Với những đóng góp trong việc lý giải tính đối xứng của bề mặt cong, người phụ nữ 37 tuổi với đôi mắt xanh cuốn hút đến từ Iran đã được giải thưởng Fields (được coi là Nobel trong lĩnh vực Toán học) vinh danh sau hơn 70 năm chỉ có sự thống trị của phái mạnh.

{keywords}
Người phụ nữ đầu tiên được trao giải Fields là người Iran, hiện đang là giảng viên Toán học tại ĐH Stanford

Nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học nữ

Maryam Mirzakhani – chủ nhân giải thưởng Fields năm 2014 – hiện đang là giáo sư Toán học tại ĐH Stanford.

“Đây là một vinh dự lớn. Tôi sẽ rất vui nếu điều này góp phần khuyến khích những nhà khoa học nữ trẻ tuổi nói chung và các nhà toán học nữ nói riêng” – Mirzakhani chia sẻ.

Giải thưởng năm nay công nhận những đóng góp sắc sảo và tinh túy của Mirzakhani trong lĩnh vực hình học và hệ thống động lực. Mặc dù công trình nghiên cứu của bà được coi là “thuần toán học” và chủ yếu là lý thuyết nhưng lại có ý nghĩa đối với ngành vật lý và thuyết trường lượng tử.

Từ học kém môn toán đến 2 lần Huy chương vàng toán quốc tế

Người phụ nữ 37 tuổi này sinh ra và lớn lên ở Tehran, Iran. Khi còn bé, mong muốn chủ yếu của bà chỉ đơn giản là đọc hết mọi cuốn sách mà mình có thể tìm thấy.

Bà cũng xem những chương trình truyền hình nói về tiểu sử của những phụ nữ nổi tiếng như Marie Curie hay Helen Keller. Những câu chuyện này thấm nhuần và nhen nhóm ý định phải làm một cái gì đó vĩ đại trong đời – nhưng có lẽ là trở thành một nhà văn, chứ không phải là một nhà toán học.

{keywords}
Sở thích của chủ nhân giải Fields khi còn nhỏ là đọc tiểu thuyết và mơ ước trở thành nhà văn

Mirzakhani hoàn thành bậc tiểu học khi chiến tranh Iran-Iraq sắp kết thúc và nhiều cơ hội mở ra với những học sinh năng động. Bà tham gia kỳ thi và giành một suất ở trường trung học nữ sinh Farzanegan (Tehran).

“Tôi nghĩ chúng tôi là một thế hệ may mắn. Tôi trở thành nữ sinh khi mọi thứ đã ổn định” – bà chia sẻ.

{keywords}

Mirzakhani chụp cùng bố mẹ trong chuyến thăm tới Isfahan, Iran

Năm đầu tiên ở trường trung học, nữ sinh Mirzakhani đã học rất kém môn toán. Giáo viên dạy toán không nghĩ rằng cô gái này là một tài năng đặc biệt. Ở tuổi đó, “việc người khác nhìn bạn như thế nào rất quan trọng. Tôi đã mất sự tập trung với môn toán”.

Nhưng năm học sau đó, Mirzakhani đã trở thành một “ngôi sao” toán học.

{keywords}

“Toán học rất thú vị. Nó giống như ta đang giải câu đố hay như đang kết nối các dấu vết trong một vụ điều tra. Tôi cảm thấy đây là thứ mà mình có thể làm và tôi muốn theo đuổi con đường này” – người phụ nữ có ánh mắt cuốn hút này nói.

Mirzakhani được biết đến như một hiện tượng Toán học của thế giới từ khi còn là một nữ sinh, với thành tích giành Huy chương Vàng ở cả 2 kỳ thi Olympic Toán học thế giới năm 1994 và 1995, trong đó kỳ thi năm 1995 đạt điểm số tuyệt đối.

Sau khi nhận bằng cử nhân ở ĐH Công nghệ Sharif năm 1999, bà bắt đầu nghiên cứu tiến sĩ tại ĐH Harvard dưới sự hướng dẫn của người đã từng nhận giải Fields – ông Curtis McMullen.

Từ năm 2004 tới năm 2008, bà là nghiên cứu viên tại Viện Toán học Clay, đồng thời là trợ giảng tại ĐH Princeton. Năm 2008, bà trở thành giảng viên Toán học tại Stanford – cũng là nơi đang sống cùng chồng và cô con gái 3 tuổi.

“Tôi không có bất cứ công thức đặc biệt nào”

{keywords}

Mirzakhani đã nói như vậy khi được hỏi về cách tiếp cận để phát triển những chứng minh mới.

"Đó là lý do tại sao công việc nghiên cứu rất hấp dẫn và đầy thách thức. Nó giống như bạn bị lạc trong một khu rừng và bạn phải sử dụng tất cả những kiến thức mình có thể tập hợp để giải quyết vấn đề. Và cũng cần một chút may mắn trong quá trình tìm đường thoát nữa”.

Với giọng nói trầm đều và đôi mắt màu xanh xám, người phụ nữ này để lại ấn tượng với người đối diện bằng sự tự tin.

Tuy nhiên, bà cũng là một người vô cùng khiêm nhường. Khi được đề nghị nói về những đóng góp của mình cho vấn đề nghiên cứu đặc biệt này, bà cười lớn, ngập ngừng rồi nói: “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng mình có đóng góp gì to lớn”.

Khi có một email gửi tới thông báo sẽ nhận được giải thưởng danh giá nhất ngành Toán học, bà đã nghĩ rằng tài khoản email người gửi bị đột nhập.

{keywords}

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye (trái) bắt tay chủ nhân giải Fields tại lễ trao giải hôm 13/8. Ảnh: Reuters

{keywords}

: Bà Maryam Mirzakhani (thứ 6 từ phải sang) tại lễ trao giải hôm 13/8 diễn ra tại Hàn Quốc

Thời trung học, Mirzakhani và cô bạn thân ở trường nữ sinh từng tới gặp hiệu trưởng và đề nghị nhà trường tổ chức một lớp học toán dạy những kiến thức giống như ở các trường nam sinh.

“Cô hiệu trưởng là một người rất mạnh mẽ” – Mirzakhani nhớ lại.

“Nếu chúng tôi thực sự muốn điều gì, bà ấy sẽ làm”. Mặc dù biết rằng kỳ thi Olympic Toán học của Iran chưa bao giờ cho một nữ sinh tham gia, nhưng “tư tưởng của bà rất tích cực và lạc quan”. Cô hiệu trưởng đã nói rằng: “Em có thể làm được, thậm chí sẽ là người đầu tiên” – Mirzakhani kể lại.

“Tôi nghĩ rằng tư tưởng đó có sức ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời mình” – chủ nhân giải Fields khẳng định.

  • Nguyễn Thảo (Theo Stanford, Simons Foundation)