Ngày 2/12, Ban tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam tổ chức họp báo về kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021.

Với chủ đề “Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”, năm nay, kỳ thi lần đầu tiên được triển khai theo quy định mới của pháp luật về lao động và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. 

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ tại họp báo.

Kỳ thi nhằm tôn vinh lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ quốc gia và tiệm cận được với chuẩn quốc tế; thúc đẩy lực lượng lao động có kỹ năng nghề theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới; tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và góp phần thực hiện học tập suốt đời, liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và đào tạo.

Từ đó góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng đó, thúc đẩy đào tạo gắn với ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ và gắn với việc chuẩn hóa chất lượng lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Qua đó cũng tuyển chọn thí sinh có năng lực tham gia đội tuyển quốc gia để huấn luyện chuẩn bị tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề Châu Á lần thứ 2 và thế giới lần thứ 46; tăng cường hội nhập quốc tế, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng về phát triển kỹ năng nghề và GDNN.

Các hoạt động tại kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 diễn ra từ ngày 1/12 đến 12/12 gồm hội nghị kỹ thuật, các hội thảo chuyên môn,... 

Ở đợt 1, có 5 nghề thi trực tuyến từ ngày 2/12 đến 5/12/2021. Ở đợt 2 có 9 nghề, (gồm 6 trực tuyến và 3 trực tiếp) từ ngày 7/12 đến ngày 9/12/2021.

{keywords}
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Nói về những điểm mới của kỳ thi, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, đối tượng tham dự kỳ thi được mở rộng theo quy định của Luật lao động 2019 và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới bao gồm người lao động, người học, có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đang học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp.

Kỳ thi năm nay cũng được đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề thông qua việc thu hút sự tham gia của các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp tham gia kỳ thi.

Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 còn thể hiện nhiều điểm mới về nội dung kỹ thuật như công tác biên soạn đề thi, công tác chuyên gia, giám khảo,...

Ngoài ra, có nhiều nghề mới lần đầu tiên tổ chức Việt Nam là những nghề mới lần đầu tiên tổ chức tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới như Công nghiệp 4.0, Điện toán đám mây; Phát triển ứng dụng di động,... Thâm chí, có nghề chưa từng tổ chức thi tại ASEAN và thế giới mà xuất phát từ nhu cầu lao động lớn trong nước như Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò.

Ông Trường cho hay, trước tình hình diễn biến phức tạp, bùng phát trở lại, Ban tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam đã chủ động đề xuất phương án tổ chức kỳ thi, rút ngắn từ 35 nghề đăng ký xuống còn chỉ còn 14 nghề năm 2021, trong đó 11 nghề thi trực tuyến, 3 nghề thi trực tiếp với đặc thù ngành công nghiệp mỏ ở Quảng Ninh.

“Lần đầu tiên tổ chức kỳ thi trực tuyến cho một số nghề cùng với một số nghề trực tiếp như thông lệ. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong kỳ thi tay nghề.

Chúng tôi quyết tâm tổ chức kỳ thi này với 11 nghề trực tuyến. Đây có thể gọi là vừa thí điểm vừa là đột phá để rút kinh nghiệm cho các kỳ thi sau tốt hơn.

Đây cũng có thể là một việc để chúng ta chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, hướng tới nhân lực số, lao động số”, ông Trường nói.

Theo thống kê của ban tổ chức, tổng số 163 thí sinh dự thi đến từ 25 đoàn. Trong đó có 23 đoàn dự thi trực tuyến với 30 điểm cầu tại 17 tỉnh, thành phố.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, kỳ thi không chỉ tìm ra xuất sắc mà những thí sinh có tay nghề cao, lao động xuất sắc mà quan trọng hơn là tạo ra được một phong trào, sự lan tỏa tinh thần trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng và vững vàng vượt qua đại dịch.

Thanh Hùng

Tìm giải pháp cho đào tạo nghề trong bối cảnh chuyển đổi số

Tìm giải pháp cho đào tạo nghề trong bối cảnh chuyển đổi số

Giải pháp để phát huy vai trò và tính hiệu quả của đào tạo trực tuyến trong trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp là vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý quan tâm.