Nhằm trang bị cho giáo viên mầm non những kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm trong công tác giáo dục trẻ, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn Hướng dẫn giáo viên xử lý các tình huống sư phạm thường gặp trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Trong thời gian 2 ngày từ 19 – 20/8, các chuyên gia tập trung vào quy trình xử lý các tình huống sư phạm và đưa ra một số tình huống thực tế trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; cung cấp những gợi ý giúp giáo viên mầm non vận dụng vào giải quyết các vấn đề xử lý tình huống sư phạm; biết quản lý cảm xúc, tránh được những tiêu cực phát sinh trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Trước tình huống gần đây nhất liên quan đến vụ việc một giáo viên của cơ sở giáo dục mầm non Maple Bear Westlake Point đã phạt học sinh bằng cách nhốt trẻ trong tủ đựng đồ, TS. Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen cho rằng, ở tất cả các tình huống liên quan đến trẻ, người giáo viên trực tiếp đứng lớp phải chịu trách nhiệm, đồng thời liên đới đến hiệu trưởng và toàn bộ nhà trường.

Theo bà Thanh, hành động nhốt trẻ vào tủ kín là cách xử lý không đúng mực. Đây chính là biểu hiện của việc bạo hành về tinh thần. Để trẻ mầm non vào trong bóng tối và không có chỗ dựa tinh thần sẽ khiến trẻ hoảng loạn và gây ra những sang chấn tâm lý.

“Mỗi lớp học mầm non có ít nhất hai giáo viên. Vậy giáo viên còn lại có cùng tham gia và đồng tình với cách ứng xử với đồng nghiệp hay không? Tại sao khi biết chuyện vẫn không báo lên với ban giám hiệu nhà trường?”, bà Thanh đặt câu hỏi.

Bà Thanh cho rằng, trong tình huống học sinh không nghe lời xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể do tính của trẻ còn ngây thơ, hồn nhiên, nghịch ngợm; hoặc nguyên nhân khác là do cô giáo nói nhưng trẻ chưa hiểu yêu cầu. Ngoài ra cũng có thể là do những ức chế từ bên ngoài như thời tiết nóng bức, áp lực học tập căng thẳng,… Giáo viên muốn trẻ nghe lời cần phải tìm ra nguyên nhân thì mới có cách ứng xử phù hợp.

“Giáo viên cũng phải đưa ra những thương thuyết với trẻ. Giáo viên mầm non không thể yêu cầu trẻ em như người lớn, bảo gì phải nghe đấy được”, bà Thanh nói.

{keywords}

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT). 

Trước hàng loạt những hành vi ứng xử không đúng chuẩn mực của giáo viên, thậm chí xuất hiện cả trong hệ thống những trường ngoài công lập có thu học phí cao, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho hay, phía phòng GD-ĐT phải mời đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục mầm non công lập, ngoài công lập và nhóm độc lập đến tham dự các khóa tập huấn ở địa phương.

Ở các cơ sở, Phòng GD-ĐT phải có trách nhiệm triển khai các khóa tập huấn ở địa phương. Việc nâng cao năng lực là giải pháp rất quan trọng. Tuy nhiên năng lực có giỏi đến đâu mà vẫn để lớp đông trẻ, giáo viên số lượng còn thiếu hụt thì vẫn không ổn. Mặt khác, chế độ làm việc của giáo viên trong một ngày quá dài cũng có thể dễ xảy ra những áp lực, sai sót.

Để giải quyết tình huống sư phạm, giáo viên cần dựa trên các cơ sở khoa học trong xử lý tình huống sư phạm. Đó là hệ thống kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, các nguyên tắc và quy trình xử lý tình huống sư phạm.

Đặc biệt, giáo viên – các nhà giáo dục cần phải có năng lực xử lý tình huống sư phạm cùng hệ thống các kỹ năng sư phạm để nhận diện tình huống, phát hiện mâu thuẫn, huy động kinh nghiệm, lựa chọn phương án, bình tĩnh, quan tâm, tôn trọng, thận trọng lắng nghe để hiểu đối tượng, nhằm sáng tỏ các nguyên nhân, vận dụng các biện pháp thích hợp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc và quy trình.

Đó chính là các điều kiện quyết định sự thành công của giáo viên khi xử lý tình huống sư phạm – một trong những con đường quan trọng giúp đạt được mục tiêu đề ra trong hoạt động giáo dục mầm non.

Trường Giang

Học phí 20 triệu, cơ sở mầm non nhốt trẻ vào tủ quần áo

Học phí 20 triệu, cơ sở mầm non nhốt trẻ vào tủ quần áo

Kiểm tra camera phụ huynh phát hiện con liên tục khóc, giãy dụa mỗi khi cô vung tay chỉ trỏ, phạt... thậm chí có cháu bị cô nhốt vào tủ quần áo.