Hôm nay (ngày 20/12), khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM tròn 20 tuổi.

Bé gái Tây làm phiên dịch tiếng Việt cho mẹ với tài xế taxi

Sách Tiếng Việt 1 CNGD có xuất hiện trong chương trình phổ thông mới?

Thứ trưởng Giáo dục khẳng định sức sống sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại

Tiền thân của Khoa Việt Nam học là tổ dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài, thuộc Khoa Ngữ văn, được thành lập vào năm 1980, do thầy Trần Chút phụ trách. 20 năm trước với nhiệm vụ dạy Tiếng Việt cho người Campuchia, những thầy giáo, cô giáo đầu tiên tham gia tổ này gồm Trần Thị Minh Giới, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Lê Thị Minh Hằng, Thạch Ngọc Minh.

{keywords}
Đội ngũ cán bộ giảng viên của Khoa Việt Nam học ngày đầu thành lập (Ảnh: Khoa cung cấp)

Sau đó, tổ Tiếng Việt tách ra thành bộ môn Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, được thành lập ngày 14/3/1990. Lúc này GS Bùi Khánh Thế được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm trong thời gian 2 tháng, (từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1990), sau đó, PGS.TS.Nguyễn Văn Lịch là người kế nhiệm (cho đến tháng 5 năm 1998).

Lúc này, việc xác định dạy Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài là nhiệm vụ quan trong hàng đầu, bộ giáo trình Tiếng Việt cho người nước ngoài gồm 6 cấp độ và một số tài liệu bổ trợ khác ra đời sau đó xuất bản thành sách.

Hội nghị khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất (năm 1998) được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm nhà Việt Nam học hàng đầu của quốc tế đến từ các nước Pháp, Anh, Nga, Đức, Hà Lan; Hoa Kỳ; Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan; Australia v.v.. đánh dấu sự phát triển của ngành Việt Nam học ở Việt Nam. Đây cũng là "cú hích" để khoa Việt Nam học ra đời.

Như vậy, sau 18 năm phôi thai và phát triển, năm 1998, khoa Việt Nam học chính thức được thành lập. Sau khi thành lập khoa Việt Nam học, PGS.TS Nguyễn Văn Lịch tiếp tục được bổ nhiệm làm trưởng khoa. Năm học 2000-2001, Khoa đào tạo Khóa cử nhân Việt Nam học cho người nước ngoài khoá đầu tiên với 13 sinh viên.

Bên cạnh đó, các khoá Tiếng Việt ngắn hạn cũng thu hút nhiều sinh viên nước ngoài, trong đó có những đoàn sinh viên đến từ các trường đại học lớn trên thế giới.

Trong giai đoạn 2007 - 2012, PGS.TS Nguyễn Văn Huệ được bổ nhiệm làm trưởng khoa. Đây là giai đoạn Khoa Việt Nam học đã phát triển về nhiều mặt và đạt được những thành tựu như đào tạo Tiếng Việt ngắn hạn cho hơn 12 000 học viên người nước ngoài; hoàn chỉnh chương trình đào tạo ngành Việt Nam học theo học chế tín chỉ; triển khai đào tạo cao học ngành Việt Nam học; tổ chức được nhiều hội thảo khoa học và xuất bản kỷ yếu về giảng dạy Việt Nam học và Tiếng Việt.

Đặc biệt, ngày 8/1/2012, chương trình đào tạo đại học ngành Việt Nam học đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA (ASEAN Universities Network - Quality Assurance). Đây là chương trình đào tạo bậc đại học đầu tiên của trường đạt được chuẩn này.

{keywords}
GS Bùi Khánh Thế và PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch (Ảnh: Khoa cung cấp)

Nhiệm kỳ 2012 - 2018, PGS.TS. Lê Khắc Cường được bổ nhiệm làm Trưởng khoa. Lúc này đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của khoa có sự tăng mạnh so với nhiệm kỳ trước với 37 giảng viên, nhân viên.

Ngoài ra, Khoa Việt Nam học đã có sự mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đơn vị trong và ngoài nước như giảng dạy tiếng việt cho nhân viên Lãnh sự quán Mỹ, cho sinh viên nước ngoài Trường ĐHBK TPHCM, Viện Thương mại Quốc tế TAITRA,… Việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt được chuyển sang hình thức online (từ 2015). Trong đó có nhiều kỳ thi được tổ chức đồng thời ở Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan.

Sau 20 năm, các giáo viên thuộc thế hệ đầu tiên dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài vẫn đang tiếp tục công tác với khoa, có thầy cô đã nghỉ hưu, có thầy cô đã chuyển sang công tác ở nơi khác. Hiện nay, Khoa Việt Nam học có 28 giảng viên cơ hữu trong đó có 2 Phó giáo sư - Tiến sĩ; 15 tiến sĩ; 14 thạc sĩ. Trưởng khoa giai đoạn 2018-2022 là PGS.TS Lê Giang (Đoàn Lê Giang).

Từ 13 sinh viên đầu tiên tới hàng nghìn sinh viên nước ngoài theo học

Tháng 9/2000, Khoa Việt Nam học bắt đầu đào tạo khóa cử nhân Việt Nam học cho người nước ngoài đầu tiên với 13 sinh viên.  Đến nay (tháng 11/2018), Khoa đã tuyển sinh và đào tạo được 19 khóa cử nhân Việt Nam học với tổng số thí sinh trúng tuyển đầu vào là 734 sinh viên, trong số thí sinh trúng tuyển đó có tổng số nhập học là 658 sinh viên và số đã tốt nghiệp ra trường là 271 sinh viên.

{keywords}
Khoa Việt Nam học đón đoàn sinh viên trường Đại học Kanda – Nhật Bản (Ảnh:khoa cung cấp)

Ngoài ra, khoa còn triển khai đào tạo chương trình liên kết 2+2 và 3+1; Đào tạo sau đại học; Giảng dạy tiếng Việt ngắn hạn… Học viên theo học tại khoa đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp nơi trên thế giới trong đó ác nước có nhiều sinh viên theo học nhất là Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Pháp…

Với những thành tựu đã đạt được trong suốt hai mươi năm qua, Khoa Việt Nam học đã góp phần tích cực trong việc đưa tiếng Việt đến gần hơn với bạn bè trên thế giới. Tiếng Việt trở thành một ngoại ngữ được giảng dạy ở khá nhiều trường đại học và trung học nước ngoài. Tháng 5 năm 2013, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã chính thức công nhận tiếng Việt là 1 trong 9 ngoại ngữ trong kỳ tuyển sinh đại học tại quốc gia này (cùng với tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Tây Ban Nha và Ả Rập).

Hiện nay, nhiều trường đại học ở Hàn Quốc đã có khoa tiếng Việt. Ở bậc phổ thông, Trường Trung học Ngoại ngữ Chungnam cũng đã thành lập Khoa tiếng Việt vào năm 2000. Tại Đài Loan, Bộ giáo dục cho biết bắt đầu từ năm 2018, bảy ngôn ngữ Đông Nam Á trong đó có Tiếng Việt, sẽ là môn học chính thức trong các trường tiểu học ở đây. 

Với vai trò là một trong ba mũi nhọn, cùng với đào tạo cử nhân và thạc sĩ Việt Nam học, công tác giảng dạy Tiếng Việt đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra, góp phần đưa Khoa Việt Nam học ngày càng phát triển và hứa hẹn sẽ tạo ra những bước đột phá trong tương lai.

Lê Huyền