Lời toà soạn: Thời gian gần đây, câu chuyện làm sách giáo khoa theo chương trình mới đang được những người làm giáo dục quan tâm. Một trong những ý kiến đang nhận được quan điểm khác nhau là có nên để Bộ GD-ĐT tự biên soạn một bộ sách, song song với việc để cho các tổ chức, cá nhân khác làm công việc này. Trong bài viết dưới đây, TS Giáo dục Nguyễn Khánh Trung cho rằng Bộ không nên biến mình thành một bên trực tiếp "sản xuất" và tham gia cạnh tranh đồng thời đóng vai trò trọng tài. VietNamNet xin giới thiệu bài viết và mong nhận được sự thảo luận rộng rãi của độc giả. Xin trân trọng cảm ơn.

Hợp với con người

Rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều lý thuyết hiện nay đã khẳng định một cách rõ ràng rằng con người - mà ở đây là học sinh - ngay từ trong bụng mẹ đã tỏ ra là những chủ thể duy nhất và khác biệt xét về mọi khía cạnh: Từ tâm sinh lý, các loại hình thông minh, cấu trúc não bộ, đến cách học, cách thu nhận thông tin, cách tạo ra động lực học tập…

{keywords}
"Nên quan niệm các bộ sách giáo khoa chỉ là giáo cụ, giáo viên có thể sử dụng hoặc không sử dụng để chuyển tải chương trình quốc gia" (Ảnh: Thanh Hùng)

Cũng ngay từ lọt lòng mẹ, mỗi người trải qua một "quá trình xã hội hóa" (nói theo ngôn ngữ xã hội học) khác nhau, bởi hoàn cảnh gia đình, khu xóm, trường học, văn hóa vùng miền, dân tộc đều khác nhau. Những điều này góp phần làm hình thành nhân cách, tập tính riêng của mỗi người.

Hay nói cách khác, mỗi người là một chủ thể duy biệt. Vậy nên, một sự giáo dục tử tế và chất lượng là sự giáo dục dựa trên tính duy biệt nơi mỗi học sinh.

Hợp với bản chất xã hội

Bởi xã hội là một tập hợp những con người với bản chất duy biệt như đã nói. Xã hội đa dạng bao gồm nhiều thành phần, nhiều nhóm văn hóa, nhiều tầng lớp… Điều này là tự nhiên và phổ biến.

Do vậy, giáo dục cũng cần có sự đa dạng để có thể đáp ứng với nhu cầu của các nhóm khác nhau, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là để đáp ứng bản chất này của xã hội với sự tôn trọng tính khác biệt và dân chủ.

Như vậy, có thể xây dựng một chương trình quốc gia chung với những điều cơ bản về mục tiêu, về nội dung cốt lõi, nhưng sách giáo khoa và những thứ khác thì cần phải khác nhau để đáp ứng và phù hợp với sự duy biệt xét về mặt cá nhân cũng như xã hội.

Bên cạnh việc có nhiều sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT cũng cần phân quyền tự chủ cho các địa phương, các trường, đặc biệt là cho các giáo viên để họ lựa chọn sách phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền cũng như của học sinh trong trường, lớp của họ.

Nên quan niệm các bộ sách giáo khoa chỉ là giáo cụ, giáo viên có thể sử dụng hoặc không sử dụng để chuyển tải chương trình quốc gia. Bộ GD-ĐT muốn đánh giá hay kiểm định chất lượng giáo dục thì nên dựa vào chương trình quốc gia, chứ không lấy bất kỳ bộ sách giáo khoa nào làm chuẩn mực.

Những điều này không mới mẻ gì, các nước phát triển đã áp dụng từ lâu vì nó phù hợp với bản chất của con người và xã hội. Phần Lan thành công trong giáo dục phổ thông theo tôi cũng nhờ họ thừa nhận và bám vào bản chất duy biệt này nơi từng học sinh, để tìm cách hỗ trợ từng học sinh phát triển tối đa khả năng của mỗi em và theo cách riêng của mỗi em.

Bộ GD-ĐT không nên tham gia biên soạn sách giáo khoa

Theo logic trên, việc Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn sách giáo khoa là điều không hợp lý và không cần thiết xét về nhiều mặt. Khi kêu gọi các nhóm tư nhân tham gia biên soạn sách và lưu thông trên thị trường như một loại "hàng hóa" thì Bộ cần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng.

Và để được vậy, Bộ nên đứng ngoài để đóng vai trò trọng tài. Bộ không nên biến mình thành một bên trực tiếp "sản xuất" và tham gia cạnh tranh đồng thời đóng vai trò trọng tài, thì sự vô lý và bất công là hiển hiện mà thiên hạ hay gọi là hiện tượng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Tôi nghĩ, cái cần nhất là Bộ tập trung vào việc biên soạn Chương trình cốt lõi quốc gia với những điều cơ bản và hãy chừa chỗ trống cho các chủ thể trực tiếp bên dưới như học sinh, giáo viên, các trường, các vùng "điền vào" để có thể đáp ứng nhu cầu của các cá nhân và xã hội.

Trong tình trạng Việt Nam hiện nay, điều cần nhất là Bộ GD-ĐT tập trung vào việc nâng cao chất lượng của các trường đào tạo giáo viên. Cải cách có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào các giáo viên, chứ không phải phụ thuộc vào sách giáo khoa.

TS Nguyễn Khánh Trung (Trung tâm giáo dục Emile Việt)

“Bộ Giáo dục đang biên soạn SGK và quy định hướng dẫn chọn sách”

“Bộ Giáo dục đang biên soạn SGK và quy định hướng dẫn chọn sách”

-Bộ GD-ĐT từng bước biên soạn bộ SGK, làm bộ mẫu; tổ chức thực nghiệm để hoàn thành trước mắt là cho lớp 1; tập huấn cho 100% giáo viên.

Chủ tịch Quốc hội: "Có những môn học không thể nhiều bộ sách"

Chủ tịch Quốc hội: "Có những môn học không thể nhiều bộ sách"

Một trong những nội dung được đề cập tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sáng nay - 12/3 - là câu chuyện làm sách giáo khoa (SGK).

Phó Thủ tướng: Cần tách bạch các khâu làm sách giáo khoa

Phó Thủ tướng: Cần tách bạch các khâu làm sách giáo khoa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói Bộ GD-ĐT chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống tại buổi họp chiều 28/2.

Một chương trình, nhiều bộ SGK: Bộ Giáo dục cần rõ ràng và thuyết phục hơn

Một chương trình, nhiều bộ SGK: Bộ Giáo dục cần rõ ràng và thuyết phục hơn

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng - nguyên là Điều phối viên chính, của Ban Phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông - Bộ GD-ĐT) bày tỏ như vậy về một số vấn đề được đặt ra.

Bộ Giáo dục có nên biên soạn sách giáo khoa?

Bộ Giáo dục có nên biên soạn sách giáo khoa?

Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn bày tỏ quan điểm về biên soạn sách giáo khoa.