{keywords}
 

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc là một trong những giáo viên đã góp phần lên tiếng về sự bất thường về gian lận của kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Thầy vừa trải qua một năm đầy bận rộn. Với giáo viên dạy trực tuyến, số lượng học sinh bao giờ cũng rất lớn, lượng tương tác lớn. 

Học sinh từ những vấn đề nhỏ nhặt như bài tập, thủ tục giấy tờ, vấn đề liên quan đến thi THPT quốc gia, tuyển sinh... đến chuyện trường lớp, thậm chí những câu chuyện rất riêng tư về chuyện tình cảm,  lựa chọn nghề nghiệp, định hướng tương lai...

Ngoài ra, năm nay sự cố gian lận thi cử ở một số địa phương "là một trải nghiệm rất đáng nhớ trong quãng đời làm nghề của tôi. Đó là một sự cố tác động về mặt tinh thần rất lớn và kéo dài trong nhiều tháng, từ khi nhận thông tin phản ánh tiêu cực cho đến khi tôi thông tin lại với xã hội, báo chí và rồi những ngày hồi hộp chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng".

Thầy Ngọc chia sẻ "trong sự việc này, tôi vô tình trở thành một người trong cuộc". Sự lan tỏa khủng khiếp của mạng xã hội, hơn cả những gì mà mình hình dung, đã gây sức ép, áp lực tâm lý khá nặng nề mà chính bản thân anh cũng muốn thoát ra, bởi phải “đóng vai” một người trong cuộc là rất mệt mỏi.

Chia sẻ với VietNamNet, thầy Ngọc nói dư âm của vụ việc đã “nguội” bớt đi rất nhiều, nhưng vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, bởi cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. 

Có điều gì khiến anh tiếc nuối trong năm qua không? 

- Trong xã hội mà sự tác động của công nghệ ngày càng lớn, đòi hỏi người ta phải dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Muốn có sự thay đổi tích cực trong công việc thì bao giờ cũng phải cân đối giữa làm việc và học tập để bổ sung. Nhưng vì công việc quá bận rộn nên năm vừa rồi tôi chưa dành được nhiều thời gian cho việc này.

Thi THPT quốc gia 2019 vẫn là "bài toán khó"

Anh có dự đoán gì về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019?

- Những gì Bộ GD-ĐT đang điều chỉnh có thể nói là tương đối hợp lý. Các lỗ hổng lộ ra ở kỳ thi năm ngoái về cơ bản đã được khắc phục, và tôi hy vọng mọi việc sẽ ổn định theo hướng tốt hơn.

Tuy nhiên, bài toán rất khó với Bộ là cân đối giữa 2 mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Điều này khiến cho đề thi còn rất nhiều diễn biến khó lường.

Khó quá như năm ngoái thì dở, nhưng nếu điều chỉnh không khéo lại quay về câu chuyện của năm 2017 là đề thi dễ quá, điểm chuẩn các trường lại cao vọt lên kéo theo nhiều xáo trộn khác. Trước mắt, nếu theo như đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT công bố thì rủi ro đó hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngoài ra, một trong những thay đổi quan trọng của năm 2019 là việc xét công nhận tốt nghiệp THPT khi Bộ GD-ĐT dự kiến thay đổi tỷ lệ tính, với 70% điểm thi THPT quốc gia và 30% là kết quả học tập THPT.

Ở Việt Nam, kết quả học tập ghi trên học bạ không thực sự đáng tin cậy. Cơ chế để giám sát không chặt chẽ khiến người ta rất dễ tác động vào để con số đấy trở nên đẹp hơn. Điều chỉnh của Bộ có mục tiêu khắc phục điều đó, nhưng không thực sự triệt để.

Bởi thực tế qua học kỳ 1 vừa qua, theo phản ánh của học sinh từ nhiều địa phương khác nhau với tôi, thì tình trạng nâng điểm còn nhiều. Ví dụ, có lớp 45 học sinh, những năm trước dao động khoảng 15 học sinh giỏi thì năm nay tăng lên 35 em. Như vậy, biện pháp của Bộ có vẻ chỉ đáp ứng mong muốn chủ quan, còn kết quả thực tiễn thì vẫn có chỗ cho tiêu cực.

Tất nhiên, không thể có một tỷ lệ nào là tuyệt đối. Do đó, cần phải có biện pháp kết hợp. Một mặt thay đổi trọng số, nhưng nó cũng không phải là lâu dài.

Bởi thực ra, kết quả đánh giá quá trình mới là quan trọng, còn việc dồn tất cả mọi đánh giá 12 năm vào một kỳ thi là rất rủi ro, vì có thể có những học sinh hôm thi gặp vấn đề về tâm lý, sức khỏe nên làm bài không tốt như thực lực vốn có.

Chưa kể hiện nay, nhiều trường ĐH còn xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Nhưng để việc đánh giá quá trình trở nên tin cậy, chính xác thì cần có cơ chế giám sát.  

{keywords}
 

Có điều gì khiến anh còn trăn trở không?

- Vụ gian lận thi cử năm qua khiến cho lòng tin của xã hội với kỳ thi THPT quốc gia bị ảnh hưởng nhiều.

Suốt cả một giai đoạn đầu năm học, sau khi sai phạm được công bố, tôi có cảm giác rất nhiều giáo viên, học sinh ở địa phương hơi nản, không tin vào sự công bằng của kỳ thi và suy giảm động lực trong việc dạy học.

Sau đó, Bộ công bố rất nhiều thông tin về điều chỉnh thi. Bên cạnh đó còn có sự thay đổi của các trường đại học trong công tác xét tuyển.

Với góc độ là người theo dõi kỳ thi THPT quốc gia liên tục và lâu năm, tôi thấy về cơ bản là ổn định, sự thay đổi chỉ là những cái tiến là nhỏ, nhưng người dân bình thường thì sẽ có cảm giác “loạn” bởi không cập nhật thường xuyên.

Khi đó, nếu không tìm hiểu thấu đáo, sẽ rất dễ “dính” các thông tin giả, sai, đặc biệt khi trên mạng xã hội số lượng tin kiểu này rất nhiều.  

Thậm chí ngay cả một số báo chí chính thống cũng đưa thông tin không rõ ràng, dễ gây hiểm nhầm.

Có thể dẫn chứng mới đây là chuyện “học sinh giỏi mới được thi vào ngành y”. Khi thông tin trên báo chí không rõ ràng cộng thêm sự khuếch đại của mạng xã hội sẽ khiến cho người người, nhà nhà hoang mang. Do đó, tôi cũng mong báo chí - kênh chính thống hơn mạng xã hội - đưa thông tin cụ thể, rõ ràng hơn nếu có thể, để học sinh, phụ huynh không hiểu nhầm.

"Đặc ân của tôi là có học sinh mọi vùng miền trên cả nước"

Tăng lương cho giáo viên luôn là một chủ đề "nóng", đặc biệt khi gần đây có đề xuất lương giáo viên tương đương với lương của công an, quân đội. Là giáo viên dạy trực tuyến, không dạy theo cách truyền thống, cũng chẳng có trường lớp, anh có cùng sự trăn trở chung với các đồng nghiệp đứng trên bục giảng?

- Thực ra, cách đây khoảng 7, 8 năm, giáo viên dạy trực tuyến là một công việc khá mới mẻ và nhiều thách thức, bởi thời điểm đó mạng internet hay việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh chưa phổ biến. Do vậy, thu nhập của công việc này khi đó không hấp dẫn.

Nhưng theo thời gian, số lượng người học trực tuyến ngày càng lớn nên thu nhập của giáo viên dạy trực tuyến cũng tăng lên. Tuy nhiên, cũng vì thế mức độ cạnh tranh trong công việc ngày một cao. Ngày càng nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ học tập trực tuyến cũng như các nền tảng mới ra đời.

Có thể thấy như với nền tảng livestream của Facebook thì tất cả các giáo viên trên toàn quốc đều có thể tham gia hoạt động dạy học trực tuyến.

Công việc dạy học trực tuyến có thể mang lại thu nhập tốt cho các giáo viên. Và tôi biết trong lĩnh vực này, những giáo viên có thu nhập tốt nhất có thể đạt tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Bản thân tôi, có những tháng cao điểm hoàn toàn có thể đạt được thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Nhìn chung, những năm qua thu nhập của tôi có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chậm hơn khá nhiều do có sự cạnh tranh.

Kế hoạch Tết Kỷ Hợi này của anh ra sao?

- Năm nay được nghỉ Tết dài ngày, ban đầu gia đình tôi muốn lên kế hoạch đi du lịch. Nhưng cân nhắc thấy trong dịp nghỉ lễ, người dân đi du lịch đông quá, chưa kể tình hình tai nạn giao thông có vẻ diễn ra nghiêm trọng, nên chúng tôi đành thôi.

Vì vậy, chắc tôi sẽ dành thời gian nghỉ đưa các con về quê ở Hà Nam chơi với ông bà, họ hàng. Nhưng ngày mùng 1, có thể bố mẹ sẽ đạp xe đèo con đi vòng quanh Hà Nội, bởi có lẽ đó là những ngày yên bình nhất của thành phố, để gợi lại trong mình không khí xưa.  

Vậy kỷ niệm "Tết năm xưa" ấn tượng nhất của anh là gì?

- Có lẽ đó là năm tôi về ăn Tết ở quê gốc Hà Nam. Gần chỗ tôi ở có một nhà thờ cổ được xây dựng từ năm 1924. Sau khi cùng người nhà ra đó chụp ảnh, tôi đăng lên Facebook thì có một số học sinh nhận ra nhà thờ đó ở làng, xã nào, và rồi rất nhiều bạn ở gần đấy đã tìm đến nhà tôi chơi.

Vì dạy trực tuyến nên thầy nào có biết trò, nên tôi rất bất ngờ khi có những bạn nhà cách hơn chục cây số vẫn đạp xe đến thăm.

Các bạn cũng không có quà gì đặc biệt mà chỉ giản dị mấy cái bánh chưng, quả cam hay bưởi, táo… toàn cây nhà lá vườn. Sau rồi tôi mới biết hóa ra có nhiều người thân, họ hàng trong làng cũng học mình. Thật là một kỷ niệm vui và đẹp.

Với việc dạy học trực tuyến, món quà của học sinh với thầy cô nặng tình cảm chứ không mang nhiều ý nghĩa vật chất.

Bởi chúng tôi không ràng buộc với học sinh bằng thành tích, không phải là người quyết định đến điểm số, không gây ra áp lực nào tới các em và phụ huynh. Học sinh đến với mình hoàn toàn do tin tưởng, cũng vì vậy mà quan hệ giữa thầy và trò rất vô tư.

Tôi nghĩ, dạy trực tuyến còn cho tôi một đặc ân là học sinh không gói gọn trong một vùng địa lý mà ở khắp nơi trên mọi miền đất nước.

Xin cảm ơn và chúc anh cùng gia đình có một cái Tết vui và đầm ấm!

Thanh Hùng (thực hiện)

Những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Bên cạnh những con số gây giật mình, bê bối gian lận thi cử quốc gia 2018 vẫn còn những nghi vấn chưa bị "lộ sáng" và những băn khoăn về tính bền vững của kỳ thi