thế nào để các bé khác cũng được tham gia?”, ban giám khảo đặt câu hỏi.

Cô Yến Nhi đưa ra hướng xử trí có thể lần đầu tiên sẽ mời bé đọc thơ, nhưng sau 1-2 lần sau bé vẫn tiếp tục xin được đọc thì cô sẽ nói với bé: “Cô thấy con đọc thơ rất hay rồi nhưng trong lớp mình còn nhiều bạn khác đọc thơ hay nữa, vậy con thử lắng nghe xem các bạn khác đọc thơ như thế nào nhé?”

Qua đó để bé hiểu rằng cô muốn cả cô và trô cũng nghe giọng thơ của những bạn khác nữa.

“Nếu như bé vẫn tỏ ý vẫn muốn đọc thơ nữa thì mình có thể nói với bé rằng đến giờ học buổi chiều cô sẽ cho con được đọc thơ. Như vậy bé sẽ không đòi nữa”, cô Yến Nhi nói.

Trường hợp bé muốn đọc nhiều lần, cô giáo Thu cho biết giáo viên cũng có thể sẽ chia lớp thành các nhóm học sinh và mời bạn Hùng vào một nhóm để bạn Hùng được đọc thơ cho các bạn và có thể được đọc nhiều lần.

Tình huống thử thách cô giáo Nông Thị Thu (Trường Mầm non Quang Vinh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) là vào năm học đã được gần 1 tháng, ở lớp mẫu giáo nhỡ 4-5 tuổi, cô nhận thấy bé Hoàng rất bướng bỉnh và hay dành đồ chơi của các bạn, đôi khi hung hăng, quậy phá đánh bạn. Nhiều khi bé còn nhảy lên nhảy xuống, chạy khắp chỗ này đến chỗ khác nhưng có lúc lại ngồi một mình không tham gia hoạt động nào. Hôm nay Hoàng lại quậy phá đồ chơi của bạn.

Theo cô Thu đây là một tình huống cũng thường hay xảy ra trong lớp học và để đưa trẻ vào nề nếp thì rất cần có sự định hướng của giáo viên.

Với trường hợp này cô Thu cho rằng nên nhẹ nhàng, ân cần đến bên bé, trò chuyện và nói bé với rằng: “Hôm nay các bạn đang tham gia hoạt động ở góc âm nhạc rất vui, tại sao con lại không ra cùng chơi với các bạn nhỉ”.

Cùng đó, cô giáo có thể phân tích cho trẻ rằng việc trẻ nghịch phá đồ chơi như vậy sẽ làm chúng có thể bị hư hỏng và chẳng ai có thể chơi được nữa. “Tôi sẽ khuyên con sang chơi với các bạn và thử hỏi nếu con thích sẽ mời các bạn đến chơi cùng với con. Qua đó hướng con vào hoạt động vui chơi”.

Theo cô Thu, ngoài việc khuyên nhủ, cô giáo có thể tìm hiểu sở thích của bé qua đó tìm ra các trò chơi phù hợp để thu hút sự chú ý, gây hứng thú với trẻ và khiến trẻ đỡ quậy phá.

Những phần xử lý tình huống của các giáo viên trên đều đạt giải cao tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 dành cho khối mầm non.

Đây đều là những giáo viên tiêu biểu, xuất sắc đã vượt qua các vòng thi từ cấp cụm, cấp khu vực đến cấp tỉnh, thành phố, để trở thành đại diện tham gia Hội thi cấp toàn quốc.

Thanh Hùng