- Sáng nay, 27/6 dòng người đông nghẹt tại nhà tang lễ quốc gia tham gia tiễn đưa giáo sư sử học Phan Huy Lê về nơi yên nghỉ cuối cùng.

"Hiếm thấy đám tang nào mà người đến tiễn đông như thế, tôi phải tìm chỗ gửi xe ở xa" - anh Hoàng Dân, một trong những người yêu mến giáo sư có mặt lúc hơn 8h sáng cho biết.

Không chỉ anh Dân và nhiều thế hệ học trò trực tiếp, gián tiếp của GS có mặt, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tới lễ viếng của nhà khoa học có vị trí đặc biệt trong lịch sử nước nhà.

{keywords}
Ngàn người thương tiếc tiễn đưa giáo sư Phan Huy Lê
{keywords}
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia buồn với gia đình GS Phan Huy Lê

Được nhìn nhận là người dẫn dắt nền sử học Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, sự ra đi đột ngột của GS Phan Huy Lê vào hôm Chủ Nhật vừa qua khiến nhiều người bàng hoàng. Ông đã để lại khoảng trống lớn trong giới nghiên cứu lịch sử."Hẳn là ai cũng có thể nhận ra vai trò tiên phong dẫn dắt về mặt học thuật của GS Phan Huy Lê trong nền Sử học đa ngành nước ta, nhưng sự suy tôn một nhà khoa học lên vị trí cao nhất suốt một nửa thế kỷ cũng là câu chuyện hiếm có" - GS Nguyễn Quang Ngọc, một học trò 50 năm của GS Lê nói.

 

{keywords}
 
 

{keywords}

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư viếng đưa tiễn GS Phan Huy Lê

{keywords}
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tổ chức TƯ ghi sổ tang
{keywords}

GS Phan Huy Lê từ trần khi đang tập trung cao độ để hoàn thành bộ Quốc sử Việt Nam. Đây là bộ sách đồ sộ nhất về lịch sử đất nước, với 25 tập chính sử và 5 tập biên niên sử, dự kiến hoàn thành xong vào năm 2019.

{keywords}
Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, một học trò ngành sử đến đưa tiễn người thầy của mình
{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự lễ viếng
 

 

{keywords}
 GS. Phan Huy Lê là một trong số ít nhà sử học Việt Nam giao thiệp và kết nối với các trí thức ở nước ngoài. Nhiều nhà nghiên cứu ở nước ngoài tìm đến Việt Nam trước hết sẽ tìm đến GS. Phan Huy Lê để tham vấn.
 

 

{keywords}
 
{keywords}
 Ông là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy vốn nổi danh về khoa bảng với những tên tuổi lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú… Cụ thân sinh ra ông là Phan Huy Tùng, từng làm quan trong triều đình Huế.

 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia buồn với gia quyến
{keywords}

PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội ghi sổ tang

{keywords}

GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: Những giây phút cuối cùng, GS Phan Huy Lê vẫn canh cánh về bộ Quốc sử, cũng như chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. GS Lê vừa có chuyến đi Trường Sa 3 ngày vào giữa tháng 5 vừa qua

{keywords}
 GS Mai Ngọc Chừ, trưởng khoa Đông phương học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) nhớ lại trong nhiệm kì làm Chủ nhiệm khoa, với uy tín của một nhà khoa học lớn, GS Phan Huy Lê đã mời được rất nhiều học giả có danh tiếng của nước ngoài tham gia hội đồng khoa học đào tạo và trực tiếp giảng dạy sinh viên. Khoa Đông phương học hiện là một trong những khoa có điểm đầu vào cao nhất của trường. Đây cũng là khoa mà GS Lê xây dựng
{keywords}
 
{keywords}
 Theo Nguyễn Quang Ngọc, "dấn thân vào nghề sử, Phan Huy Lê càng ngày càng nhận thấy lịch sử Việt Nam ẩn chứa biết bao điều cần khám phá và lý giải một cách khoa học. Con đường để đi đến chân lý lịch sử là con đường phức tạp, quanh co, không một chút giản đơn. Phan Huy Lê quan niệm kinh tế - xã hội là cơ sở nền tảng lịch sử. Nước ta là một nước nông nghiệp nên nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam truyền thống không thể không bắt đầu từ nông thôn, nông nghiệp và nông dân”.
{keywords}
 
{keywords}
 
 
 

{keywords}
Ngàn người thương tiếc tiễn đưa giáo sư Phan Huy Lê

                                                                 Điếu văn do PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội đọc 

{keywords}
Lễ viếng và truy điệu được tổ chức từ hồi 7h30 đến 10h ngày 27/6 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng tổ chức tại Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h cùng ngày.

 ***********************

NGƯỜI DẪN DẮT SỬ HỌC NỬA THẾ KỶ

Dấn thân vào nghề Sử, Phan Huy Lê càng ngày càng nhận thấy lịch sử Việt Nam ẩn chứa biết bao điều cần khám phá và lý giải một cách khoa học. Con đường để đi đến chân lý lịch sử là con đường phức tạp, quanh co, không một chút giản đơn.

Phan Huy Lê quan niệm kinh tế - xã hội là cơ sở nền tảng lịch sử. Nước ta là một nước nông nghiệp nên nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam truyền thống không thể không bắt đầu từ nông thôn, nông nghiệp và nông dân”.

Nói đến Phan Huy Lê là người ta nghĩ ngay đến chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam với những tổng kết sâu sắc và độc đáo, góp phần nâng tầm những chiến công chung của đất nước.

Thế nhưng dường như Phan Huy Lê không định hướng vào lịch sử quân sự. Tổng số sách và bài đăng của ông trên các tạp chí nghiên cứu chuyên về mảng đề tài này là 50 trên tổng số 408 công trình ông đã hoàn thành (chiếm 12,2%), một tỷ lệ không cao so với nhiều mảng đề tài khác.

Điều mà Phan Huy Lê trước sau đặc biệt quan tâm là những vấn đề về kinh tế - xã hội, hình thái kinh tế - xã hôi và các thể chế chính trị - xã hội trong lịch sử Việt Nam trước Cận đại. Một khi có cơ hội, ông lại tranh thủ trở về với đề tài chế độ ruộng đất, kinh tế nông nghiệp, nông dân và làng xã cổ truyền. Số công trình ông viết riêng về mảng kinh tế - xã hội là 51 (chiếm 12,5%), trong đó tiêu biểu là các tác phẩm viết về phong trào nông dân Tây Sơn, các cuốn sách, chuyên đề về sự phát triển hình thái kinh tế - xã hội, kết cấu kinh tế - xã hội, làng xã của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ...

Là một nhà sử học, Giáo sư Phan Huy Lê luôn nhấn mạnh vai trò của sử liệu và phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu lịch sử.

Với ông, sử liệu là chất liệu quan trọng nhất của công trình Sử học, nên trong quá trình nghiên cứu bao giờ ông cũng mở rộng khai thác triệt để các nguồn sử liệu và tìm cách mọi cách để có thể trở về với tư liệu nguyên gốc.

Ông là người đã đem bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản từ Paris về Việt Nam và viết bài khảo cứu văn bản Đại Việt sử kí toàn thư: tác giả, văn bản, tác phẩm (1983).

Đồng thời với tiếp cận trực tiếp đối tượng, ông nêu thành nguyên tắc tiếp cận toàn bộ, toàn diện, đa tuyến về lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới.

Trân trọng và đề cao kinh nghiệm viết sử truyền thống, ông lại chính là người dẫn đầu hiện đại hoá và cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới, nhất là phương pháp đa ngành, liên ngành. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của địa bạ, châu bản, gia phả... và vai trò của điều tra khảo sát thực địa.

Phan Huy Lê quan niệm lịch sử Việt Nam là lịch sử chung của cả nước, của toàn dân, của tất cả 54 tộc người chung sống trên đất Việt Nam, nên bên cạnh các bộ thông sử, các nghiên cứu tổng quan, ông đặc biệt quan tâm đến lịch sử địa phương, lịch sử các dòng họ và những nhân vật cụ thể.

Ông chăm chú theo dõi toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước từ các quy luật vận động chung cho đến những hiện tượng cá biệt có tính ngẫu nhiên của lịch sử. Chính tư liệu địa phương và tư liệu dòng họ là nguồn thông tin bổ sung quan trọng giúp ông làm sáng rõ và sinh động hơn bức tranh lịch sử nước nhà.

Ông cũng là một trong những chuyên gia đầu tiên của nền giáo dục mới Việt Nam tham gia giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn và phản biện nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế, trong đó có 17 học trò trực tiếp của ông đã bảo vệ thành công các luận án Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo Sử học, ông còn được giao trách nhiệm xây dựng hai ngành học mới là Việt Nam học và Đông Phương học. Ông được phong học hàm Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1973, 2012); được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002), Công dân Ưu tú của Thủ đô (năm 2010) , Danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011) .

Khi bước vào tuổi lục tuần, ông bứt phá và tăng tốc đến ngoạn mục với nhịp độ 12 công trình/ năm và 231 công trình gồm hàng loạt những những tổng kết khoa học sâu sắc và chuẩn mực cho 19 năm liên tục (1995-2013), cũng là điều hết sức đặc biệt. Đã bước vào tuổi bát tuần rồi mà ông vẫn hăng hái dẫn đầu các đoàn khảo sát thực địa từ Thăng Long, Sơn La, Thái Nguyên, Tây Đô, Lam Sơn, Lũng Nhai, qua Triệu Phong, Ái Tử, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tủy Xá, Hỏa Xá, Tây Sơn Thượng đạo (Gia Lai)… cho đến Mô Xoài, Bến Nghé, Đồng Nai, Óc Eo, Gò Tháp và ra tận Trường Sa…

Ông vẫn tiếp tục bổ sung bài giảng và sử dụng thành thạo các phương tiện, kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng mỗi giờ lên lớp; vẫn tươi mới, năng động và chuẩn chỉnh trong các tổng kết khoa học và các công trình công bố; vẫn bảo vệ đến cùng chân lý lịch sử và di sản của tổ tông. 

Hẳn là ai cũng có thể nhận ra vai trò tiên phong dẫn dắt về mặt học thuật của GS Phan Huy Lê trong nền Sử học đa ngành nước ta, nhưng sự suy tôn một nhà khoa học lên vị trí cao nhất suốt một nửa thế kỷ cũng là câu chuyện hiếm có.

GS Nguyễn Quang Ngọc (Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học, ĐHQG Hà Nội)

 

******************

Lê Anh Dũng - Nguyễn Thảo

 

Học trò tiếc nhớ GS Phan Huy Lê, người dẫn dắt sử học nửa thế kỷ

Học trò tiếc nhớ GS Phan Huy Lê, người dẫn dắt sử học nửa thế kỷ

GS. Phan Huy Lê qua đời để lại một khoảng trống cho ngành sử học Việt Nam và là nỗi mất mát lớn với những người làm sử, với biết bao thế hệ học trò.  

GS Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 84

GS Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 84

GS. Phan Huy Lê – một trong những nhà nghiên cứu sử học uy tín của Việt Nam – vừa qua đời vào lúc 13h10 ngày 23/6.