- Người giáo viên giỏi khi đứng trên bục giảng không chỉ trao truyền kiến thức mà đôi khi trở thành những nhà xử lý tình huống không hề có sẵn kịch bản.

Những tình huống sư phạm này cũng được ban giám khảo đưa ra để thử thách thức khả năng xử lý linh hoạt của các cô giáo tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 vừa qua.

Trong phần thi xử lý tình huống sư phạm với những câu hỏi mang tính áp dụng thực tiễn đòi hỏi khả năng chuyên môn, các cô giáo đã đưa ra nhiều biện pháp, cách thức để ổn định lớp học được ban giám khảo đánh giá cao.

Cô giáo Trần Thị Hiền (tỉnh Hòa Bình) đứng trước tình huống trớ trêu khi một hôm vì có việc đột xuất nên cô đã đến lớp muộn 10 phút và khi vừa bước đến cửa lớp cô nghe rõ tiếng học sinh trong lớp đang reo hò vì tưởng cô giáo không đến dạy.

Với tình huống này, cô Hiền đưa ra hướng xử trí: “Trước hết tôi sẽ bước vào lớp với một tác phong hết sức bình tĩnh và khi đã ổn định lớp học xong tôi sẽ xin lỗi cả lớp và chia sẻ lý do vì việc mình đến muộn. Bởi dù có hợp lý hay không thì việc đến muộn của cô đã làm ảnh hưởng đến giờ học của cả lớp và của nội quy ra vào lớp của nhà trường. Sau đó tôi sẽ nhanh chóng ổn định lớp học để tiếp tục bài giảng của mình một cách trọn vẹn để truyền tải cho các em đầy đủ kiến thức trong nội dung bài học ngày hôm đó”.

Cuối giờ học, cô giáo sẽ nhẹ nhàng nới với học sinh rằng, tuy các em đang ở trong độ tuổi có những hành động bột phát như vậy nhưng nên tôn trọng các lớp bên cạnh. “Tôi sẽ giải thích để các em hiểu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến giờ học của những lớp bên cạnh. Những lần sau các em nên ngồi trật tự hoặc cử bạn lớp phó phụ trách học tập lên gặp ban giám hiệu để đề nghị giáo viên lên dạy lớp”, cô Hiền nói.

Cô giáo Lê Phan Quỳnh Trang (Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng) gặp tình huống một hôm khi cô bước vào lớp, cả lớp đều đứng lên rất ngay ngắn để chào cô, nhưng cuối lớp có một học sinh vẫn ngồi yên.

Cô Trang cho rằng đây là một tình huống mà bất cứ giáo viên nào cũng có thể gặp phải và bản thân cô cũng đã gặp tình huống này trên thực tế. “Khi thấy học sinh không đứng dậy chào mình, tôi sẽ rất dịu dàng để nhắc nhở em đứng dậy chào cô. Và tôi sẽ nói cảm giác của cô khi bước vào lớp là rất vui khi được gặp lớp mình và cô cũng hy vọng rằng các em cũng có cảm giác đó. Cô luôn tôn trọng và chào các em khi vào lớp nên cô cũng rất hy vọng các em sẽ luôn giữ thái độ đó với cô.

Tôi tin rằng bằng thái độ dịu dàng nhưng nghiêm khắc thì các em học sinh sẽ đứng dậy chào mình”.

Theo cô Trang, đây là một hiện tượng dễ gặp ở học sinh, nên ngoài việc xử lý tình huống ngay lúc ấy thì sau đó trong quá trình dạy học cô cũng sẽ quan sát, chia sẻ và quan tâm đến em học sinh đó cũng như các học sinh trong lớp để cô trò có thể hiểu nhau hơn. Qua đó, tạo mối quan hệ tốt giữa cô và trò. Cô Trang tin rằng với sự tâm huyết, yêu thương, chia sẻ, động viên thì giữa cô và trò sẽ có những văn hóa ứng xử phù hợp không chỉ ở việc chào nhau.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân (Trường THPT Trần Văn Ơn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đứng trước tình huống trong giờ sinh hoạt do cô chủ nhiệm, một số học sinh nêu ý kiến với cô rằng nội dung sinh hoạt lớp sơ sài, rập khuôn quá các em không thích.

Trước tình huống này, cô Vân cho biết việc đầu tiên là phải xem xét lại nội dung của mình khi sinh hoạt lớp. “Nội dung sinh hoạt lớp không phải chỉ đến từ giáo viên chủ nhiệm mà phải được sự cộng tác, tương tác của tập thể lớp. Do đó tôi phải cải thiện bản thân mình để làm sao đó thu hút, kêu gọi được học sinh tham gia vào công tác chủ nhiệm lớp của mình để buổi sinh hoạt lớp thêm phần sinh động”, cô Vân nói.

Do đó, theo cô Vân, trước tiên nếu bản thân nhận thấy nội dung sinh hoạt quá sơ sài thì yếu tố đầu tiên là do giáo viên chủ nhiệm thiếu trách nhiệm, thiếu tập trung chuyên môn và không có sự đầu tư kỹ cho tiết sinh hoạt. “Như vậy thì tôi sẽ nhận lỗi trước. Còn nếu bản thân mình thấy đã tổ chức tốt rồi mà các em nhận xét không đúng thì tôi sẽ có buổi nói chuyện với các em để các em đóng góp ý kiến cho cô để có những tiết sinh hoạt có nhiều hoạt động sinh động, thu hút sự tập trung của các em”. Cô Vân khẳng định, quan trọng nhất vẫn là giáo viên chủ nhiệm phải làm sao để thu hút học sinh tham gia.

Những phần xử lý tình huống của các giáo viên trên nhận được những cái gật đầu từ phía ban giám khảo và đều đạt giải cao tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 dành cho khối Trung học.

Đây đều là những giáo viên giỏi tiêu biểu, xuất sắc đã vượt qua các vòng thi từ cấp cụm, cấp khu vực đến cấp tỉnh, thành phố, để trở thành đại diện tham gia Hội thi cấp toàn quốc.

Thanh Hùng​​​​