- Sau trận mưa lũ vừa qua, cây cầu tre tạm bợ bắc qua sông Đặt của người dân bản Hón Cánh (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) bị cuốn trôi. Hàng ngày, người dân và học sinh nơi đây muốn đi phải liều mình lội qua…

Ông Cầm Bá Huế, Phó chủ tịch xã Vạn Xuân cho biết, bản Hón Cánh có 16 hộ dân sinh sống với 72 nhân khẩu.

Bản Hón Cánh chỉ có một con đường “độc đạo” để giao thương với bên ngoài đó là cây cầu tre bắc qua sông. Tuy nhiên, trận mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi cây cầu này nên bản bị cô lập như một ốc đảo. Người dân muốn đi lại giao thương phải lội qua con sông Đặt, nước chảy xiết rất nguy hiểm.

{keywords}

Các em học sinh đang chuẩn bị cởi quần áo dài để vượt sông

Em Lê Đình Khương (học sinh lớp 11, Trường THPT Thường Xuân 3) cho biết, hàng ngày em phải lội qua sông ít nhất là 2 lần. Mỗi lần qua sông như vậy là em lại phải cởi hết quần áo dài ra vượt… sông tới lớp. Để sách vở, quần áo dài không bị ướt Khương phải bỏ nháo nhào vào túi nilông, giơ cao lên trời. Có hôm trượt chân trôi theo dòng nước, quần áo và sách vở bị nhấn chìm dưới nước.

Khổ nhất vẫn là các em học sinh tiểu học và THCS. Mỗi khi có việc gì hoặc phải đi đâu qua con sông Đặt là các thầy cô không yên tâm. Nhiều em nhỏ còn liều mình qua sông bằng cách nắm tay nhau để nếu người này trượt chân ngã hay bị nước cuốn trôi còn có người kia kéo lại.

{keywords}

Chỉ có những em học sinh lớn mới dám liều mình vượt qua sông

{keywords}

Nước sông Đặt dâng lên là người dân bản Hón Cánh bị cô lập

Trao đổi với chúng tôi, thầy Cầm Bá Khuyển, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Xuân 2 chia sẻ, bản Hón Cánh có gần 20 học sinh ở lứa tuổi các cấp. Những ngày mưa lũ, các em học sinh THPT mới đủ can đảm vượt sông về nhà. Còn lại các em học sinh tiểu học và THCS, nhà trường không yên tâm, nên căn dặn phụ huynh gửi ở nhà người quen để tránh nguy hiểm xảy ra.

“Nhà trường cũng mong rằng các cấp chính quyền quan tâm xây một cây cầu cho người dân và học sinh qua sông an toàn trong mùa mưa lũ” – thầy Khuyển nói.

  • Lê Dương