Nghĩ rằng cánh cửa đại học không mở để đón nhận mình, ngày 20/11/1986, Phú quyết định rời quê hương theo người anh trai vào Cần Thơ tìm việc kiếm sống.

Cha mẹ nghèo, anh chị cũng nghèo nên vào vùng đất mới, Phú nhận làm đủ việc, từ công nhân chế biến nước mắm, công nhân làm đường mía tới phụ hồ. Công việc nhọc nhằn, nhưng Phú còn thường xuyên bị chủ la mắng.

Ước mơ trở thành bác sĩ vốn vẫn luôn dai dẳng, nên cậu quyết định ôn thi tiếp.

"Tôi cũng may mắn gặp được 2 thầy giáo cùng quê dạy miễn phí môn Toán và môn Hoá. Lúc đầu, tôi cũng "run" nên đăng ký thi chăn nuôi thú y, nhưng sau một tuần suy nghĩ lại đổi sang thi vào y khoa" - cậu thí sinh ngày nào nhớ lại.

Cuối cùng, năm 1988, La Văn Phú trúng tuyển vào Khoa Y - ĐH Cần Thơ.

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Phú được Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ nhận và cử đi học Chuyên khoa cấp I ngoại tổng quát Trường ĐH Y Dược TPHCM. Hoàn thành khóa học, ông trở về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cho tới nay. Hiện nay, ông là Trưởng Khoa Ngoại tổng quát của bệnh viện.

{keywords}
Thầy thuốc ưu tú La Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát – Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ

Lý do khiến cậu học trò ngày nào quyết tâm theo đuổi ngành y bằng được chứ không rẽ ngang sang học ngành khác, bắt nguồn từ sự việc xảy ra hơn 40 trước. Khi đó, bác sĩ Phú còn là học sinh cấp 2.

"Một ngày, mẹ tôi bị đau bụng được đưa đến trạm y tế xã. Nhưng sau 3 ngày điều trị, tình trạng đau còn trầm trọng hơn, phải chuyển xuống bệnh viện huyện Can Lộc. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi bị viêm ruột thừa đã biến chứng vỡ mủ phải phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, thuốc men lúc bấy giờ cũng hạn chế nên mẹ tôi bị nhiễm trùng vết mổ, phải nằm viện hơn một tháng. Bác sĩ cho biết nguyên nhân chính là do bệnh viêm ruột thừa của mẹ tôi bị chẩn đoán trễ" - ông nhớ lại.

Kể từ đó, cậu học trò La Văn Phú nuôi ý định cố gắng học sau này làm bác sỹ để cứu người, "để không ai khác bị như mẹ tôi".

“Tôi luôn tự nhủ rằng nếu đó là người thân của mình…”

Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ mới được tái thành lập năm 2007. Tại thời điểm đó cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, bệnh nhân cũng không nhiều. Với năng lực chuyên môn của mình, bác sĩ Phú sẽ có thu nhập cao hơn rất nhiều nếu làm việc ở bệnh viện tư.

"Nhưng tôi xác định bệnh viện cần tôi để phát triển, bệnh nhân đến điều trị cũng cần tôi. Vì vậy, tôi quyết tâm bám trụ, cố gắng học hỏi, triển khai nhiều kỹ thuật mới mà trước đây chỉ bệnh viện tuyến trên mới làm được.

Mặt khác, Ban giám đốc bệnh viện các thời kỳ đã hỗ trợ, tạo điều kiện để tôi phát triển năng lực chuyên môn và thực hiện niềm đam mê của mình".

Một điều nữa níu giữ ông ở lại bệnh viện công còn bởi ở đây có nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nặng, bệnh khó. 

“Hãy làm những việc bình thường bằng niềm đam mê phi thường, thành công sẽ đến với bạn” - Thầy thuốc ưu tú La Văn Phú.

Bác sĩ Phú nói rằng với ông bây giờ, cứu người không chỉ là nghề mà đã trở thành nghiệp.

Trong suốt hơn 26 năm làm phẫu thuật viên, ông gặp không ít những trường hợp đặc biệt.

Đó là một nam sinh 18 tuổi được đưa vào cấp cứu trong đêm khuya hơn 12 năm về trước do bị người lạ đâm bằng dao, bác sĩ Phú phải xin ý kiến trực lãnh đạo bệnh viện chuyển thẳng bệnh nhân lên mổ khẩn.  

Đêm giao thừa năm 2017, bác sĩ Phú cùng ê kíp trực đã cứu sống cụ bà 100 tuổi sốc nhiễm trùng đường mật nặng. Khi bước ra khỏi phòng mổ, đồng hồ đã điểm gần 1 giờ sáng mùng 1 Tết.

Trước Tết năm 2018, bác sĩ Phú phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nhiễm HIV bị rò tiêu hóa, đã gần như sống tách biệt với cộng đồng hơn một năm… Ca mổ thành công, vết thương lành, bệnh nhân tái hòa nhập với cộng đồng.

{keywords}
Bác sĩ Phú đi thăm bệnh. Ảnh: Hoài Thanh

"Chưa bao giờ tôi từ chối điều trị cho bất cứ ai, dù bệnh nặng hay mắc những bệnh nguy cơ lây nhiễm cao. Có thể nói, từ lúc vào nghề đến nay, tôi chăm sóc và điều trị bệnh nhân bằng cái tâm của mình. Tôi luôn tự nhủ rằng nếu đó là người thân, mình chăm sóc và điều trị như thế nào thì hãy chăm sóc và điều trị bệnh nhân như thế" - bác sĩ Phú chia sẻ.

Đổi lại, bác sĩ Phú tự hào "Có thể nói, ở bệnh viện này, tôi là một trong những bác sĩ được bệnh nhân tặng quà nhiều nhất, có lẽ do sự tận tâm và gần gũi".

Bệnh nhân thường tặng ông quà chủ yếu là cây nhà, lá vườn, khi thì bó rau, lúc thì chục quýt, cũng có khi là con gà hay những cái bánh nhà làm.

{keywords}
Một bức thư người nhà bệnh nhân gửi bác sĩ Phú

Trong đó, món quà mà vị bác sĩ này nhớ nhất là bức ảnh người nhà bệnh nhân chụp khi ông đi thăm bệnh sau mổ và bắt tay bệnh nhân. "Tôi đang treo trang trọng bức ảnh này ở nhà mình".

Có một cụ bà 86 tuổi, được bác sĩ Phú phẫu thuật hơn 4 năm trước. Trước Tết Nguyên đán năm nay, bà đã đặt một bức tranh bằng gỗ, khắc tên bác sĩ Phú lên đó và vượt 60km bằng xe tải đến để tặng.

Cách đây không lâu, ông cũng nhận được bức thư viết tay dài 4 trang của người nhà một bệnh nhân từ TP.HCM được phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày… 

Bác sĩ La Văn Phú đã thực hiện hơn 20 đề tài nghiên cứu khoa học mang ý nghĩa ứng dụng thực tế cao, đặc biệt có 2 đề tài được Hội đồng sáng kiến thành phố Cần Thơ xét công nhận có phạm vi ảnh hưởng toàn thành phố và toàn quốc.

Một số đề tài tiêu biểu như: Đánh giá kết quả sớm điều trị tắc ruột do dính sau mổ bằng phẫu thuật nội soi; Nghiên cứu kết quả sớm điều trị sỏi đường mật chính bằng phẫu thuật nội soi; Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị bảo tồn bệnh tắc ruột do dính sau mổ; Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, siêu âm và đánh giá kết quả sớm điều trị thoát vị bẹn bằng phương pháp mmở kiểu Lichtenstein tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ...

Bác sĩ Phú nói rằng với ông, đây là những món quà vô giá.   

"Bác sĩ giỏi và có tâm thì chẳng bao giờ nghèo"

Năm trước, có hơn 10 học sinh lớp 12 Trường Chuyên Lý Tự Trọng dự định thi vào ngành y đến tham quan và tìm hiểu về nghề.

Những vấn đề các em nêu ra là: Muốn trở thành bác sĩ giỏi phải học trong bao lâu và học như thế nào? Đi trực có cực không? Trong quá trình điều trị, nếu không may bệnh nhân không qua khỏi bác sĩ có bị gì không?... Cũng có câu hỏi cũng rất hài hước như: Có bao giờ bác sĩ hay những người làm chung thấy ma khi trực đêm không?...

Bác sĩ Phú đã trao đổi khá nhiều, giúp các em tham khảo thêm trước khi đưa ra quyết định chọn ngành thi. Và đó cũng là những điều mà ông muốn nhắn nhủ tới những bạn trẻ có ước mơ theo đuổi ngành học khó khăn này.

"Điều đầu tiên, đó là nếu các em thật sự muốn thi vào ngành y để cứu chữa người thì hãy cố gắng học tốt và thi cho đậu. Còn nếu muốn thi ngành này để giàu có và nổi tiếng thì tôi khuyên hãy từ bỏ ý định và thi một ngành khác. Tuy nhiên, nếu một bác sĩ thật sự giỏi và có tâm thì chẳng bao giờ nghèo".

{keywords}
"Chưa bao giờ tôi từ chối điều trị cho bất cứ một bệnh nhân nào" - bác sĩ Phú. Ảnh: Hoài Thanh

Điều thứ hai mà vị bác sĩ này nhắn nhủ là làm nghề y phải coi người bệnh như người thân của mình, coi sự đau đớn của họ như chính sự đau đớn của người thân mình.

"Trước khi làm một việc gì, áp dụng một phương pháp điều trị nào cho người bệnh, phải luôn tự hỏi: Nếu người thân bị bệnh như vậy, mình có áp dụng phương pháp điều trị này không? Nếu câu trả lời là “Có” thì cứ mạnh dạn tiến hành, nếu còn lưỡng lự thì cần phải xem xét lại".

Bên cạnh đó, những bạn trẻ muốn làm ngành y cần chuẩn bị tâm lý, có sức chịu đựng vì không phải làm dâu “trăm họ” mà cả ngàn họ, biết hy sinh chuyện bản thân, việc gia đình…

"Và làm ngành y là phải không ngừng phấn đấu, học tập. Tới ngày về hưu, nhiều bác sĩ vẫn còn học vì khoa học y học thay đổi từng ngày" - bác sĩ La Văn Phú nhấn mạnh.

Năm 2018, bác sĩ La Văn Phú được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Năm 2019, ông đượcThủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Cùng năm này, ông được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ tặng Kỷ niệm chương vì những đóng góp cho khoa học và nghiên cứu khoa học. 

Năm 2020, bác sĩ La Văn Phú được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Ngân Anh

Nữ anh hùng sản xuất vắc-xin trên chiến trường

Nữ anh hùng sản xuất vắc-xin trên chiến trường

Thả ba lô xuống đất, đứng trước ngôi nhà lá giữa rừng sâu, cô bác sĩ trẻ không khỏi sửng sốt. Ở “cơ quan mới” không có phòng thí nghiệm. Dụng cụ phục vụ cho nghiên cứu cũng không có gì, dù chỉ là một chiếc ống nhựa (ống PET).

'Nghiệp' làm thầy ở Trường Đại học Y Hà Nội của vị bác sĩ ngoại khoa

'Nghiệp' làm thầy ở Trường Đại học Y Hà Nội của vị bác sĩ ngoại khoa

Gần 30 năm công tác tại BV Hữu nghị Việt Đức, từng cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân, PGS.TS.BS  Đoàn Quốc Hưng dạy sinh viên rằng: nguyên tắc quan trọng nhất khi đứng trước người bệnh, đó là phải coi người bệnh như người thân của mình.