Nguyễn Anh Tuấn (sinh ngày 23/9/1962) là kỹ sư, nhà báo, được biết đến nhiều nhất với vai trò là Tổng Biên tập đầu tiên của báo VietNamNet. Năm 1996, anh là một trong những người đầu tiên có vinh dự nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Anh Nguyễn Anh Tuấn có nhiều tâm sự và gửi gắm tới các bạn trẻ qua cuộc trò chuyện dưới đây.

{keywords}
Nguyễn Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) ra mắt Chương trình Giáo dục Công dân toàn cầu ngày 8/2/2016.

Năm 1996, khi được tôn vinh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, ông có suy nghĩ gì?

Khi ấy tôi đang làm Trưởng Trung tâm tin học Teltic, Bưu điện tỉnh Khánh Hòa. Tôi đã lãnh đạo Trung tâm tin học Teltic phát triển ngay cả khi còn thiếu thốn nhiều nguồn lực, tài liệu và thiết bị. Đặc biệt tôi đã xây dựng Xa lộ thông tin VietNet, mạng máy tính công cộng, cung cấp dịch vụ trên toàn quốc xây dựng theo chuẩn Internet TCP/IP, đầu tiên ở Việt Nam (hoàn thành từ cuối 1995, chính thức cung cấp dịch vụ cho mọi người ở Việt Nam sử dụng từ ngày 31/1/1996 với các dịch vụ email, E-News, web), trước khi Việt Nam chính thức kết nối và cung cấp dịch Internet 2 năm. Cùng với Xa lộ Thông tin VietNet là giải pháp bảo đảm an ninh cho mạng VietNet.

Tôi tự hào và xúc động khi được tôn vinh vì nghĩ rằng những nỗ lực tạo dựng Xa lộ Thông tin VietNet của tôi cùng với anh em ở Trung tâm Tin học Teltic và Bưu điện tỉnh Khánh Hòa đã được ghi nhận. Đặc biệt, được vinh danh là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu ngay trong năm đầu tiên của Giải thưởng nên càng thấy tự hào. Tôi gìn giữ những kỷ vật đó rất trang trọng từ Đĩa biểu trưng giải thưởng, Bằng chứng nhận của T.Ư Đoàn, Bằng khen và chiếc radio cassette đến quà tặng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu tác động như nào đến ông trong những năm qua?

Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1996 (hồi ấy gọi là Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất 1996) thực sự là động lực lớn giúp tôi tự tin tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời làm việc của mình sau này khi được điều động ra Hà Nội xây dựng Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, Báo Điện tử VietNamNet, và bây giờ cùng các nhà lãnh đạo, các học giả hàng đầu thế giới xây dựng Diễn đàn Toàn cầu Boston, Xây dựng Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu...

Hiện nay tôi là Tổng Biên tập Diễn đàn Toàn cầu Boston và là Chủ tịch Ủy ban cố vấn Quốc tế Chương trình Giáo dục công dân Toàn cầu của Đại học California Los Angles (UCLA) và UNESCO; Thành viên Hội đồng Cố vấn Toàn cầu, Trường Kinh doanh của Đại học Harvard.

Ngọn lửa Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam Tiêu biểu luôn cháy trong tôi suốt quá trình đầy gian nan, vất vả, nhiều khó khăn thách thức khi xây dựng Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC (thuộc VNPT), Báo điện tử VietNamNet và ngày hôm nay khi cùng các đồng nghiệp tinh hoa của thế giới ở Diễn đàn Toàn cầu Boston xây dựng những sáng kiến mới Chống khủng bố trên mạng Internet cho Hội nghị thượng đỉnh G7, hay cùng các nhà giáo dục hàng đầu thế giới xây dựng Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu. Tôi làm việc với tâm thế là gương mặt tiêu biểu của Việt Nam và nỗ lực sáng tạo những sáng kiến mới, những kết quả mới có ý nghĩa để xứng đáng từng là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, để bạn bè thế giới trân trọng Việt Nam. Đó là ngọn lửa sáng tạo để có Ngày Toàn cầu vì Hòa bình và An ninh Internet, Bộ Quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử cho Hòa bình và An ninh Internet, Các nguyên lý Nền tảng cho Hòa bình và An ninh ở Thái Bình Dương...

{keywords}

Là người thành công khi còn trẻ, ông suy nghĩ gì về các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu những năm sau này? Có một số ý kiến cho rằng, một bộ phận người Việt trẻ hiện nay thiếu hoài bão, khát khao. Ông đánh giá gì về nhận định này? Ông có nhắn nhủ gì đến những người Việt trẻ?

Trước hết, các bạn được vinh danh Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu ở những năm tiếp theo đều có những cống hiến tốt cho đất nước, xứng đáng là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Tôi hy vọng các bạn trẻ hôm nay tiếp tục giữ được những ngọn lửa khát vọng xây dựng Việt Nam giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Những năm 1990-1997 thời ấy, chúng tôi trẻ, được truyền cảm hứng bởi các nhà lãnh đạo từ cấp cao nhất đất nước, đến lãnh đạo ở Tổng công ty Bưu Chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tôi nhớ ngày ấy, kinh tế đất nước chưa khá giả như bây giờ, nhưng cả xã hội đều rất lạc quan, hừng hực ý chí vươn lên trở thành con rồng mới, hổ mới của thế giới. Tổng Bí thư Đỗ Mười chúc Tết giản dị: “Chúc bà con phát tài”, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đọc diễn văn trên quảng trường Ba Đình nhân ngày Quốc khánh năm 1995 đầy tự tin, đặc biệt nụ cười Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến khắp các nước trên thế giới để mở quan hệ thế giới cho Việt Nam, cùng những quyết sách phát triển, một biểu tượng của đổi mới… đã truyền cảm hứng và niềm tin cho lớp trẻ chúng tôi ngày ấy. Ở Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam những năm ấy thì tràn đầy khí thế “đổi mới, tăng tốc” với ngọn cờ Đặng Văn Thân và các nhà lãnh đạo Đỗ Trung Tá, Mai Liêm Trực, ở ngay Bưu Điện Khánh Hòa thì được sự dìu dắt truyền cảm hứng của Phó Giám Đốc Phan Hoàng Đức, và luôn yên tâm và vững tin với Giám đốc rất tình người Thái Thắng…

Tôi cho rằng nếu lãnh đạo các cấp của đất nước hôm nay tiếp tục khơi dậy được khát vọng, nhiệt huyết xây dựng Việt Nam văn minh, giàu mạnh, viết nên những câu chuyện thần kỳ về phát triển của thế giới trong thế kỷ 21, và truyền niềm tin cho các bạn trẻ hôm nay, như lãnh đạo giai đoạn 1990-1997 đã làm được thì chắc rằng các bạn trẻ hôm nay sẽ hừng hực ý chí khát vọng vươn lên và tôi tin rằng Việt Nam sẽ viết thành công câu chuyện phát triển thần kỳ của thế giới trong thế kỷ 21.

Cảm ơn ông!

(Theo Trường Phong/ Tiền Phong)

Llewellyn King – nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình White House Chronicle:

Nguyễn Anh Tuấn đã đạt được một vị thế độc nhất trong việc xây dựng quan điểm trong giới học thuật và chính sách của Mỹ trong những năm ông sống ở Boston. Ông đã nhân rộng những thành công của mình trong lĩnh vực truyền thông đại chúng ở Việt Nam bằng cách tập trung tư duy các vấn đề quan trọng của Mỹ. Ông cũng được đánh giá cao bởi các nhóm chuyên gia của Washington và các trường đại học lớn của Mỹ, đặc biệt là Harvard. Ông cũng rất được tôn trọng ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và ĐH California Los Angeles (UCLA).

Thành tựu tuyệt vời của Tuấn ở Mỹ là sáng lập và điều hành Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF) – một viện chính sách công duy nhất định hướng các nhà hoạch định chính sách và những người đưa ra quyết định tới một chủ đề quan trọng được nghiên cứu trong vòng một năm. Trong suốt một năm, các học giả từ khắp nơi trên thế giới được liên kết qua video tới các phiên họp ở Câu lạc bộ giảng viên Harvard, Cambridge, Massachusetts.

Năm nay, BGF đang tập trung vào một vấn đề gai góc là an ninh mạng và đang thiết lập các tiêu chuẩn và bộ quy tắc quản lý quốc tế. Đây là một công việc đang được tiến hành với đầu vào từ Mỹ và khắp nơi trên thế giới.

“Tuấn là một nhà lãnh đạo tư tưởng. Tầm ảnh hưởng của anh ở Mỹ, trong một thời gian rất ngắn, là rất đáng kinh ngạc” – cựu nhà báo của tờ Washington Post, Linda Gasparello nhận định.

Giáo sư Carlos Torres – Chủ tịch Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu:

Ông Nguyễn Anh Tuấn đã có rất nhiều đóng góp kể từ khi thành lập báo điện tử VietnamNet, và hiện vẫn đang tiếp tục những nỗ lực này với Giáo dục Công dân Toàn cầu – một trong số ít những quan điểm chính trị và sư phạm sẽ giúp cải thiện sự gắn kết xã hội trong xã hội của chúng ta, là một phương pháp mới để giải quyết xung đột và là tiềm năng để đạt được một nền văn hóa bền vững cho hòa bình trên toàn thế giới.

Thomas E. Patterson – quyền Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Chính trị và Chính sách công Shorenstein, giáo sư Chính phủ và Báo chí của Trường Chính phủ Kennedy, ĐH Harvard:

Nguyễn Anh Tuấn là một trong những người tử tế nhất mà tôi từng gặp. Diễn đàn Toàn cầu Boston là một sự thành công lớn, trong đó chủ yếu nhờ sự đóng góp của Tuấn. Anh đã có rất nhiều sáng kiến được thực hiện bởi Diễn đàn Toàn cầu Boston.

Tuấn đã đề xuất Bộ quy tắc ứng xử vì hòa bình và an ninh mạng (ECCC), đề xuất Ngày An ninh mạng toàn cầu mà chúng tôi đã tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái tại một hội nghị có phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Abe.

Tuấn cũng đề xuất sáng kiến gần đây nhất của chúng tôi liên quan đến việc phát triển một đề xuất chính sách về an ninh mạng toàn cầu được đệ trình lên Chính phủ Nhật Bản và có thể được đưa ra xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức ở Nhật Bản vào tháng 5 tới đây.

Tôi chưa từng gặp một người nào thể hiện lòng yêu nước và sẵn sàng cống hiến hơn Tuấn. Mối quan tâm chính của anh là phát triển những lợi ích của Việt Nam.

Nếu tôi phải chọn một từ để nói về Tuấn, đó sẽ là từ “người lãnh đạo”. Anh ấy lãnh đạo qua những ý tưởng, qua những hành động. Tôi rất vinh dự khi Tuấn là một người bạn của tôi.