Nếu học sử là học tập để kế thừa tinh hoa hào khí dân tộc, để trân trọng những bài học cha ông để lại và tránh sa vào những vết xe đổ của thế hệ đi trước, để nâng niu và sâu sắc giá trị của chính bản thân mình khi được sinh ra, lớn lên trên đất nước Việt Nam, thì nên thẳng thắn nhìn nhận rằng: Điểm sử thấp, học sử kém, tình yêu với lịch sử nông cạn đồng nghĩa với tình yêu đất nước cũng thấp lè tè như ngọn cỏ(?)

TIN LIÊN QUAN
Môn sử được dạy trong các trường phổ thông một cách máy móc và ghi chép. Một môn học mà không thể khuyến khích và bồi dưỡng cả lý thuyết và kỹ năng là lỗi của nền giáo dục, của người thầy đứng trên bục giảng, của những quyển sách giáo khoa khô khan và chi chít sự kiện.

Những năm gần đây, điểm thi môn Lịch sử của đa số thí sinh tốn không ít giấy mực của báo chí cũng như khiến nhiều người trong ngành giáo dục phải đau đầu. Nguyên nhân là do “lỗi” của người học hay lịch sử là ngành học kén người?

Đã có không ít cuộc hội thảo diễn ra nhằm mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó: chương trình học nặng nề, nào là giáo viên không say mê, nào là học sinh không có mấy nhu cầu về môn này trong việc xây dựng sự nghiệp tương lai của mình bằng các môn tự nhiên...

Thêm vào đó, nhiều người nhìn nhận rằng sử Việt Nam chỉ nói nhiều tới thắng lợi chứ chẳng mấy khi đề cập đến thất bại, điều này dễ khiến học trò có tâm lý “chẳng cần học cũng biết”. Tóm lại là toàn những lý do góp phần đẩy quả bóng trách nhiệm ra xa hơn chân các vận động viên chính thức trong trận cầu với dân tộc.

Còn một lý do mà có lẽ chưa ai dám nhắc tới khi đi tìm nguyên nhân của hiện tượng điểm môn Lịch sử nằm thoi thóp. Phải chăng, cái lý do này đã đụng chạm tới niềm tự hào, ánh hào quang sáng loà loà trong quá khứ của họ? Hoặc là sự bảo thủ cùng tính cố chấp trong các quyết định liên quan tới vận mệnh đất nước đã phần nào lấn át sự sáng suốt khi nghĩ tới tuổi thọ của dân tộc Việt Nam?

Nếu học sử là học tập để kế thừa tinh hoa hào khí dân tộc, để trân trọng những bài học cha ông để lại và tránh sa vào những vết xe đổ của thế hệ đi trước, để nâng niu và sâu sắc giá trị của chính bản thân mình khi được sinh ra, lớn lên trên đất nước Việt Nam, thì nên thẳng thắn nhìn nhận rằng: Điểm sử thấp, học sử kém, tình yêu với lịch sử nông cạn đồng nghĩa với tình yêu đất nước cũng thấp lè tè như ngọn cỏ(?)

Khi tình yêu đất nước cũng bị quản lý thì việc sử dụng chữ “nồng nàn” phải chăng là xa xỉ?

Khi niềm tin vào một “khối đại diện cho cả dân tộc” bị lung lay thì niềm tin vào những trang sử chói ngời có còn vững chắc?

Khi tư tưởng đã được bao cấp, người dân được dạy  dỗ những khái niệm cùng khẩu hiệu trống rỗng thì đi tìm lý tưởng cho riêng mình cũng đã khó, nói gì tới nhu cầu thấm thía ý chí của cha ông?

Và tới khi trật đường ray, diễn giải dưới quan điểm kinh tế thị trường thì mọi thứ đã ở vào thế không thể kiểm soát nổi: “Ông nói gà bà làm vịt”.

Đương nhiên, tình yêu với môn học Lịch sử cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Rõ ràng là lịch sử là một ngành học “kén người” trong xã hội hiện nay -  một xã hội đang công nghiệp hóa- hiện đại hóa, một xã hội nhấn mạnh nhu cầu phát triển kinh tế hơn là nhu cầu phát triển các ngành khoa học cơ bản, trong đó có sử học.

Người học sử nói riêng và học khoa học cơ bản nói chung khó tìm được một việc làm ổn định phù hợp với chuyên môn, chưa kể là thu nhập không thể bằng các ngành kinh tế, kỹ thụât hay dịch vụ khác. Đó là thực tế.

Thực tế đó dẫn đến các em học sinh không mặn mà gì với môn sử. Khi mà ngay từ chính gia đình các em, bản thân cha mẹ  đã xem nhẹ môn sử thì làm sao các em có thể học tốt được môn này.

Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Có thể nói là mang tính quyết định, nhất là khi các em còn mẫu giáo, cấp 1. Lời nói của cha mẹ, ông bà của bà con thân thuộc góp phần hình thành nhân cách và cả đam mê môn học cho các em. Đa phần là định hướng luôn cho con cháu trong việc học. Nếu những định hướng đó đúng đắn thì sẽ góp phần tạo nên những sản phẩm giáo dục tốt và ngược lại.

Bên cạnh đó, ta có thể thấy với những đặc trưng của mình ,sử học làm cho học sinh ngán ngẩm. Đó là thực tế giáo dục, có thể xem nó bắt nguồn từ thực tế xã hội như trên. Một cái là gốc, một cái là ngọn!

Môn sử được dạy trong các trường phổ thông một cách máy móc và ghi chép. Một môn học mà không thể khuyến khích và bồi dưỡng cả lý thuyết và kỹ năng là lỗi của nền giáo dục, của người thầy đứng trên bục giảng, của những quyển sách giáo khoa khô khan và chi chít sự kiện.

Sử học là thế ư? Không phải. Sử học tư duy, suy luận logic không kém gì toán học, bởi nếu không tư duy làm sao bạn có thể rút ra được ý nghĩa của sự kiện lịch sử, bài học của lịch sử.

Lịch sử chỉ là “môn thuộc bài” chính là lý luận của người dạy và bộ phận xã hội khi đánh giá và ép buộc nó vào nhận thức của người học sinh. Dĩ nhiên, trí nhớ là điều cần thiết trong sử học (nhưng học môn nào mà không phải thuộc lòng) nhưng không phải là cái cốt lõi.

Tôi nghĩ bản thân các em học sinh đều yêu mến quê hương đất nước này, đều yêu mến tổ tiên, cha ông của mình. Nếu như thế thì không lý gì không yêu mến lịch sử, môn lịch sử. Khi môn học này cho chúng ta biết được quá trình hình thành và phát triển của đất nước chúng ta, của cha ông chúng ta.

Những trang sử thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt mà cũng đầy vinh quang. Chính chúng ta, nhất là những nhà hoạch định giáo dục, đã lãng quên lịch sử, đã quay lưng lại với chính quá khứ của cha ông mình. Cái chúng ta cần làm là khơi gợi cái niềm đam mê khám phá của các em.

Những lời cảnh báo và dư luận trong nhiều năm gần đây đã góp phần thức tỉnh sự quan tâm của toàn xã hội, của các nhà giáo dục đối với môn Lịch sử. Đó là điều đáng mừng, bởi công việc thay đổi nhận thức về sử học, chấn hưng sử học trong giáo dục mà nhất là nâng cao nhân thức của học sinh, sinh viên về lịch sử thật không phải là chuyện sớm muộn.

Câu chuyện giáo dục là câu chuyện thế hệ, có thể 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa nhưng phải bắt đầu ngay từ vĩ mô đến vi mô.

Đến khi nào xã hội không còn quay lưng lại với lịch sử, giáo dục chăm lo cho môn học này thoát khỏi cảnh môn phụ, tuần học một tiết, khi không thi tốt nghiệp thì đọc chép cho xong thì mới có chút gì đó về lịch sử đất nước ta trong tâm trí các em học sinh, sinh viên - những tương lai của đất nước.

  • Trần Anh Tuấn