Hơn 15 năm đi dạy, cô Nguyễn Thúy, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Trần Văn Ơn, TP.HCM, mới được vào biên chế 6 năm trước. Đến với nghề rồi mới cảm nghề, cô Thúy có nhiều đổi mới sáng tạo được đồng nghiệp và học trò ủng hộ.

Chiếc đèn lồng trung thu từ tiết học của cô giáo

Những ngày này, học sinh khối 8, Trường THCS Trần Văn Ơn, Quận 1, TP.HCM, đang náo nức vì món quà trung thu cho trẻ em nghèo. 

Đó là những chiếc đèn lồng được khởi xướng từ dự án Văn thuyết minh và cuộc sống của chị Nguyễn Thúy, giáo viên tổ văn.

Dự án nhằm mang đến cho học sinh những tiết học thú vị nhưng hiệu quả.

{keywords}
Cô Nguyễn Thúy, giáo viên tổ văn, Trường THCS Trần Văn Ơn

Thay vì dạy trong lớp, cô Thúy chia học sinh thành 4 nhóm khác nhau. Từ sự vận dụng các kiến thức liên môn như Mĩ thuật, Tin học, Văn học, Tiếng Anh… học sinh sẽ chế tạo những chiếc đèn lồng từ những đôi bàn tay của mình. 

Học sinh cũng sẽ ghi lại hình ảnh, clip, sử dụng powerpoint để trình chiếu và thuyết trình về ý nghĩa của chiếc đèn mà các em tạo ra. 

Ngoài ra, các em sẽ dịch phần thuyết trình của mình sang tiếng Anh (với sự hỗ trợ của giáo viên tiếng Anh của trường) để up lên trang website trường.

Khi thực hiện, cô Thúy là người quan sát, hướng dẫn các nhóm. 

Học sinh có 2 tiết học để cùng nhau làm đèn lồng. Trong đó, 1 tuần chuẩn bị cho tiết thuyết trình. Từng nhóm sẽ đánh giá nhau sau khi kết thúc dự án. Khi thực hiện dự án này, giáo viên sẽ tính điểm 1 tiết môn Ngữ văn cho các em. Nếu nhóm nào chưa hoàn thành sẽ bị điểm trừ.

Theo cô Thuý, việc tổ chức học tập như thế này sẽ giúp học sinh gần gũi với cuộc sống và có thêm bài học về sự sẻ chia về tình yêu thương người. Mặt khác, thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học cũng là đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, giúp phát huy khả năng bản thân các em.

Đặc biệt, những chiếc đèn lồng này sẽ được kết hợp với những phần bánh trung thu mua từ khoản tiền tiết kiệm của các em tự nguyện đóng góp trao tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Đa Kao, Quận 1.

{keywords}
Những chiếc đèn lồng từ tiết dạy văn của cô Thúy

Chia sẻ về dự án của mình, chị Thúy cho biết, thay vì bắt các em ngồi học ở trong lớp với những tiết học cứng nhắc và nhàm chán, tổ chức những tiết học Văn trải nghiệm giúp các em biết thêm nhiều điều từ cuộc sống, tăng khả năng làm việc nhóm, vận dụng các kiến thức liên môn đã học và rèn nhiều kỹ năng cho các em. 

“Tôi muốn học sinh của mình thể hiện được năng lực riêng và kỹ năng làm việc nhóm và phát huy năng lực của học sinh. Tôi nghĩ rằng quan trọng không phải là dạy học theo một công văn nào mà là học sinh cảm thấy thích thú khi học. Điều này giúp chúng tôi nhẹ nhàng hơn là chấm những bài văn học thuộc lòng na ná như nhau”.

Mặt khác, tôi nghĩ rằng việc làm này của các em không phải để thay thế bài kiểm tra mà các em muốn làm xuất phát từ tấm lòng của mình. Nhìn các em vui, hào hứng với môn học tôi hạnh phúc vô cùng và càng hạnh phúc hơn khi biết những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận những món quà ý nghĩa này”- cô Thúy bộc bạch.

Tới nghề rồi mới "cảm" nghề

 Nguyễn Thúy sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp. 

Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Đồng Tháp gần 20 năm trước, cô mạnh dạn lên thành phố nộp đơn đi dạy. 

Do không có hộ khẩu, những năm đầu cô chỉ được dạy hợp đồng tại ở Trường THCS An Phú, Quận 2. 

Sau 5 năm không chính thức, cô tiếp tục xin về dạy thỉnh giảng tại một trường THCS ở Quận 1. 

Mãi tới năm 32 tuổi, cô Thúy mới hoàn tất thủ tục hộ khẩu và thi đỗ vào viên chức của ngành giáo dục thành phố, được phân về giảng dạy tại Trường THCS Trần Văn Ơn.

Tâm sự về nghề, cô cho biết, nghề sư phạm không phải là lựa chọn ban đầu mà do duyên đưa đẩy. Nhưng khi gắn bó, rồi “cảm với nghề” cô đã yêu nghề, thương yêu học trò và có nhiệt huyết gắn bó.

{keywords}
Món quà cho trẻ em nghèo

“Lúc trước ba mẹ muốn tôi theo ngành công an vì gia đình tôi có truyền thống cách mạng. Tôi đã tính thi vào công an theo định hướng của ba mẹ nhưng năm đó lại không tuyển nữ. Lúc đó tôi nghĩ chuyển hướng thi sư phạm để đỡ một phần chi phí vì gia đình rất nghèo. Nếu đi học trường khác chắc ba mẹ phải bán đất chứ không đủ điều kiện”- cô Thúy kể.

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, thấy chưa đủ tự tin để đứng lớp, cô Thúy vừa dạy hợp đồng vừa tự đăng ký học đại học chuyên tu. Khi tốt nghiệp, cô Thúy tự tin và trúng tuyển viên chức để được phân về quận 1 giảng dạy.

“Tôi không nhận mình tới nghề sư phạm xuất phát từ tình yêu trẻ em hay cái chung vì như vậy là nói dối. Nhưng khi gắn bó với nghề tôi thấy mình thương yêu học trò. Các em là một phần của tôi. Hơn nữa tôi cũng may mắn khi được sự hỗ trợ nhiệt huyết từ ban giám hiệu cho tôi niềm tin trọn vẹn với nghề hơn”.

{keywords}
Cô giáo dạy văn bên học trò và sản phẩm của các em

Gần 40 tuổi đời nhưng mới được vào biên chế 6 năm, hiện nay mỗi tháng, cô Thúy được nhận mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này ở một thành phố nếu thật chắt bóp mới đủ lo cho bản thân và may vài bộ áo dài lên lớp. Nhờ chồng đứng ra vay mượn, gia đình đã mua trả góp được một căn nhà 18m2, đủ cho hai vợ chồng và một đứa con sinh sống.

“Dù thu nhập thấp nhưng giáo viên lên lớp cũng phải mặc đẹp. Thú thực nhìn chúng tôi rất sang trọng nhưng đời sống khá khó khăn. Tôi may mắn khi được ông xã hỗ trợ. Nhưng tôi hạnh phúc vì có nơi để đi về sau những buổi dạy”- chị nói.

Theo cô Thúy, nghề giáo gần đây hay bị soi mói, "nhưng tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nghề. Môi trường của tôi là học sinh, các em rất hồn nhiên, vô tư và được nâng niu”.

Tuệ Minh