- Ở môn thi Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia thông tin từ các giám khảo cho biết phổ điểm bài thi của thí sinh từ 5-7 điểm. Vẫn có những bài bị điểm liệt, không ít thí sinh để giấy trắng hoặc viết lăng nhăng.

Theo đánh giá ban đầu của một số cán bộ chấm thi tại Hà Nội, ở môn thi Lịch sử đã xuất hiện bài thi đạt điểm 9,5. Mức độ phân hóa trong bài làm của thí sinh cũng được thể hiện rõ rệt. Phổ điểm ở môn thi này dao động từ 5 -7 điểm.

{keywords}
Cán bộ chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: Văn Chung).

Năm nay đề thi có hai câu hỏi đầu tiên (với 6 điểm tối đa) là phần gỡ điểm cho thí sinh. Hai câu hỏi còn lại yêu cầu học sinh phải có đam mê và kĩ năng, kiến thức liên môn mới làm tốt được.

Dù có những phần câu hỏi khá dễ nhưng các cán bộ chấm thi cho biết vẫn có nhiều bài thi của thí sinh ở môn Lịch sử bị điểm 0 do học sinh để giấy trắng.

Thậm chí, với đề thi năm nay, ở câu II, chỉ cần chép lại đề bài thôi thì giám khảo cũng đã có thể cho các em điểm vì các ý cần trả lời nằm sẵn ngay trong dữ liệu được cho ở đề bài nhưng vẫn có thí sinh không làm gì hết mà chép lại nguyên si đề bài. Có giám khảo cố gắng cho thí sinh đến 0,5 điểm nhưng đa phần đều không cho điểm thí sinh với cách làm bài như vậy. Một số em lại viết mấy câu trả lời theo kiểu viết lăng nhăng cho kín giấy.

Cũng có bài thí sinh lại viết tràn lan nhưng không có ý nào khớp với đáp án nên cán bộ chấm thi không thể cho điểm. Ví dụ câu hỏi tình hình kinh tế Nhật Bản từ năm sau chiến tranh đến năm 1973, thí sinh lại viết về văn hóa Nhật Bản với những nét đặc sắc như trang phục kimono, trà đạo…

Thậm chí, có những chi tiết gây hài như “Nhật - Pháp đánh nhau, Việt Minh vớ bở” cũng được đưa vào bài.

Một số thí sinh làm tốt hơn nhưng ở câu hỏi nâng cao, việc sử dụng kiến thức liên môn lại có phần khiên cưỡng, rời rạc. Ví dụ ở câu III, khi trả lời yêu cầu trình bày suy nghĩ về câu khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” trong bản Tuyên ngôn độc lập."

Theo cán bộ chấm thi, thí sinh dẫn nhiều kiến thức văn học vào bài như câu thơ “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin” của Chế Lan Viên rồi lại dẫn câu nói của Bác Hồ “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” rồi say sưa bình luận.

Điểm kém vì nhiều lí do

Theo một cán bộ chấm thi: “Lịch sử là môn tự chọn, nhưng có thể do cách ôn luyện của thí sinh chưa tốt hoặc thí sinh đăng ký nhưng không chú tâm ôn luyện nên kết quả kém. Có những câu hỏi theo đề mở nhưng học sinh cũng không viết được gì”.

Một cán bộ khác chỉ ra nhiều lí do dẫn tới việc thí sinh điểm kém ở môn thi Lịch sử. Thứ nhất do chương trình, kiến thức trong sách giáo khoa hiện hành còn quá nặng nề, phương pháp dạy của giáo viên chưa hấp dẫn khiến tiết học nhàm chán.

Thứ hai do học sinh chưa thực sự đam mê, được khơi gợi tình yêu môn Lịch sử.

Thứ ba, lí do thiết thân là thí sinh thấy môn này không nằm trong các môn thi tuyển vào ĐH,CĐ nên không lựa chọn học.

Trong 8 môn thi THPT quốc gia, Lịch sử là môn có lượng thí sinh lựa chọn thi ít nhất với hơn 154.000 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm hơn 15% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

 Phổ điểm môn Địa lí từ 5-7 điểm

Ở môn Địa lí, một cán bộ chấm thi ở Hà Nội cho biết trong số các bài chấm thi đã có những bài nổi trội được chấm 9 điểm, 8,75 điểm hay 8,5 điểm.

Với môn thi Địa lí năm nay, để đạt được điểm 5 với thí sinh là điều không quá khó. Những câu hỏi thí sinh dễ đạt điểm là vẽ biểu đồ và thực hành, atlat. Phổ điểm trong các bài chấm thi của giáo viên này ở mức từ 5 -7 điểm. Điểm từ 8 trở lên chiếm số lượng nhiều hơn so với mọi năm.

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một vài bài thi điểm liệt (dưới 1 điểm) do không làm được bài hoặc bài thi để giấy trắng.

  • Văn Chung