TP.HCM sẽ xây dựng bộ sách giáo khoa riêng phù hợp với thực tiễn của thành phố, giao quyền tự chủ nhân sự và tự chủ tài chính cho các trường, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế giáo viên

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 diễn ra ngày 21/8, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết ngành giáo dục thành phố đang tích cực xây dựng “Đề án tổng thể phát triển giáo dục tới năm 2030", nhằm đưa giáo dục thành phố tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến khu vực và thế giới. 

Tự chủ toàn diện

Một trong những điểm đặc thù mà Đề án này đưa ra là việc tự chủ về chương trình và sách giáo khoa. Theo đó, TP.HCM sẽ trình Bộ GD-ĐT thẩm định bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình của Bộ GD-ĐT. 

{keywords}
Thầy và trò TP.HCM (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Ngoài việc trang bị kiến thức cho người học, chương trình sẽ được xây dựng theo hướng chú trọng nền tảng gia đình, ý chí phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và ý chí khởi nghiệp của học sinh. Chú trọng thực hành và kỹ năng thực hành của học sinh. 

Các trường học được chủ động thực hiện kế hoạch giảng dạy trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thời lượng dạy học. Nhà trường chủ động xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn và đa dạng hoá các hình thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường như trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại.

Đề án cũng hướng tới học sinh TP.HCM sẽ được học tập cả ngày trong trường, được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu. Học sinh có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, học sinh có thể chơi được ít nhất 1 môn thể thao, có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật và có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống.

Về tài chính và nhân sự, ông Lê Hồng Sơn cho biết hiện tại Sở đang khẩn trương xây dựng đề án tự chủ. Đề án này giúp các trường thực sự được tự chủ, nhất là về nhân sự và tài chính, nhằm tạo động lực cho sự phát triển của nhà trường, góp phần đảm bảo chế độ thu nhập chính đáng cho giáo viên và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. 

Học phí sẽ được xây dựng trên cơ sở không tăng ngân sách. Các trường học được quyền xây dựng khung học phí trên cơ sở bảo đảm hoạt động, huy động xã hội hoá ở khu vực có điều kiện.

Nguồn kinh phí từ ngân sách cho giáo dục đào tạo trong tổng chi ngân sách Nhà nước của thành phố sẽ ưu tiên bố trí cho vùng khó khăn và các cơ sở giáo dục đào tạo trọng điểm. 

{keywords}
Học sinh TP.HCM (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Ngoài ra ngành giáo dục thành phố tiếp tục thực hiện miễn giảm học phí và có chính sách xã hội hoá, nhằm đảm bảo tất cả học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được học tập. 

Đề xuất sửa nhiều quy định và xin cơ chế đặc thù

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết trước hội nghị, Sở đã tổ chức phiên họp nội bộ lấy ý kiến trong ngành giáo dục. Ngành TP.HCM thống nhất kiến nghị với Chính phủ chấp thuận để thành phố thực hiện cơ chế đặc thù về giáo dục. Đồng thời, đề xuất sửa đổi một số nghị định, quy định vì một số quy định chung của Trung ương chưa tính đến đặc thù của thành phố lớn nên dẫn đến những khó khăn, tồn tại trong giáo dục thành phố chậm được giải quyết.

Theo đó, ngành giáo dục TP.HCM kiến nghị điều chỉnh Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục theo hướng phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT và bộ, ngành chủ quản của các trường đại học. Việc này nhằm giúp cho UBND tỉnh có điều kiện thực hiện nhiệm vụ được phân cấp dễ dàng hơn, tránh chồng chéo và không rõ ràng.

Sở GD-ĐT thành phố cũng đề nghị cho phép thực hiện thí điểm các dự án nâng cao tầng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất, để phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án, giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, tập trung và tránh lãng phí đầu tư xây dựng mặt bằng chiếm đất xây dựng.

Bên cạnh đó là kiến nghị Bộ ban hành định mức chi phí tối thiểu cho một đầu học sinh, sinh viên ở các cấp học, ngành học, ngành nghề đào tạo để làm cơ sở cho việc ban hành định mức chi đối với từng cấp, bậc học và ngành nghề đào tạo.

Xem xét lại nội dung Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, mà theo Sở hiện nay chưa hợp lý (4 chức danh 2 vị trí, số lượng trẻ trên giáo viên ở nhóm nhỏ, bảo vệ…).

Xem xét lại nội dung Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/5/2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở GD-ĐT,  bổ sung cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Cụ thể như: tăng số lượng phòng, ban thuộc cơ quan Sở là 12 phòng và số lượng Phó Giám đốc phụ trách là 5 người, do đặc thù thành phố đông dân, đa dạng hình thức giáo dục, đặc biệt đây là nơi tập trung một số lượng lớn các đơn vị giáo dục quốc tế, các đơn vị có yếu tố nước ngoài…

Sửa đổi các Thông tư liên tịch số 20, 21 và 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học công lập và giáo viên trung học cơ sở công lập hiện nay còn chưa hợp lý (lương khởi điểm của giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng hay hại học đều như nhau và có hệ số 1,86)…

Lê Huyền